Top 10 Báo cáo phát triển bền vững: Sẽ tốt hơn nếu....

Top 10 Báo cáo phát triển bền vững: Sẽ tốt hơn nếu....

(ĐTCK) Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững (PTBV) trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm 2016 tiếp tục mang đến niềm hạnh phúc cho Hội đồng bình chọn khi có nhiều doanh nghiệp chú trọng lập báo cáo PTBV. 

Những báo cáo thuộc Top đầu các năm trước vẫn duy trì phong độ, bên cạnh một số gương mặt mới, gây bất ngờ với Hội đồng. Xin giới thiệu đánh giá của nhóm chấm đến từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) về ưu điểm và một số hạn chế trong Top 10 báo cáo PTBV có điểm số cao nhất với mong mỏi các doanh nghiệp sẽ ngày càng  hoàn thiện báo cáo của mình.  5 doanh nghiệp có điểm cao nhất báo cáo PTBV (BVH, DHG, VNM, FPT và IMP) được vinh danh tại Lễ trao giải 2016.

“Trình bày cần thêm sự sáng tạo, đột phá”

Việc liên tiếp nằm trong Top đầu trong 3 năm qua là một minh chứng cho đường lối kiên định và cam kết lâu dài của CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) về PTBV. Trung thành với cấu trúc ngắn gọn, báo cáo PTBV của IMP tuy không dài, nhưng vẫn thể hiện một cách đầy đủ, súc tích các tiêu chí, yêu cầu của tiêu chuẩn GRI G4 và tập trung vào các lĩnh vực PTBV mà Công ty quan tâm nhất như năng lượng tiêu thụ, quản lý thải, môi trường sản xuất an toàn.
Chiến lược PTBV của IMP được thể hiện tương đối cụ thể, bao gồm trung hạn đến năm 2018 và dài hạn đến 2020. Quy trình tham vấn các bên liên quan, phân tích tác động môi trường, quản lý rủi ro và xác định lĩnh vực trọng yếu cũng được trình bày bài bản, chi tiết với nhiều dữ liệu thực tế thể hiện tính đầy đủ cao . Các chỉ tiêu được trình bày chi tiết cho từng nhà máy và có sự so sánh, phân tích với năm trước.
Một điểm đáng ghi nhận là báo cáo không chỉ đề cập đến các thành tích, mà còn thừa nhận những khuyết điểm cần phải khắc phục, như hiệu quả tiết kiệm điện năng tại Nhà máy Bình Dương còn chưa đạt. Một số hạn chế khác trong báo cáo: thiếu các mục tiêu phấn đấu để cụ thể hóa hơn chiến lược PTBV của Công ty; cách trình bày còn thiếu sự sáng tạo, đột phá; mặc dù đã sử dụng một số hình thức minh họa, điểm tóm lược, nhưng nhìn chung vẫn còn khá chân phương, tương đối nặng về số liệu, bảng biểu. 

“Còn một số hạn chế cần cải thiện” 

Báo cáo PTBV của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) được cấu trúc và trình bày khá chuẩn, bao gồm hầu hết các tiêu chí chính của chuẩn mực GRI G4. Báo cáo đạt điểm đầy đủ và tin cậy cao từ những chi tiết bài bản trong phần Tổng quan. Các chỉ tiêu về môi trường và nguồn nhân lực được trình bày chi tiết.
Tuy vậy, báo cáo vẫn còn một số hạn chế cần phải cải thiện. Chẳng hạn, các phần xác định nội dung trọng yếu, mức độ quan trọng và quá trình tham vấn các bên có liên quan, có thể làm tốt hơn. Ngoài ra, STK chưa có hoạt động đánh giá rủi ro cụ thể về PTBV và biện pháp khắc phục. Hoạt động cộng đồng có thể được trình bày chi tiết và hấp dẫn hơn.
Nhìn chung, việc đạt thứ hạng cao, cụ thể là lọt vào Top 10 ngay trong năm đầu tiên niêm yết và lập báo cáo PTBV là một thành tích rất đáng khen đối với STK. 

