Doanh nhân Trần Thành Trọng

Doanh nhân Trần Thành Trọng

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai: Kinh doanh vì những điều tử tế

Với doanh nhân Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai, sự nghiệp kinh doanh gắn liền với trải nghiệm vì một tương lai tươi sáng hơn, tử tế hơn. Ông đã làm mọi điều để thực sự có được những trải nghiệm đó.

Sức vươn của… thợ trẻ

Đã thành lệ thường, mỗi sáng đến văn phòng, ông mở toang rèm cửa, hít thở thật sâu trước khi bắt tay vào một ngày mới. Ông - doanh nhân Trần Thành Trọng, thủ lĩnh Công ty cổ phần Sáng Ban Mai - muốn đón nhận nguồn năng lượng quý báu từ buổi sớm mai của trời đất.

Lần này cũng vậy, ông đón chúng tôi vào buổi sớm mai mát lành tại đại bản doanh mới toanh của Sáng Ban Mai trên cao ốc Lexington Office hiện đại và đắc địa hàng đầu Sài Thành. Câu chuyện mở màn cũng đầy hứng khởi, đó là SBMPOWER của Sáng Ban Mai đã đặt chân vào thị trường châu Âu.

Tôi tin, đã tới lúc xã hội không thể chung sống với những tiêu cực. Hơn thế, tiêu cực sẽ làm xói mòn các giá trị xã hội khác như thất thoát ngân sách, hiệu quả vốn đầu tư thấp, không công bằng, minh bạch...

“Chúng tôi - đối tác và Sáng Ban Mai - đã nhất trí nâng cấp quan hệ hợp tác lên tầm cao mới, nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm máy phát điện thương hiệu SBMPOWER vào thị trường châu Âu và một số thị trường trọng điểm khác. Tín hiệu tuyệt vời mở ra triển vọng kinh doanh mới rất sáng sủa”, ông Trọng hồ hởi chia sẻ tin vui đầu năm.

Mọi việc sẽ rất khác nếu hàng xuất sang châu Âu không phải là máy phát điện và điểm đến đầu tiên không phải là Đức - quê hương của ngành công nghiệp chế tạo thế giới. Mọi việc cũng sẽ rất khác nếu Sáng Ban Mai không phải là một thương hiệu vừa tròn 10 năm tuổi trong lĩnh vực sản xuất máy phát điện và 3 năm trong lĩnh vực sản xuất máy phát điện công suất lớn, 2.500 KVA.

Nhưng thực tế đúng là vậy, Sáng Ban Mai vừa hoàn thành đơn hàng xuất khẩu 3 container máy phát điện sang thị trường Đức. Còn ông Trọng thì nói, lòng tin và ý chí Việt đã biến khát vọng lớn nhất đời ông thành hiện thực.

Giống như bao thanh niên Việt sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đổi mới, năm 1996, ông Trọng tốt nghiệp ngành điện, Đại học Bách khoa TP.HCM, khởi nghiệp với hành trang bộn bề nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền… Khi đó, giấc mơ của chàng trai trẻ chỉ cầu mong gia đình sung túc hơn, giàu có hơn.

“Với những ai đã sống trong cảnh đói nghèo, nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn, khắc khổ, thì mong muốn duy nhất là thoát nghèo. Nhưng chính mong muốn rất con người đó đã khiến người ta trở nên cứng cỏi và lạc quan hơn rất nhiều. Ngay trong lúc khó khăn nhất, tôi vẫn tin tương lai sẽ xán lạn hơn”, ông Trọng nhớ lại một thời mưu sinh vất vả.

Cơ hội đến với ông Trọng chính trong cách nhìn lạc quan đó. Năm 2001, vì lý do sức khỏe, ông chủ của Công ty Ban Mai phải rút lui, ông Trọng đã mua lại và đổi tên thành Công ty cổ phần Sáng Ban Mai - cái tên tươi sáng như chính mong muốn của ông về cuộc đời.

Ông Trọng đã cùng với Sáng Ban Mai thỏa chí với đam mê về các loại máy móc liên quan đến ngành điện. Cũng phải thừa nhận, Việt Nam không phải là cái tên đáng kể trong ngành công nghiệp chế tạo, nhưng với ông Trọng, điều đó không có nghĩa là không thể.

Ông cùng cộng sự bỏ tiền túi mua nhiều chiếc máy phát điện về tháo ra mày mò nghiên cứu, thấy có thể làm được máy phát điện. Nghĩ là làm, ông nhập thiết bị chính yếu về, kết hợp với thiết bị chế tạo trong nước để thử ra lò những tổ máy phát điện made in Việt Nam đầu tiên.

