Công ty OTM đã mạo danh TLS cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và đưa ra nhiều thông tin sai lệch về TLS

Công ty OTM đã mạo danh TLS cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và đưa ra nhiều thông tin sai lệch về TLS

Tội phạm mới: mạo danh công ty chứng khoán tư vấn đầu tư

(ĐTCK-online) Sau hàng loạt các nghi vấn làm giá cổ phiếu, tuần qua, một loại tội phạm mới đã được phát giác trên TTCK Việt Nam: tội mạo danh công ty chứng khoán để tư vấn đầu tư chứng khoán.

>> Mạo danh ông Quách Mạnh Hào, lập báo cáo khuyến nghị mua cổ phiếu KSS 

>> Mạo danh TLS cung cấp dịch vụ tư vấn chứng khoán qua tin nhắn

Cùng với việc Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) phát hiện ra một pháp nhân: CTCP Tổ hợp Giáo dục và Truyền thông OTM giả mạo TLS cung cấp dịch vụ tư vấn chứng khoán qua tin nhắn SMS 6733 để trục lợi, Công ty này còn phát hiện có một số bài phân tích cổ phiếu nóng với giá khuyến nghị cao ngất mang tên Quách Mạnh Hào (Phó tổng giám đốc TLS), được lan truyền trên một số diễn đàn mạng.

Theo TLS, những đối tượng hành động như vậy không những đã trục lợi một cách bất chính trên thương hiệu của Công ty, mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và tiền bạc của nhiều nhà đầu tư. Sự việc xảy ra với TLS đang khiến dư luận lo ngại về một loại tội phạm mới xuất hiện, mạo danh các CTCK và DN niêm yết tên tuổi tung tin để khuynh đảo thị trường nhằm trục lợi.

 

TLS chỉ có 1 kênh cung cấp quan điểm chính thức về đầu tư

Ngày 13/10, ngay sau khi phát hiện ông Dũng giả mạo thông tin liên kết với nhóm chuyên viên môi giới của TLS đưa ra dịch vụ tư vấn chứng khoán qua hệ thống tin nhắn, nhằm trục lợi, đại diện TLS đã làm việc với ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc điều hành CTCP Tổ hợp Giáo dục và Truyền thông OTM (phòng 2206, tháp B, Hà Thành plaza, 102 Thái Thịnh, Hà Nội).

Trong buổi làm việc này, TLS đưa ra các bằng chứng chứng minh ông Dũng đã mạo danh TLS để trục lợi. Đặc biệt, Công ty OTM đưa ra nhiều thông tin sai lệch về TLS, điển hình như "có rất nhiều đội đánh, cùng hỗ trợ tài chính rất mạnh từ MB, kết hợp với thông tin nội bộ từ doanh nghiệp nên xác suất lợi nhuận cao…". Việc làm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh và uy tín của TLS.

Theo đại diện TLS, Công ty đã yêu cầu ông Dũng dừng ngay việc cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán qua hệ thống SMS 6733 mà Công ty đã mạo danh TLS triển khai trong thời gian qua. Kèm theo đó, Công ty OTM  phải có công văn gửi TLS đề cập chi tiết các sai phạm của Công ty OTM, cũng như cá nhân ông Dũng và đề xuất phương án khắc phục hậu quả.

Ngay sau khi phát hiện hiện tượng giả mạo này, TLS cũng đã có thông cáo gửi các nhà đầu tư và cơ quan truyền thông khẳng định, mọi thông tin về TLS do Công ty CP Tổ hợp giáo dục và Truyền thông OTM quảng cáo trong dịch vụ "Soạn TLS gửi 6733" là thông tin giả mạo. TLS không có bất cứ một sự liên kết hay phối hợp nào với Công ty CP Tổ hợp giáo dục và Truyền thông OTM hay bất cứ một công ty nào khác về việc cung cấp dịch vụ tư vấn chứng khoán qua tin nhắn. TLS chỉ cung cấp quan điểm chính thức về thị trường qua bản tin hàng ngày The Investor Daily được gửi cho khách hàng qua hệ thống email của TLS. TLS cho biết, các nhà đầu tư muốn sử dụng dịch vụ tư vấn của TLS nên liên hệ với TLS qua các phòng giao dịch của TLS trên toàn quốc.

 

Tạo dựng thông tin sai sự thật có thể bị phạt đến 500 triệu đồng

Sự việc TLS bị mạo danh đang dấy lên mối lo ngại về một loại tội phạm mới: mạo danh CTCK và DN niêm yết tung tin giả tạo để khuyến dụ nhà đầu tư nghe theo nhằm trục lợi. Tội phạm loại này có nguyên nhân sâu xa từ việc môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư còn kém minh bạch tại TTCK Việt Nam. Bản thân một số tờ báo đã không ít lần, vô tình hay hữu ý đăng tải các bài viết thổi giá cổ phiếu từ nhóm nhà đầu tư với dẫn nguồn thông tin từ DN phát hành. Các bài viết này đọc qua thì thấy đáng tin cậy, nhưng xem kỹ sẽ thấy người viết rất có chủ ý đẩy hoặc dìm giá cổ phiếu.

Xử lý đối với vấn đề này như thế nào đang là một câu hỏi nóng với nhà quản lý. Với các DN, sự việc tại TLS một lần nữa cho thấy, câu chuyện về bản quyền tác giả, về giữ gìn uy tín DN vẫn còn rất hở ở Việt Nam. Một DN dù mạnh đến mấy vẫn rất có thể bị kẻ gian hoặc đối thủ giả mạo tên tuổi để trục lợi và bôi xấu hình ảnh.

Hiện quy định về tội phạm giả mạo tên tuổi DN, tung tin đồn khuyến dụ đầu tư đã xuất hiện tại một số văn bản pháp luật về chứng khoán. Theo Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, tại Điều 25 quy định các hành vi gian lận trong giao dịch chứng khoán nêu rõ: phạt tiền 500 triệu đồng đồng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các hoạt động gian lận, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót các thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán và các dịch vụ chứng khoán… Kèm theo đó còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: buộc huỷ bỏ, cải chính thông tin, tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm mà có.

Điều nguy hiểm nhất của loại tội phạm mạo danh CTCK tư vấn đầu tư không chỉ ở chỗ uy tín của CTCK bị phá hoại, mà những nhà đầu tư nhẹ dạ, nghe theo lời tư vấn loại này sẽ bị thiệt hại nặng nề, làm xấu môi trường đầu tư chứng khoán và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK. Để lập lại trật tự trên TTCK, để hạn chế những thủ đoạn lừa đảo trắng trợn, cơ quan quản lý cần vào cuộc một cách rốt ráo với những vụ việc mà bằng chứng phạm tội đã quá rõ ràng.