“Cần miêu tả chi tiết quy trình và hiệu quả của việc thu thập các sáng kiến của nhân viên”

Liên tục nằm trong Top 3 qua các năm, Báo cáo PTBV của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) luôn là một báo cáo mẫu mực cho các công ty khác tham khảo. Thành tích này không chỉ có được từ lợi thế của một trong những doanh nghiệp lớn và đạt lợi nhuận cao nhất thị trường, mà trước hết là từ sự tâm huyết của lãnh đạo doanh nghiệp trong PTBV. Điều này thể hiện rõ ràng trong cam kết rất cụ thể của Ban lãnh đạo về 3 nhóm trách nhiệm chính của doanh nghiệp về sản phẩm, đó là môi trường, năng lượng và xã hội. Chiến lược PTBV này của VNM đã được hòa nhập vào triết lý kinh doanh, chính sách chất lượng và cụ thể hóa trong các cam kết về an toàn, sức khỏe, môi trường và năng lượng của khối sản xuất, tạo nên một hệ thống mục tiêu phấn đấu PTBV cho toàn thể doanh nghiệp.
Với hệ thống quản lý bài bản, giàu kinh nghiệm, dựa trên nền tảng của các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến ISO, Global GAP, FSSC… các chỉ tiêu PTBV của VNM được đưa ra có sự so sánh, phân tích và hướng tới mục tiêu cụ thể trong tương lai. Điều này làm cho lộ trình PTBV của VNM có tính thuyết phục cao.
Báo cáo sẽ hoàn chỉnh hơn nếu VNM có thêm các chỉ tiêu phấn đấu tương tự như tiết kiệm năng lượng ở mọi lĩnh vực môi trường khác, ví dụ như chất thải hoặc nước tiêu thụ phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững mà Công ty cam kết. Ngoài ra, báo cáo cần nêu bật sự tham gia của toàn thể nhân viên trong các biện pháp PTBV, quy trình thu thập các sáng kiến của nhân viên (hộp thư góp ý) và hiệu quả của chúng về PTBV cũng cần được miêu tả chi tiết.
Về hình thức, báo cáo vẫn trung thành với các gam màu sáng dựa trên màu xanh logo của Công ty, đem lại cảm giác khỏe khoắn và tươi tắn. Việc tận dụng tối đa và hợp lý bảng biểu, biểu đồ và hình ảnh minh họa làm cho báo cáo của VNM thêm phong phú, rõ ràng và súc tích, mà không dài dòng. Tóm lại, báo cáo PTBV của VNM năm nay tiếp tục thành công trong việc kể lại một “câu chuyện Vinamilk” hấp dẫn và đáng tin cậy.  

“BVH ghi nhận sự tiến bộ nổi trội, nhưng sẽ tốt hơn nếu các chỉ tiêu trung và dài hạn được cụ thể hóa”

