Tổng Giám đốc IMF: Lạm phát có thể sẽ được kiềm chế vào năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Tổng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, lãi suất toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2023 khi xu hướng nóng lên của giá cả lên bắt đầu hạ nhiệt trước các động thái từ các ngân hàng trung ương.
Tổng Giám đốc IMF: Lạm phát có thể sẽ được kiềm chế vào năm tới

Giá hàng hóa, chẳng hạn như giá dầu đã chững lại và bắt đầu giảm trong những tháng gần đây, nhưng các ngân hàng trung ương vẫn thắt chặt chính sách để đối phó với rủi ro suy thoái.

“Các ngân hàng trung ương đang tăng cường kiểm soát lạm phát, đó là một ưu tiên. Họ phải tiếp tục cho đến khi rõ ràng rằng kỳ vọng lạm phát vẫn được giữ vững. Hiện tại, chúng tôi vẫn thấy lạm phát đang tăng lên; chúng ta phải dội một ít gáo nước lạnh vào nó”, bà Kristalina Georgieva cho biết.

Sự gián đoạn do đại dịch gây ra đối với chuỗi cung ứng đã tạo ra những nút thắt, trong khi căng thẳng ở Ukraine càng làm trầm trọng thêm những cú sốc này. Kết quả là đã làm tăng giá hàng hóa, bao gồm các mặt hàng chủ lực như thực phẩm, phân bón và năng lượng.

Trong khi lạm phát giá lương thực đã xảy ra trước đại dịch và xung đột địa chính trị, hai sự kiện này chỉ làm tăng thêm vấn đề. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá lương thực toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3 đến tháng 4 năm nay. Chỉ số Giá Hàng hóa Thực phẩm của Ngân hàng Thế giới cho tháng 3 đến tháng 4 đã tăng 15% so với hai tháng trước đó và cao hơn 80% so với hai năm trước.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, số người suy dinh dưỡng toàn cầu sẽ tăng thêm 7,6 triệu người trong năm nay và tăng 19 triệu người vào năm 2023.

Giá dầu đã chững lại và bắt đầu trượt dốc, giảm từ mức cao 120 USD/thùng vào đầu tháng 6 xuống dưới 100 USD/thùng trong tuần này.

Tuy nhiên, lạm phát tiêu dùng ở Mỹ đã ghi nhận mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% vào tháng 6, một điều kiện được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mô tả là "cao không thể chấp nhận được".

Trong khi nhiều dữ liệu được sử dụng để xác định lạm phát có độ trễ, bà Georgieva cho rằng, tất cả các dấu hiệu cho thấy lạm phát vẫn chưa được kiềm chế.

Điều tối quan trọng là phải kiểm soát lạm phát, nếu không thu nhập sẽ bị xói mòn, ảnh hưởng nặng nề nhất đến những vùng nghèo nhất trên thế giới.

Phản ánh những bài học kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ, bà Yellen cho biết, điều quan trọng là các chính phủ phải thiết lập và duy trì một “sơ đồ chiến thuật” về các phản ứng chính sách nhằm “giảm thiểu thời gian và mức độ nghiêm trọng của suy thoái” và “giảm thiểu các hậu quả kinh tế bất lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân".

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, việc kiểm soát nhu cầu là chìa khóa quan trọng trong thời điểm này vì các biện pháp nới lỏng tài chính và tiền tệ được thực hiện vào đầu đại dịch Covid-19 đã khôi phục nhu cầu nhưng không phục hồi nguồn cung.

Indonesia đã nâng trần thâm hụt tài khóa 3% trong ba năm để kích thích nền kinh tế chống lại các điều kiện “bất thường” do đại dịch áp đặt.

“Chúng tôi phải thừa nhận rằng nhu cầu đã được thúc đẩy bởi chính sách ngược vòng tuần hoàn. Hai năm trước, chúng tôi đã cố gắng giải cứu nền kinh tế khỏi sự sụp đổ cả cung và cầu vì đại dịch. Tuy nhiên, kể từ đó sự phục hồi của nhu cầu đã vượt xa nguồn cung”, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết.

Tin bài liên quan