Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu.

TP.HCM chuẩn bị 4 kịch bản trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay ngành y tế đang lo ngại sự chủ quan từ phía người dân đối với dịch bệnh khi TP.HCM đang ở cấp độ 2, dẫn đến nguy cơ lây lan và số ca mắc sẽ gia tăng, đặc biệt số ca nặng sẽ tăng cao.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM chiều 25/10, Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế đã có 4 kịch bản ứng phó với hệ thống điều trị cho từng từng cấp độ dịch trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca mắc mới theo tuần trên 100.000 dân của TP là 73,5, tương ứng với mức độ 3 cấp độ dịch. Tuy nhiên, TP có tỷ lệ tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi rất cao (trên 99%) và tỷ lệ người trên 65 tuổi được tiêm cũng cao, với 91,8%, nên theo các tiêu chí của Nghị quyết 128 của Chính phủ, tình trạng dịch TP được xếp vào cấp độ 2.

Tuy nhiên, ngành y tế lo ngại sự chủ quan từ phía người dân đối với dịch bệnh khi TP đang ở cấp độ 2, độ phủ vaccine cao và tỉ lệ tử vong ngày càng giảm, dẫn đến không tuân thủ 5K và các quy định của ngành y tế, nguy cơ lây lan và số ca mắc sẽ gia tăng, đặc biệt số ca nặng sẽ tăng cao.

Hiện ngành y tế đã xây dựng 4 kịch bản tương ứng với cấp độ dịch. Cụ thể, với tình huống khả quan nhất, TP đạt được sống chung với COVID-19, tương ứng với mức độ 1, các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ điều trị ở nhà, do trạm y tế chăm sóc quản lý. F0 cần nhập viện điều trị sẽ được chuyển về Bệnh viện dã chiến thu dung 3 tầng số 16 do Bệnh viện Nhân dân Gia Định phụ trách. Ngoài ra, các khoa COVID của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng TP và Bệnh viện Từ Dũ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.

Ở tình huống số ca mắc mới tương ứng mức độ 2, các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, do trạm y tế chăm sóc quản lý. Các trường hợp cần nhập viện điều trị sẽ được đưa vào 2 bệnh viện dã chiến số 13 và số 16. Ngoài ra còn có các bệnh viện dã chiến cấp quận huyện, các khoa COVID-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, hai Bệnh viện chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Từ Dũ và Hùng Vương.

Ở tình huống 3, khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng số ca mắc ở mức độ 3, cũng là tình hình hiện tại của TP.HCM, các F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ được các trạm y tế lưu động quản lý. Mỗi trạm phụ trách từ 50-100 F0. Do đó, TP cần 155 trạm y tế lưu động.

Với F0 cần nhập viện sẽ chuyển đến 3 Bệnh viện dã chiến số 13, số 14, số 16. TP huy động 3 trung tâm hồi sức của Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và thêm 3 Bệnh viện chuyên khoa Nhi, 2 Bệnh viện chuyên khoa sản.

Tình huống xấu nhất, khi COVID-19 bùng phát lại, TP ở mức độ 4 của cấp độ dịch. Trong trường hợp này, đối với các F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng, ngoài trạm y tế lưu động, còn có các tổ COVID cộng đồng hỗ trợ, chăm sóc. Với F0 cần nhập viện điều trị, ngành y tế TP sẽ huy động toàn bộ các bệnh viện, Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện dã chiến của các quận huyện (quy mô từ 300-500 giường). Các F0 nặng nguy kịch sẽ được chăm sóc tại 3 Bệnh viện dã chiến của TP.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói: "Ước tính trong tình huống này có khoảng 16.000-19.000 giường điều trị COVID-19, 6.500 giường oxy, 2.000 giường hồi sức ICU. Cấp độ 4 này tương đương với mức độ cách đây hơn 1 tháng, khi TP phải vận hành tối đa để điều trị bệnh nhân."

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, mỗi tuần, tất cả các quận huyện sẽ đánh giá mức độ dịch ở cấp phường, xã, từ đó tổng hợp số liệu và công bố trên Cổng thông tin điện tử của TP.HCM.

Tính đến 18h ngày 24/10, TP.HCM có tổng cộng 425.674 trường hợp dương tính được Bộ Y tế công bố. Hiện, TP đang điều trị cho 10.996 bệnh nhân. Trong ngày 24/10, có 689 bệnh nhân nhập viện, 539 xuất viện, 40 ca tử vong. Tổng số trường hợp tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 16.514 ca. TP.HCM đã tiêm được 7.146.125 mũi 1 vaccine COVID-19 và 5.603.627 mũi 2.

Tin bài liên quan