“Chúng tôi thành công khi lắp được những tổ máy phát điện đầu tiên, hồ hởi mang đi chào hàng, nhưng không bán được nhiều vì tâm lý chuộng hàng ngoại. Thời điểm đó, cực chẳng đã chúng tôi đành phải xin nhượng quyền để sản xuất dưới nhãn hiệu khác của nước ngoài.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai: Kinh doanh vì những điều tử tế ảnh 1

 Doanh nhân Trần Thành Trọng: “Ngay trong lúc khó khăn nhất, tôi vẫn tin tương lai sẽ xán lạn hơn".

Tới năm 2006, ông Trọng nghĩ, không thể mãi ẩn mình, ông muốn thực sự sản xuất được máy phát điện công nghiệp mang thương hiệu Việt để xóa định kiến “nhược tiểu” về lĩnh vực công nghiệp chế tạo.

“Lúc đó khó nhiều lắm, năng lực công nghệ, tài chính, nhân lực kỹ thuật… Nhưng, không biết thì học và phải liều!  Điều quan trọng là tôi xác định sẽ phải bắt đầu”, ông Trọng nói.

Việc làm đầu tiên khi bắt đầu mục tiêu lớn, ông đăng ký nhãn hiệu máy phát điện SBMPOWER. Các kế hoạch nghiên cứu sản phẩm, công nghệ… được chuẩn bị rốt ráo, dồn trọng tâm cho mục tiêu bứt phá. Bước ngoặt lớn nữa khi Sáng Ban Mai quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất máy phát điện quy mô tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bến Cát, Bình Dương vào năm 2008.

Năm 2013, Sáng Ban Mai chính thức sản xuất thành công tổ máy phát điện công suất lớn 2.500 KVA đạt tiêu chuẩn châu Âu mà rất ít hãng trên thế giới làm được.

Thương hiệu Sáng Ban Mai liên tục được ghi nhận trong các dự án lớn như Trung tâm Hành chính tập trung của các tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex... 

Dấu ấn mang tên Sáng Ban Mai

Năm 2016, thành công đến với doanh nhân Trần Thành Trọng không hẳn ở những con số biết nói trong báo cáo tài chính như doanh thu, lợi nhuận…, nhưng lại tóm gọn được từ chính các con số này.

Công ty Sáng Ban Mai của ông tiếp tục có một năm giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 2 con số. Vị thế trên thị trường máy phát điện công nghiệp Việt Nam ngày càng được củng cố vững vàng.

Đặc biệt, tổng kết năm 2016, vị thủ lĩnh của Sáng Ban Mai muốn nhắc đến hai dấu ấn.

Dấu ấn đầu tiên phải kể tới là sự kiện Công ty Sáng Ban Mai đã xuất khẩu Hệ thống Tổ máy phát điện thương hiệu SBMPOWER với tổng công suất 8.600 KVA, giá trị hơn 1,2 triệu USD cho Tập đoàn Primalis Corporation (tập đoàn chế biến xuất khẩu gạo hàng đầu Campuchia). Đặc biệt, trong hợp đồng này có 3 tổ máy phát điện có công suất mỗi máy 2.500 KVA, lớn nhất hiện nay.

Tất nhiên, để có được dấu ấn này, mồ hôi công sức và đặc biệt là tầm nhìn chiến lược của người thủ lĩnh Trần Thành Trọng vô cùng lớn.

Bấy lâu nay, tôi dành trái tim và tình yêu cho Đảng, cho đất nước. Tôi sẽ làm tròn trách nhiệm của một đảng viên mẫu mực, tiếp tục lãnh đạo doanh nghiệp phát triển hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển xã hội, để chứng minh doanh nhân - đảng viên nói được và làm được.

- Doanh nhân Trần Thành Trọng.

Ông Trọng kể,  sau nhiều năm nghiên cứu thị trường, ông đã nhìn thấy cơ hội từ những thị trường trong khu vực, nhất là Campuchia, Myanmar, Philippines. Cách đây 4 năm, Sáng Ban Mai đã mở chi nhánh tại Myanmar. Năm 2015, Campuchia là địa bàn thứ hai ngoài biên giới của Sáng Ban Mai, với việc lập công ty thành viên SBMVN (CAMBODIA) Co, Ltd. Và thương vụ với Tập đoàn Primalis Corporation là thương vụ đầu tay của  Công ty SBMVN (CAMBODIA) Co, Ltd.

Tất nhiên, không dễ qua mặt các đối thủ khủng trong cuộc đấu thầu để có được sự gật đầu của Primalis Corporation. “Chúng tôi thắng vì có công nghệ sản phẩm tiên tiến và giá bán hợp lý”, ông Trọng lý giải đơn giản.

