Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Một số Penny nổi sóng, cổ phiếu VNZ bắt đầu thoái lui

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Một số Penny nổi sóng, cổ phiếu VNZ bắt đầu thoái lui

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần giao dịch sóng gió của thị trường, khi bốc đầu tăng mạnh trong phiên thứ Hai, nhưng đã liên tiếp giảm trong những phiên còn lại, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên mong manh. Dòng tiền phần lớn mất phương hướng và chỉ một bộ phận tìm đến các cổ phiếu vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao để lướt sóng T+.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 19,75 điểm (-1,86%), xuống 1.039,56 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 27,2% so với tuần trước lên 54.889 tỷ đồng, khối lượng tăng 29,2% lên 3.245 triệu cổ phiếu.

HNX-Index giảm 2,66 điểm (-1,15%), xuống 207,32 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 39,9% so với tuần trước lên 6.784 tỷ đồng, khối lượng tăng 37% lên 430 triệu cổ phiếu.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm tiêu cực nhất khi nhiều cổ phiếu lớn, nhỏ đều giảm, mặc dù vậy, đa số không giảm quá sâu, với VHM (-5,3%), NVL (-2,1%), PDR (-3,7%), DXG (-7,2%), NLG (-8,9%), KDH (-6,5%)...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí khi chịu áp lực chốt lời nhẹ sau 2 tuần tăng liên tiếp, với BSR (-1,2%), PVD (-5,7%), PVS (-1,5%), PVT (-4,7%)...

Trụ cột thị trường là ngân hàng cũng điều chỉnh (-1,5%), công nghiệp và công nghệ thông tin cùng mức giảm 1,1%, dược phẩm và y tế (-0,9%), tiện ích cộng đồng (-0,6%).

Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất đều là các cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ cao như AMD, HQC, IJC, SCR, phản ánh giao dịch chủ yếu là đánh T+, ưa lướt sóng của nhà đầu tư trong tuần này.

Còn lại những cổ phiếu khác tăng mạnh nhưng thanh khoản thấp, không đáng kể như HOT, TNC, MCP, CLW, SCR.

Ở chiều ngược lại, áp lực cung giá thấp cũng được tiết giảm, giúp các cổ phiếu giảm sâu nhất đa số chưa mất đến 10%. Các cổ phiếu SVI, VTB và BBC giảm sâu hơn, nhưng thanh khoản trong các phiên gần như chỉ ở mức thấp.

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất tuần này không có điểm nhấn đáng kể nào, khi đều là những mã có thanh khoản thấp trong các phiên.

Ngoại trừ AMV, với giao dịch rất sôi động với khối lượng giao dịch tăng vọt, có phiên khớp tới hơn 6,3 triệu đơn vị và thấp nhất cũng có hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG đã trở lại “mặt đất”, sau chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp từ 01/2 đến 15/2 đã giảm 5 trong 7 phiên gần nhất, trong đó, có phiên 20/2 giảm sàn, phiên 21/2 đánh rơi thêm 12,7%.

Tổng cộng, cổ phiếu này đã từ mức đỉnh hơn 1,358 triệu đồng về 890 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch vài nghìn đơn vị/phiên.

Tin bài liên quan