Tổng giám đốc Vietnam Airlines: Giá vé đường bay thẳng tới Mỹ sẽ rất cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
Đây là khẳng định của ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) liên quan đến giá vé dự kiến cho chuyến bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ từ ngày 28/11.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines đã chính thức đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác thường lệ các chuyến bay thẳng thương mại không điểm dừng giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời công bố kế hoạch thực hiện chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ dự kiến khởi hành vào tối 28/11 với hành trình từ TP.HCM đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút.

Nhân sự kiện này, Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Hà về những kỳ vọng của Vietnam Airlines đối với đường bay thẳng tới thị trường khó tính bậc nhất thế giới hiện nay.

Thưa ông, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, bản thân Vietnam Airlines cũng đang phải đối mặt với thiệt hại tài chính nặng nề, trong khi nhu cầu đi lại bị hạn chế và giảm sâu so với thời điểm trước dịch bệnh, kế hoạch mở lại đường bay quốc tế thường lệ vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt. Tại sao Vietnam Airlines lại quyết định mở đường bay thẳng thường lệ tới Mỹ trong bối cảnh này?

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, thị trường hàng không Việt Nam - Mỹ là một trong những thị trường đầy tiềm năng. Năm 2019, thị trường này ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2017-2019, là thị trường có dung lượng đến Việt Nam lớn thứ 10, thị trường lớn nhất chưa có đường bay thẳng đến Việt Nam.

Giao thương giữa Mỹ và Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa 2 nước đạt 90 tỷ USD trong năm 2020 và mục tiêu đạt 100 tỷ USD trong năm 2021. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngược lại Việt Nam đứng trong top 10 đối tác của Mỹ.

Du học sinh Việt Nam tại Mỹ lớn thứ 6. Năm 2020, có gần 24.000 sinh viên ở bậc đại học, đóng góp 827 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ. Việt Kiều tại Mỹ đông nhất trên thế giới với khoảng 2,2 triệu người đang sinh sống tại Mỹ.

Do đó, về mặt thị trường, Vietnam Airlines đánh giá nhu cầu sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách nhập cảnh được nới lỏng, tạo thuận tiện cho hành khách.

Xét về nguồn lực đội tàu bay, do tình hình đại dịch Covid-19, thị trường hàng không quốc tế sụt giảm mạnh và dự báo đến năm 2023 mới có thể phục hồi về mức năm 2019. Từ nay đến năm 2023, nguồn lực tàu thân rộng của Vietnam Airlines nói riêng và của toàn ngành hàng không thế giới nói chung sẽ dư thừa.

Trong bối cảnh khả năng xử lý tàu bay thừa theo phương thức bán và thuê lại gặp nhiều khó khăn, việc mở thêm đường bay Mỹ có hiệu quả so chi phí biến đổi, giúp Vietnam Airlines tăng thêm doanh thu, giảm thiểu thiệt hại tài chính do dư thừa nguồn lực, đồng thời đáp ứng được nhiệm vụ chính trị thiết lập cầu nối giao thương và tạo tiền đề cho sự phát triển khi thị trường phục hồi sau Covid-19.

Dựa trên nhu cầu hồi hương của cộng đồng người Việt tại Mỹ, yêu cầu giao thương phục vụ quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng được củng cố, cũng như các lợi ích về nguồn thu tiềm năng và tối ưu nguồn lực, đây là thời điểm phù hợp để triển khai mở đường bay thẳng tới Mỹ.

Đường bay Việt - Mỹ có rất nhiều tiềm năng, nhưng luôn cạnh tranh quyết liệt và có chi phí cao, ông nhận định thế nào về thách thức đối với Vietnam Airlines tại thị trường này?

Kế hoạch bay Mỹ của Vietnam Airlines có rất nhiều thách thức. Đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ có thời gian bay dài, chiều đi dài hơn 13 tiếng, chiều về dài hơn 16 tiếng. Do đó Vietnam Airlines không thể khai thác hết tải của tàu bay dẫn đến doanh thu chuyến bay giảm.

Ngoài ra, Vietnam Airlines gặp phải cạnh tranh rất lớn trên đường bay này do giá vé rẻ được khai thác bởi các hãng hàng không bay 1 điểm dừng (CI, BR của Đài Loan; KE, OZ của Hàn Quốc; NH, JL của Nhật Bản…).

Vậy đâu là lợi thế của Vietnam Airlines để khai thác, duy trì đường bay thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ?

Bối cảnh quan hệ kinh tế - chính trị - xã hội giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đang ngày càng phát triển là điều kiện quan trọng để Vietnam Airlines đặt vấn đề mở lại đường bay thẳng giữa hai nước để phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch, học tập của người dân.

Trong thời gian qua, Vietnam Airlines đã tích cực chuẩn bị về thương mại, dịch vụ để xâm nhập, mở rộng hoạt động tại thị trường Mỹ, hướng tới phục vụ nhu cầu đa dạng của các đối tượng hành khách: doanh nhân, công vụ, du lịch, hồi hương, du học sinh, cá nhân và tổ chức...