Báo cáo PTBV của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) có nhiều tiến bộ, nổi trội so với các báo cáo khác trong Top 10. Đây là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất sử dụng công ty kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo PTBV. Mặc dù mới chỉ đảm bảo giới hạn ở một số chỉ tiêu chủ chốt, song việc kiểm toán báo cáo PTBV đã thể hiện sự quyết tâm và đầu tư cụ thể của doanh nghiệp trong việc chuẩn hóa và nâng cao mức độ tin cậy của báo cáo. Cam kết về PTBV cũng được nêu rõ ràng và cụ thể trong Thông điệp của Chủ tịch HĐQT Công ty.
Về tổng thể, nội dung báo cáo đã tuân thủ đầy đủ chuẩn mực GRI G4. Cấu trúc tổng quan của báo cáo rõ ràng, mạch lạc. Báo cáo không chỉ có bảng tham chiếu tổng hợp đến GRI G4 ở phần kết, mà ngay từng phần nội dung cũng có tham chiếu trực tiếp đến chỉ tiêu GRI liên quan, thể hiện minh bạch tính tuân thủ theo GRI.
Báo cáo đã trình bày rõ cách thức tham vấn các bên liên quan và các mối quan tâm của từng nhóm, kết hợp với mức độ ảnh hưởng tới Bảo Việt để làm cơ sở xác định các vấn đề PTBV trọng yếu của Công ty. Bên cạnh đó, báo cáo cũng thể hiện được vai trò cụ thể của HĐQT, nhóm chuyên trách đối với PTBV, hệ thống quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ. Tuy nhiên, báo cáo cần nêu rõ hơn mối liên hệ trực tiếp trong cơ chế thù lao, khen thưởng với hiệu quả PTBV, hoặc hoạt động kiểm soát nội bộ trực tiếp đến các chỉ tiêu liên quan đến PTBV.
Đối với một doanh nghiệp dịch vụ tài chính, Bảo Việt đã trình bày rất tốt sự gắn kết chặt chẽ của PTBV trong hoạt động của doanh nghiệp qua việc áp dụng các tiêu chí đầu tư có trách nhiệm trong quy trình đầu tư, góp vốn cổ phần và quản lý dự án, lồng ghép vào chuỗi cung ứng các chỉ tiêu đánh giá và lựa chọn các nhà thầu có cam kết về môi trường, xã hội.
Nhìn chung, trong báo cáo năm nay, các chỉ số đã được Bảo Việt phân tích đầy đủ hơn, có sự so sánh qua các thời kỳ và tính đến tác động của thị trường, phản ánh tốt hơn thành tích và việc thực hiện các mục tiêu. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong việc cụ thể hóa các chỉ tiêu trung hạn và dài hạn.
Về mặt hình thức, cũng như năm trước, báo cáo được in trên giấy có nguồn gốc tự nhiên và được lập thành ứng dụng trên hệ điều hành iOS & Android, giúp việc tiếp cận trở nên dễ dàng hơn. Những điểm nổi bật khác là báo cáo có mẫu mã đẹp, trình bày hiện đại, với các hình ảnh, đồ thị và bảng biểu minh họa hợp lý, cân đối giữa số liệu và diễn giải, ngắn gọn nhưng đầy đủ, súc tích. Mỗi một đầu mục của báo cáo đều có phần tóm lược và các điểm nhấn, tạo điều kiện cho người đọc nắm bắt nhanh ý chính. 

“Sẽ hoàn chỉnh hơn nếu có thêm các mục tiêu cho kỳ tương lai”

Báo cáo PTBV của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) năm nay đã có nhiều tiến bộ để trở lại trong nhóm đầu. Nhìn chung, báo cáo có nội dung đầy đủ, với các tiêu chí theo yêu cầu của chuẩn GRI G4. Hình thức trình bày đẹp, gọn gàng, sáng sủa, có các điểm tóm lược, dễ hiểu.
Về chiến lược, báo cáo nêu bật được định hướng PTBV của Công ty với mục tiêu dài hạn (nguyên liệu thiên nhiên), thể hiện tốt hình ảnh của một doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức, sản phẩm chất lượng cao, có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng.
Báo cáo có đánh giá tính trọng yếu và xác định các bên liên quan. Tuy vậy, việc tương tác với các bên có liên quan mặc dù được miêu tả nhưng chưa thật cụ thể. Sẽ thuyết phục hơn nếu như báo cáo nêu thêm số liệu thống kê các phản hồi của người bán hàng hoặc của đường dây tư vấn… Các chỉ tiêu PTBV khá cụ thể, có so sánh với năm trước và có phân tích, giải thích. Tuy nhiên, báo cáo sẽ hoàn chỉnh hơn nếu có thêm các mục tiêu cho kỳ tương lai, trung và dài hạn. 

 “Báo cáo của PAN có sự cố gắng vượt bậc, nhưng cần gắn kết sâu hơn với chiến lược PTBV chung”

