Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Tổng thống Trump lại khiến giới đầu tư hốt hoảng

(ĐTCK) Quyết định đánh thuế 5% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên cuối tuần.

Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì một cuộc chiến mới lại được châm ngòi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đánh thuế 5% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico từ ngày 10/6.

Ngoài ra, theo thông báo được đưa ra từ Nhà trắng, mức thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico sẽ tăng lên 10% vào ngày 1/7; 15% vào 1/8; 20% vào ngày 1/9 và 25% vào 1/10 cho tới khi dòng người nhập cư từ nước này ngừng vượt qua biên giới tiến vào nước Mỹ.

Dù chưa có động thái trả đũa chính thức từ Mexico, nhưng với việc hiện có khá nhiều tập đoàn đa quốc gia có hoạt động chính tại Mexico, trong đó có Ford, General Motors, John Deere, IBM và Coca Cola…, quyết định của ông Trump đã khiến giới đầu tư hốt hoảng bán mạnh ra trong phiên cuối tuần, kéo theo nhiều nhóm cổ phiếu lao dốc, nhất là nhóm cổ phiếu ô tô.

Nhiều nhà đầu tư chỉ chú ý đến cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hoặc có thể giữa Mỹ và EU, nhưng không ngờ tới một cuộc chiến thương mại khác diễn ra với Mexico.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số Dow Jones giảm 354,84 điểm (-1,41%), xuống 24.815,04 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 36,80 điểm (-1,32%), xuống 2.752,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 114,57 điểm (-1,51%), xuống 7.453,15 điểm.

Nỗi lo chiến tranh thương mại tiếp tục khiến Dow Jones có tuần giảm thứ 6 liên tiếp khi mất 3,01% trong tuần qua. Chỉ số S&P 500 giảm tuần thứ 4 liên tiếp khi mất 2,62%. Nasdaq giảm 2,41% tuần giảm thứ 4 liên tiếp.

Trong tháng 5, chỉ số Dow Jones giảm 6,69%, chỉ số S&P 500 giảm 6,58% và Nasdaq giảm 7,93%. Đây là tháng giảm đầu tiên của phố Wall trong năm 2019.

Cũng như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm mạnh trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng từ quyết định đánh thuế hàng hóa từ Mexico của Tổng thống Mỹ.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 56,45 điểm (-0,78%), xuống 7.161,71 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 175,24 điểm (-1,47%), xuống 11.726,84 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 41,28 điểm (-0,79%), xuống 5.207,63 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,59%, chỉ số DAX giảm 2,37% và CAC 40 giảm 2,05%, tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Trong tháng 5, chỉ số FTSE 100 giảm 3,46%, chỉ số DAX giảm 5% và CAC 40 giảm 6,78%, chấm dứt chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp từ đầu năm.

Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm mạnh trong phiên cuối tuần do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ô tô sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế 5% với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông đóng cửa ở mức thấp nhất 4 tháng.

Kết thúc phiên 31/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 341,34 điểm (-1,63%), xuống 20.601,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,11 điểm (-0,24%), xuống 2.898,70 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 213,79 điểm (-0,79%), xuống 26.901,99 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,44%, tuần giảm thứ 5 liên tiếp; chỉ số Hang Seng giảm 2,37%, tuần giảm thứ 4 liên tiếp; và Shanghai giảm 1,60%, tuần giảm thứ 6 liên tiếp. Trong tháng 5, chỉ số Nikkei 225 giảm 7,45%, sau khi tăng 4,97% tháng trước; chỉ số Hang Seng giảm 9,42%, chấm dứt chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp; chỉ số Shanghai Composite giảm 5,84%, tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Đây cũng là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018 của cả Hang Seng và Shanghai Composite.

Những rủi ro mới xuất hiện khiến nhà đầu tư bán mạnh trên thị trường chứng khoán để tìm tới các kênh phòng tránh rủi ro an toan khác là trái phiếu chính phủ Mỹ và giá vàng, giúp giá kim loại quý tăng vọt trong phiên cuối tuần, quá đó đánh dấu tuần tăng mạnh. Qua đó, giúp giá vàng có tháng tăng tốt trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 31/5, giá vàng giao ngay tăng 16,6 USD (+1,29%), lên 1.304,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 18,7 USD (+1,45%), lên 1.305,5 USD/ounce.

Chốt tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,58%, giá vàng tương lai tăng 1,65%. Trong tháng 5, giá vàng giao ngay tăng 1,70%, giá vàng tương lai tăng 1,54%.

Với nỗi lo đang bao trùm giới đầu tư, cả nhà phân tích và các nhà đầu tư đều đặt vào cửa giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời, có 11 người dự báo giá vàng tăng, chiếm 73%, cao hơn mức 60% của tuần trước. Có 4 người dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 27% và không có một ai dự báo giá vàng sẽ giảm.

Tương tự, trong 450 người tham gia trả lời khảo sát trực tuyến, có 242 người dự báo giá sẽ tăng, chiếm 54%, thấp hơn chút ít so với con số 55% của tuần trước, 123 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 27%, thấp hơn con số 29% của tuần trước và 83 người dự báo giá đi ngang, chiếm 19%.

Cũng giống như chứng khoán, cuộc chiến thương mại leo thang và lây lan đã nhấn chìm giá dầu thô trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 31/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 3,09 USD (-5,78%), xuống 53,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,38 USD (-3,69%), xuống 64,49 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô WTI giảm 8,75%, giá dầu thô Brent giảm 6,11%. Trong tháng 5, giá dầu thô WTI giảm 16,29%, giá dầu thô Brent giảm 11,41%, chấm dứt chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp trước đó.

Tin bài liên quan