IFS cho biết, sẽ tiếp tục gửi đơn lên tòa Giám đốc thẩm và Viện kiểm soát nhân dân tối cao

IFS cho biết, sẽ tiếp tục gửi đơn lên tòa Giám đốc thẩm và Viện kiểm soát nhân dân tối cao

Tòa lại bác đơn kiện cùng yêu cầu bồi thường của IFS

(ĐTCK-online) Ngày 5/10 tại Hà Nội, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao đã đưa ra xét xử vụ CTCP Thực phẩm quốc tế Việt Nam (IFS) kiện Ngân hàng ANZ Chi nhánh Hà Nội (gọi tắt là ANZ) liên quan đến hợp đồng bảo lãnh trái phiếu ký kết năm 2007.

>> UBCK chỉ cấp phép bảo lãnh phát hành trái phiếu ra công chúng

>> IFS tiếp tục xin ý kiến UBCK về tranh chấp với ANZ

>> ANZ bảo lãnh phát hành không phép: Cơ quan quản lý ở đâu?

Tại phiên xử sơ thẩm trước đó, Tòa kinh tế Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã phán quyết hợp đồng giữa ANZ và IFS đã ký là có hiệu lực, ANZ đã thực hiện các điều kiện của hợp đồng và bác yêu cầu của IFS.

Tại phiên tòa Phúc thẩm, trước khi bước vào phần thẩm vấn, bà Nguyễn Thị Kim Liên, đại diện IFS đã đề nghị thay đổi thẩm phán và đề nghị phiên tòa cần có đại diện của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được chấp thuận.

Tại Tòa, đại diện hai bên cùng luật sư đã đưa ra các chứng cứ tranh tụng khá gay gắt. Phía IFS cho rằng, hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu giữa IFS và ANZ là hợp đồng vô hiệu.

Lý do IFS đưa ra là, ANZ đã thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu khi chưa có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước và UBCK, tức là chưa đủ năng lực dân sự thực hiện nghiệp vụ này.

Phía ANZ phản biện rằng, việc thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh là căn cứ vào Quyết định cấp phép hoạt động năm 1992 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có nội dung bảo lãnh. Tuy nhiên, luật sư bên IFS cho rằng, đó là bảo lãnh tín dụng, chứ không phải bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Lý do thứ hai phía IFS đưa ra là, ANZ đã không trung thực khi cung cấp bản chào dịch vụ cho IFS, bởi không nói rõ đã có giấy phép cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu hay chưa. Mặt khác theo IFS, ANZ đã không thực hiện trách nhiệm hợp đồng, bởi đây là hợp đồng bảo lãnh, nên ANZ phải có nghĩa vụ mua trái phiếu trong đợt phát hành…

Đại diện ngân hàng ANZ và luật sư bảo vệ nêu nguyên nhân chính khiến cho đợt phát hành trái phiếu của IFS không thành công là diễn biến thị trường tài chính trong và ngoài nước năm 2008 rất xấu. Bản thân đơn vị này đã gửi bản chào đến các NĐT tổ chức uy tín như Prudential, Indochina Capital, Bảo hiểm Dầu khí…, nhưng đều nhận được phản hồi không tích cực như không quan tâm, không muốn mua, hết hạn mức đầu tư tại Việt Nam... Phía ANZ cũng khẳng định, trong thư thỏa thuận (hợp đồng - PV) không có điều khoản nào cho thấy, ANZ phải có trách nhiệm bao tiêu trái phiếu IFS trong đợt phát hành này.

Ngoài nguyên nhân khách quan là thị trường tài chính diễn biến xấu, ANZ cũng đưa ra một số nguyên nhân chủ quan từ phía IFS. Đó là giá cổ phiếu IFS khi đó đã sụt giảm về mệnh giá, khiến trái phiếu IFS dự kiến phát hành không còn hấp dẫn.

Bên cạnh đó, IFS cũng bị một số quyết định xử phạt của chính quyền địa phương liên quan đến môi trường và an toàn thực phẩm. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của đợt phát hành. Nhận thấy việc bảo lãnh phát hành trái phiếu khó thành công, ANZ đã có những khuyến nghị IFS huy động vốn bằng các biện pháp thay thế: phát hành trái phiếu chuyển đổi, tìm ngân hàng tài trợ.

Kết thúc phần tranh tụng trước Tòa, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao đã nghị án. Theo Chủ tọa, ngày 15/6/1992, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định cấp giấy phép cho Ngân hàng ANZ Chi nhánh Hà Nội được hoạt động.

Cũng theo Chủ tọa, tại thời điểm ký kết hợp đồng ngày 18/12/2007 giữa ANZ và IFS, ANZ Chi nhánh Hà Nội chưa được cấp giấy phép thực hiện bảo lãnh phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, điểm b khoản 1, Nghị quyết số 04/2003/NQ- HĐTP ngày 27/5/2003 của Tòa án Nhân dân tối cao có quy định, hợp đồng kinh tế được coi là vô hiệu toàn bộ khi một trong các bên ký kết hợp đồng kinh tế không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng. Theo đó, Tòa phúc thẩm đã tuyên hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu giữa ANZ và IFS có hiệu lực và bác bỏ đơn khởi kiện cùng yêu cầu bồi thường của IFS.

Không đồng ý với phán quyết của Tòa phúc thẩm, IFS cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn lên tòa Giám đốc thẩm và Viện kiểm soát nhân dân tối cao.