Báo cáo PTBV 2015 của CTCP Tập đoàn PAN (PAN) thể hiện sự hoàn tất chuyển đổi trọng tâm phát triển kinh doanh tập trung vào nông nghiệp và thực phẩm. Doanh nghiệp đã rất thành công trong việc giới thiệu hình ảnh một Tập đoàn PAN mới, quan tâm nghiêm túc đến môi trường bằng chủ đề “xanh” với những minh họa, hình ảnh thiên nhiên đẹp và phù hợp. Mặc dù hoạt động sản xuất - kinh doanh phần lớn được thực hiện gián tiếp qua các công ty con hoặc công ty liên kết, nhưng báo cáo PTBV của PAN đã thể hiện được chiến lược đầu tư xuyên suốt là nhằm tạo ra “sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc uy tín trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh”.
Báo cáo có nội dung tương đối đầy đủ, cấu trúc rõ ràng theo chuẩn GRI G4, bao gồm các chỉ tiêu trung và dài hạn, nhưng còn hạn chế là chưa xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, mà chủ yếu tập trung vào yếu tố người lao động. Báo cáo có đánh giá lĩnh vực trọng yếu, quan tâm của các bên có liên quan, tác động của môi trường và quản trị rủi ro và các thành tích về kinh tế, bảo vệ môi trường và xã hội, tuy vậy, vẫn còn nặng sự miêu tả hoạt động, cần gắn kết sâu hơn với chiến lược PTBV chung và đánh giá mức độ phấn đấu, hoàn thành kế hoạch.
Nhìn chung, báo cáo của PAN năm nay đã thể hiện sự cố gắng vượt bậc và cam kết nghiêm túc của doanh nghiệp đối với PTBV, đặc biệt là trong tình hình Công ty vừa có nhiều thay đổi. Nỗ lực này rất đáng được ghi nhận.

“Chiến lược PTBV SSI có thể nâng cao hơn nếu mở rộng tầm ảnh hưởng ra cả chuỗi giá trị”

Báo cáo PTBV của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có chất lượng khá ổn định qua các năm, trình bày tương đối đầy đủ các tiêu chí PTBV có liên quan đến một doanh nghiệp ngành dịch vụ. Chiến lược PTBV của SSI khá thực tế gắn với tầm nhìn “Chúng ta cùng thành công” và quan tâm đến PTBV của thị trường, qua đó đem lại hiệu quả cao nhất cho cổ đông, người lao động, cộng đồng và môi trường.
Chiến lược PTBV này được thể hiện nhất quán từ cam kết của lãnh đạo cấp cao, đến quá trình tham vấn và lựa chọn các bên liên quan, quản trị doanh nghiệp và các chính sách phát triển đội ngũ, chăm lo khách hàng và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Nhìn chung, SSI xứng đáng là một tổ chức tài chính hàng đầu của Việt Nam với tầm nhìn dài hạn. Tuy vậy, chiến lược PTBV của SSI có thể được nâng cao hơn nếu doanh nghiệp mở rộng hơn tầm ảnh hưởng của PTBV ra toàn bộ chuỗi giá trị. Mặc dù, SSI hiện nay có đề cập đến việc huy động vốn hỗ trợ cho nghiên cứu công nghệ, quan tâm đến an toàn, chất lượng thực phẩm, nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu như các quan tâm này được nâng cao thành chủ trương đầu tư có trách nhiệm. Ngoài ra, báo cáo sẽ đạt thứ hạng cao hơn nữa nếu có cấu trúc ngắn gọn hơn, bao gồm các điểm nhấn và tóm tắt, tránh các miêu tả dài dòng, thêm vào các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể và phân tích thực tế, kế hoạch thực hiện. 
“Mục tiêu và định hướng PTBV cần đi vào chiều sâu”
Đây là năm đầu tiên CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) lập báo cáo PTBV riêng biệt. Mặc dù còn một số hạn chế, nhưng nhìn chung, báo cáo đã thể hiện cam kết và nỗ lực vượt bậc trong định hướng PTBV của ban lãnh đạo một doanh nghiệp ở tỉnh xa, còn nhiều khó khăn.
Báo cáo được trình bày bằng cả 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh theo chuẩn GRI G4. Các thông tin tổng quan về phạm vi, liên hệ, xác định nội dung báo cáo được trình bày rõ ràng. Về tham vấn các bên liên quan, báo cáo miêu tả tương đối cụ thể, bao gồm cơ chế tiếp nhận ý kiến, nhưng chưa thể hiện đánh giá mức độ trọng yếu, phản hồi và sử dụng ý kiến.
Hệ thống quản trị rủi ro được miêu tả cụ thể cùng các hành động, bao gồm cả rủi ro về môi trường trong xả thải. Báo cáo tuy có mô tả chuỗi cung ứng, nhưng còn phân tích rất ít về các yếu tố ảnh hưởng đến PTBV. Báo cáo có các chứng nhận chuyên ngành về chất lượng và trách nhiệm xã hội.
Mục tiêu và định hướng PTBV tuy tương đối rõ ràng, nhưng chủ yếu chỉ là tuân thủ pháp luật, chưa đi vào chiều sâu của toàn bộ chuỗi giá trị như về phương diện nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho nhân viên, chỉ tiêu phấn đấu giảm tai nạn nghề nghiệp, hoặc sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, sử dụng nguồn vật liệu bền vững không gây hại đến môi trường…
Ngoài ra, báo cáo tuy có các mục tiêu về môi trường và năng lượng, nhưng còn chưa rõ ràng và thuyết phục, chẳng hạn, chưa đưa ra chỉ tiêu về giảm năng lượng trên đơn vị sản phẩm... Báo cáo cũng chưa có một cách tiếp cận tổng thể và hệ thống đối với việc tiết giảm năng lượng và nước tiêu thụ.
Về trình bày, nhìn chung, báo cáo chưa được súc tích, có hệ thống, mà còn nặng về miêu tả. Một số bảng biểu chưa hoàn chỉnh, không đồng nhất giữa phần tiếng Anh và tiếng Việt. 

