Tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, các dự án của TDG Global triển vọng tới đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo định hướng phát triển giai đoạn 2022-2025 của CTCP Đầu tư TDG Global (mã chứng khoán TDG) là hoàn tất tái cấu trúc mạnh mẽ, mở rộng sang thị trường bất động sản khu công nghiệp và điện năng lượng tái tạo, điện sinh khối với hàng loạt các dự án, tổng vốn đầu tư lên hơn 5.500 tỷ đồng.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Mới đây, ĐHCĐ bất thường năm 2021 của TDG Global đã thông qua kế hoạch tăng vốn phát hành 50,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá 10.000 đồng/cp, sẽ tăng vốn từ 168 tỷ đồng, lên 670 tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động được sẽ giải ngân cho 2 dự án trọng điểm của công ty trong năm 2022. Cụ thể, dự án Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2 có quy mô 25ha, tổng mức đầu tư 256 tỷ đồng, trong đó, TDGGlobal sử dụng vốn tự có 100 tỷ đồng và dự án Nhà máy Điện sinh khối Bắc Sơn có quy mô công suất 20 MW, tổng vốn đầu tư 797 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn là 300 tỷ đồng vốn tự có.

Phần còn lại, TDG Global bổ sung 60 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư tài chính và 43 tỷ đồng vốn lưu động.

Ban Lãnh đạo TDG Global cho biết, Công ty tự tin hai dự án sẽ có hiệu quả tốt, qua đó mang về dòng tiền, cũng như nguồn thu lớn và bền vững cho TDG trong tương lai.

Cơ sở cho kỳ vọng này đến từ vị trí địa lý thuận lợi, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp lớn, giá cho thuê tăng trưởng tốt qua các năm và các chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của địa phương.

Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mở rộng các xưởng/nhà máy sản xuất nhưng không tìm kiếm được mặt bằng thích hợp. Đối với riêng huyện Bắc Sơn và các vùng lân cận, ước tính 20-50 đơn vị sản xuất công nghiệp đang có nhu cầu thuê mặt bằng sản xuất. Trong khi đó, những phần diện tích đất đã được UBND tỉnh quy hoạch để phục vụ cho phát triển công nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn còn quy hoạch trên giấy, chưa có khu, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng bài bản.

Phía lãnh đạo tỉnh, và địa phương cũng đã có các chính sách để thu hút các dự án vào cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Sơn – đây là cơ sở, động lực cho các chuỗi doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp. Khi có được cộng đồng các doanh nghiệp cùng ngành sẽ gia tăng sức mạnh liên kết trong việc thu hút đầu tư và hoạt động các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp vào khu, cụm công nghiệp.

Nhận ra cơ hội và sau thời gian phân tích, khảo sát kỹ lưỡng, Ban lãnh đạo TDG Global quyết định xin giấy phép đầu tư dự án Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, bởi đây là dự án tiềm năng, hội đủ các yếu tố để thu hút khách thuê.

Dự án Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2 có vị trí liền kề với đường Quốc lộ 1B, tuyến giao thông kết nối giữa tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Thái Nguyên - rất thuận lợi cho vận chuyển, giao thương.

Với quy mô dự án 25 ha, dự kiến sẽ sử dụng 6 ha xây dựng nhà máy điện sinh khối Bắc Sơn, 4 ha cho khu cung cấp dịch vụ, cây xăng và bãi đỗ xe; 8a còn lại kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp.

Lãnh đạo TDG cho biết, các nhà đầu tư thứ cấp đã đăng ký hết, đến các lĩnh vực sản xuất như: sản xuất chế biến Lâm sản, xuất khẩu gỗ, các công ty vệ tinh phục vụ tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên. Theo đó, ban lãnh đạo TDG tự tin Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2 sẽ sớm được lấp đầy 100% khi đi vào hoạt động. Dự kiến, lợi nhuận mang về từ dự án là 209,5 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực điện sinh khối – được Nhà nước khuyến khích phát triển cụ thể là tại Quy định số 08/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 5/5/2020 sửa đổi bổ sung một số điều của Quy định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 của Thủ tướng chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các Dự án điện sinh khối tại Việt Nam với nhiều cơ chế ưu đãi hơn như: về giá mua điện; thuế nhập khẩu thiết bị… Đây là điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư tham gia đầu tư, và với TDG Global cũng vậy.

Dự án điện sinh khối Bắc Sơn, công suất 20 MW nằm ngay trong cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, và gần các khu vực có diện tích trồng rừng sản xuất lớn, đáp ứng cho nguồn nguyên liệu của Dự án. Đặc biệt, dự án gần với khu vực phụ tải lớn của tỉnh lạng Sơn (như các khu công nghiệp) và các tỉnh lân lân cận là trung tâm công nghiệp của khu vực phía Bắc như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh nên thuận lợi cho việc giải tỏa công suất dự án cũng như góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực.

Với quyết định của Chính phủ về giá mua điện sinh khối cố định trong thời hạn 20 năm với giá 8,47 cent/1kW, đã giúp ổn định đầu ra của Dự án. Do vậy, TDG Global đánh giá dự án rất tiềm năng và sẽ mang về lợi nhuận như dự kiến.

Bên cạnh 2 dự án trọng điểm này, TDG Global còn có nhiều dự án cụm công nghiệp, bất động sản, như dự án cụm công nghiệp ở Chi Lăng, dự án Khu đô thị ở Lạng Sơn, dự án Điện Gió Tân Hợp, dự án nông nghiệp sạch, dự án chăn nuôi, thuỷ hải sản… ước tính tổng vốn đầu tư các dự án hơn 4.620 tỷ đồng.

Lãnh đạo TDG Global cho biết, định hướng xuyên suốt là phát triển bền vững, với những lĩnh vực, ngành nghề thân thiện và bảo vệ môi trường.

Tin bài liên quan