Nhưng để thực hiện, chắc chắn không đơn giản và không thể ngày một ngày hai. Cũng cần nói thêm, Sáng Ban Mai là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam chế tạo thành công máy phát điện công suất 2.500 KVA, với giá rẻ hơn 20% so với hàng ngoại nhập cùng loại.

Dấu ấn thứ hai, ông Trọng gọi là niềm vui lớn, đó là tháng 9/2016, Bộ Công thương quyết định phê duyệt và bổ sung sản phẩm Tổ máy phát điện công suất lớn hơn 1.100 KVA đến 2.500 KVA do Sáng Ban Mai sản xuất, lắp ráp vào Danh mục vật tư thiết bị trong nước đã sản xuất được sau gần 3 năm đánh giá và vận hành  ổn định.

“Đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển Sáng Ban Mai”, ông Trọng tâm sự.

Từ dấu mốc quan trọng này, những tổ máy phát điện công nghiệp mà ông Trọng và cộng sự đã dành hết niềm đam mê, tự hào có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn lớn thế giới ngay tại sân nhà cũng như thị trường quốc tế.

Nhưng điều ông Trọng muốn chia sẻ hơn cả, đó là sự chuyên nghiệp để tạo nên cuộc chơi sòng phẳng đó.

Năm qua, vị thủ lĩnh Sáng Ban Mai làm nóng mặt báo chí khá nhiều khi liên tục lên tiếng về những sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu mà công ty của ông đụng “chan chát”. Vì việc này, ông gánh không ít tai tiếng, đến nỗi mỗi khi “vác” hồ sơ đi đấu thầu dự án nào, ông kể, gặp không ít ánh mắt dè chừng.

“Có người chân tình rỉ tai, thôi đừng đấu tranh nữa, lo thu vén làm ăn. Có người nói một điều nhịn, chín điều lành, hay một cánh én chẳng làm nên mùa xuân…, tồn tại trong đấu thầu để xã hội lo. Nhưng tôi thấy cần phải làm đến cùng, vì có chỉn chu, minh bạch, vuông tròn rõ ràng trong cuộc sống và kinh doanh, thì doanh nghiệp Việt mới có thể cạnh tranh sòng phẳng và bình đẳng trên trường quốc tế được. Mà hội nhập rồi, sân nhà cũng chính là sân khách, không thể mãi quẩn cối xay được”, ông tâm sự.

Tất nhiên, tình hình chẳng thể chuyển tốt ngay trong ngày một, ngày hai, doanh thu từ mảng đấu thầu dự án của Sáng Ban Mai cũng chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn, chưa tới 10% trên tổng doanh thu hàng năm, nên nếu không lên tiếng cũng chẳng sao, nhưng ông chọn nói “không” với sự vô cảm.

“Tôi tin đã tới lúc xã hội không thể chung sống với những tiêu cực. Hơn thế tiêu cực sẽ làm xói mòn các giá trị xã hội khác như thất thoát ngân sách, hiệu quả vốn đầu tư thấp, không công bằng, minh bạch… Nguy hiểm hơn là xói mòn lòng tin của người dân”, ông Trọng nói.

Hơn 15 năm trước, ông Trần Thành Trọng đã khởi nghiệp với sự thôi thúc về một tương lai xán lạn, ông đã kiên trì để thực hiện mục tiêu đó, cùng với đội ngũ của mình. Hôm nay, như ông nói, phía trước cũng sẽ là tương lai xán lạn bởi sự tử tế của những doanh nghiệp tử tế. 

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai: Kinh doanh vì những điều tử tế ảnh 2

Ông Trần Thành Trọng vừa đón nhận thêm một sự kiện quan trọng, khi chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Bình Dương.

Ông là 1 trong 3 chủ doanh nghiệp tư nhân tại Bình Dương được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Doanh nhân Trần Thành Trọng nói: “Bấy lâu nay, tôi dành trái tim và tình yêu cho Đảng, cho đất nước. Tôi sẽ làm tròn trách nhiệm của một đảng viên mẫu mực, tiếp tục lãnh đạo doanh nghiệp phát triển hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển xã hội, để chứng minh doanh nhân - đảng viên nói được và làm được”.

Ông Trọng muốn bằng những trải nghiệm thực tiễn trong kinh doanh của mình và của cộng đồng doanh nhân, ông sẽ góp thêm tiếng nói từ thực tiễn sinh động để Đảng xây dựng chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, phát triển khu vực doanh nghiệp.

“Tôi hy vọng sau 2 năm nữa, Công ty cổ phần Sáng Ban Mai sẽ có một chi bộ Đảng trong doanh nghiệp”, ông Trọng đặt mục tiêu.

Tin bài liên quan