Cần thể hiện sự đột phá , tầm nhìn bao quát trong chiến lược PTBV”

Điểm nổi bật trong báo cáo của FPT là việc trình bày ngắn gọn, súc tích, tận dụng tối đa các bảng biểu để diễn đạt thông tin một cách có hệ thống, số liệu có sự so sánh với năm trước, phản ánh được tỷ lệ tăng trưởng, nhìn chung đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chuẩn mực GRI G4.
Nội dung báo cáo cho thấy có sự cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất, tham vấn từ các bên có liên quan và một hệ thống quản trị PTBV tương đối bài bản. Tuy vậy, FPT nên cho thấy có sự đột phá trong chiến lược PTBV, nhằm bao quát toàn bộ chuỗi giá trị và sản phẩm. Trọng tâm hiện tại về PTBV của FPT chủ yếu xoay quanh các phương diện liên quan đến cán bộ, nhân viên hoặc thiện nguyện. Điều này làm cho báo cáo PTBV của FPT chưa được phong phú.
Nhìn chung, vượt qua những hạn chế về nội dung của loại hình kinh doanh dịch vụ, báo cáo PTBV của FPT năm nay vẫn giữ vững được bản chất công nghệ cao trong trình bày, đi thẳng vào vấn đề, cấu trúc chặt chẽ làm người đọc không nhàm chán. 
 

“cần tiếp tục sáng tạo để tạo án tượng và duy trì phong độ báo cáo hàng đầu”

Năm nay, báo cáo PTBV của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) mặc dù vẫn nằm trong Top 10, nhưng dường như giảm đi các ưu điểm để cạnh tranh với các báo cáo hàng đầu như năm trước. Lựa chọn hình thức báo cáo tích hợp, báo cáo của PVD được thực hiện một cách chăm chút, có đầu tư nhiều về hình thức, tuy nhiên tính sáng tạo còn hạn chế, chưa tạo được ấn tượng mạnh.
Về nội dung, báo cáo đề cập đầy đủ các phương diện xác định lĩnh vực trọng yếu, phân tích rủi ro và các bên liên quan. Báo cáo gồm các phần chỉ tiêu quan trọng trong PTBV của doanh nghiệp về nguồn nhân lực, an toàn, sức khỏe, môi trường và hoạt động cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, do báo cáo không được lập theo một chuẩn mực cụ thể nào, nên nội dung còn chưa đầy đủ, chẳng hạn, không có phần giới thiệu tổng quan và các chi tiết cơ bản như phạm vi báo cáo, người chịu trách nhiệm, liên hệ… Điều này ảnh hưởng đến điểm đầy đủ của báo cáo. 
Tin bài liên quan