Để đảm bảo cạnh tranh khi tham gia thị trường, Vietnam Airlines buộc phải có các lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Thứ nhất, Vietnam Airlines sẽ là hàng hàng không duy nhất khai thác đường bay thẳng giữa hai nước, qua đó rút ngắn thời gian bay 3-10 tiếng bay so với các đường bay 1 điểm dừng, qua đó tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội, chi phí cơ hội của khách hàng.

Thứ hai, Vietnam Airlines đã nhiều năm được Skytrax công nhận là hãng hàng không đạt tiêu chuẩn dịch vụ 4 sao, và đang xây dựng kế hoạch cụ thể để đạt 5 sao. Về mặt an toàn, phòng chống dịch bệnh, VNA cũng đã được Skytrax đánh giá mức cao nhất 5 sao, là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam và thứ 9 trên thế giới đạt được mức xếp hạng này.

Thứ ba và cũng rất quan trọng, Vietnam Airlines là Hãng hàng không quốc gia của Việt Nam, biểu tượng của Việt Nam, với đội ngũ tiếp viên, nhân viên người Việt cũng là yếu tố quan trọng để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con, doanh nhân người Việt trên thị trường.

Việc sắp tới có tới 2 hãng hàng không Việt Nam cùng khai thác đường bay thường lệ tới Mỹ có tạo ra sự dư thừa cung tải lớn, dẫn tới làm giảm hiệu quả khai thác chung hay không?

Chắc chắn với việc có thêm hãng hàng không khai thác thường lệ tới Mỹ sẽ làm gia tăng mức độ cạnh tranh và có thể ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, Vietnam Airlines tự tin cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn 4 sao nhiều năm được Skytrax công nhận, hướng tới dịch vụ 5 sao, đồng thời khẳng định vai trò chủ đạo của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.

Kế hoạch khai thác các chuyến bay thẳng thường lệ trong giai đoạn đầu của Vietnam Airlines sẽ được thực hiện như thế nào?

Như các bạn đã biết thì từ ngày 28/11/2021, Vietnam Airlines sẽ khai thác thường lệ đường bay thẳng không điểm dừng giữa TP.HCM và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần. Vietnam Airlines sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay quốc tế thường lệ.

Thời gian bay từ TP.HCM đến San Francisco là 13 tiếng 50 phút, và chiều về là 16 tiếng 40 phút.

Hiện nay Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng điểm đến là Los Angeles. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn hợp tác với các hãng hàng không Mỹ (Delta Air Lines, American Airlines, United Airlines) để mở rộng mạng bán đến hầu hết các điểm nội địa quan trọng của Mỹ (New York, Houston, Dallas, Washington, Seattle, Boston, Chicago, Georgia, Portland, Minnesota,...)

Đội tàu bay của Vietnam Airlines hiện tại có thể đảm bảo bay thẳng đầy tải đến Mỹ? Trong tương lai, Vietnam Airlines có tính đến loại tàu bay nào khác cho đường bay Việt Nam - Mỹ?

Kế hoạch đặt mua các tàu bay thân rộng đường dài để phù hợp hơn với đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ đang được Vietnam Airlines thực hiện như thế nào?

Để khai thác tới Mỹ, Vietnam Airlines sẽ linh hoạt sử dụng cả 2 loại tàu bay Boeing 787 và Airbus A350 theo nhu cầu thị trường (mùa cao điểm nhu cầu cao sử dụng tàu A350 để tối ưu tải, mùa thấp điểm có thể chuyển đổi tàu B787 với cấu hình và chi phí thấp hơn).

Trong tương lai, Vietnam Airlines sẽ cân nhắc việc mua 2 dòng máy bay thân rộng là Boeing 777X hoặc Airbus A350-1000 để thực hiện các chuyến bay thẳng tới Mỹ.

Vietnam Airlines dự kiến kết hợp khai thác giữa chở khách và hàng hóa trên một chuyến bay thì hãng sẽ ưu tiên những loại hàng nào để vừa đảm bảo tải trọng, chi phí vừa đảm bảo hiệu quả?

Căn cứ tình hình thị trường và đặc tính sản phẩm bay thẳng đi Mỹ của Vietnam Airlines, để đảm bảo hiệu quả chất xếp cũng như tối ưu hóa doanh thu chuyến bay, Vietnam Airlines sẽ tập trung khai thác vào các nguồn hàng trọng điểm: hàng linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử có giá trị cao, hàng nặng (high density) để tối ưu hóa tải trọng chuyến bay; Hàng may mặc có trọng lượng và kích thước nhỏ gọn, có hiệu quả chất xếp cao về mặt vị trí và có thể chất cabin khi chuyến bay cho phép khai thác cabin (đáp ứng giới hạn trọng lượng/kiện hàng khi chất trên cabin).

Xin ông cho biết, mức giá dự kiến mà Vietnam Airlines cung cấp trên đường bay Mỹ sẽ dao động trong khoảng nào?

Dự kiến giá vé của chặng bay một chiều giữa Việt Nam và Mỹ do Vietnam Airlines khai thác sẽ từ 800 USD bao gồm thuế, phí. Mức giá này, theo tôi là rất cạnh tranh, nhất là khi đây là đường bay thẳng duy nhất trên thị trường.

Tin bài liên quan