TPG và Masan: Thâm tình thêm chặt

TPG và Masan: Thâm tình thêm chặt

(ĐTCK) Theo tin mới nhất, TPG và Masan vừa đặt bút ký vào một bản thỏa thuận đầu tư, theo đó, TPG bỏ ra 50 triệu USD để đổi lấy 49% sở hữu của Masan Agriculture (tức Công ty TNHH Hoa Mười Giờ, công ty con của Masan Consumer), pháp nhân nắm giữ 40% cổ phần của Proconco (Cám Con cò). Với thương vụ này, TPG và Masan chính thức cùng nhau chinh phục ngành nông nghiệp, vốn rất phân tán nhưng đầy tiềm năng ở Việt Nam.

Hồi tháng 3 năm nay, TPG lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Các nhà đầu tư của mình ở bên ngoài nước Mỹ và địa điểm được lựa chọn là Việt Nam . Với hội thảo này, TPG khẳng định niềm tin của họ đối với tiềm năng của thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, cũng như thể hiện quyết tâm tăng cường các khoản đầu tư ở đây. Chỉ 3 tháng sau thời điểm đó, TPG đã hiện thực hóa quyết tâm của mình bằng thương vụ đầu tư vào Masan Agriculture.

 

Sức hấp dẫn của ngành nông nghiệp

Đây không phải là lần đầu tiên TPG bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp. Hồi tháng 3 vừa qua, TPG đã mua Công ty Gia cầm Inghams ( Australia ), với tổng số tiền bỏ ra lên tới 901 triệu USD. Inghams là tập đoàn chăn nuôi và chế biến gia cầm số 1 tại Australia, với hơn 1/3 thị phần nước này và doanh số lên tới 2,2 tỷ USD trong năm 2012.

Với thương vụ đầu tư vào Masan Agriculture, TPG đang thể hiện quyết tâm lấn sân vào ngành nông nghiệp thế giới và điều này không phải ngẫu nhiên. Theo Farha Aslam, một chuyên gia trong ngân hàng đầu tư Stephens Inc, các thương vụ M&A trong ngành nông nghiệp “là xu thế phát triển mạnh trong vòng 5 năm qua và đang trở nên mạnh hơn” . Chỉ tính riêng trong năm 2012, công ty Glencore của Thụy Sĩ mua lại Vitera – công ty chế biến ngũ cốc lớn nhất của Canada vào tháng 3 với giá 6 tỷ USD. Tới tháng 6, công ty chuyên về buôn bán sản phẩm nông nghiệp Marubeni Trading của Nhật đã mua Gavilon Group – một công ty cùng ngành của Mỹ với giá 5,6 tỷ USD . 

Sở dĩ nông nghiệp đang trở thành một lĩnh vực “nóng” như vậy là vì giá lương thực thế giới kể từ năm 2000 trở lại đây gần như liên tục tăng. Theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), chỉ số giá lương thực đã tăng từ mức 90,4 năm 2000 lên mức 215,2 vào tháng 5/2013, với mức tăng 2,4 lần. Điều này có nghĩa, trung bình mỗi năm, giá lương thực leo thang khoảng 7%. Giá lương thực chỉ chịu một cú shock duy nhất trong suốt thời gian này vào cuối năm 2008, đầu năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, với mức giảm khoảng 21% so với năm liền trước. Tuy nhiên, ngay sau đó, chỉ số này đã bật tăng trở lại và thậm chí vượt qua mốc trước khủng hoảng vào năm 2011.

Trong bức tranh chung đó, Việt Nam xuất hiện với tư cách là một quốc gia cung cấp sản lượng lớn nông sản chủ lực như gạo, cà phê và hải sản. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Việt Nam lên tới xấp xỉ 30,6 tỷ USD vào năm 2012 và tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt tới 8% mỗi năm trong vòng 5 năm trở lại đây, theo Bain&Co, dù Việt Nam đang phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, theo TS. Lê Đăng Doanh, nông nghiệp Việt Nam vẫn là một trụ cột vững chắc của nền kinh tế, có đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu và nỗ lực bình ổn kinh tế chung. Chỉ tính riêng năm 2012, nông nghiệp đã xuất siêu đến 10 tỷ USD và đóng góp tới hơn một nửa trong tổng tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế.

Tiềm năng của ngành này vẫn còn rất lớn. Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nông nghiệp vẫn là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhất trong các năm tới. TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn, vì năng suất của ngành này ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Ngoài tiềm năng của ngành, một đặc điểm nổi bật của nông nghiệp Việt Nam là chưa có những doanh nghiệp lớn biết khai thác lợi thế để tăng giá trị gia tăng của ngành. Tiêu dùng về nhiều sản phẩm nông nghiệp nội địa bình quân đầu người cũng đang ở mức rất thấp, ví dụ, lượng tiêu thụ cà phê chỉ có 1,1 kg/năm/người, gần như thấp nhất thế giới. Thị trường nông nghiệp ở Việt Nam rất phân tán và sẵn sàng cho các doanh nghiệp đủ tầm cỡ thực hiện việc chinh phục thị trường để trở thành những người khổng lồ. Bài toán này y hệt như bài toán ở Thái Lan , Nigeria và Ấn Độ trong những thập kỷ trước. Đây là mảnh đất màu mỡ để sinh ra các doanh nghiệp lớn trong làng nông nghiệp thế giới như Olam ( Nigeria ), Rei Agro (Ấn Độ), và CP (Thái Lan).

 TPG và Masan: Thâm tình thêm chặt ảnh 1

Vì sao TPG chọn Masan ?

Tiềm năng lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam dành cho các nhà đầu tư lớn có năng lực mạnh về vốn, công nghệ và năng lực quản trị là không phải bàn cãi. Nhưng vì sao TPG lại chọn lựa Masan làm đối tác để triển khai kế hoạch chinh phục của họ?

Có nhiều lý do để TPG chọn lựa Masan . Trước hết, TPG đã rất thành công với khoản đầu tư trước đây ở công ty này. TPG đầu tư vào Masan hồi cuối năm 2009, với mức đầu tư ban đầu khoảng 35 triệu USD. Giá trị thị trường của khoản đầu tư này hiện nay khoảng 135 triệu USD, tức tăng xấp xỉ 4 lần so với giá trị đầu tư ban đầu.

Theo một số nguồn tin thân cận với TPG, mấu chốt khiến TPG chọn Masan nằm ở chỗ Masan đã chứng minh được năng lực triển khai vượt trội của mình ở Việt Nam . Hơn một lần Masan vận dụng thành công công thức tri thức bản địa, kỹ thuật thế giới và nguồn vốn mạnh để biến tiềm năng thành hiện thực.

Đầu tiên là việc xây dựng Masan Consumer thành một công ty hàng tiêu dùng hàng đầu của Việt Nam chỉ trong khoảng thời gian 5 năm. Với quỹ thời gian đó, Masan đã biến công ty này từ chỗ là công ty tầm trung, với giá trị thị trường chỉ có 300 triệu USD thành một đế chế 2,3 tỷ USD. Doanh thu của Masan Consumer từ mức khoảng 2.000 tỷ đồng năm 2008 đã tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng năm 2012 (gấp 5 lần), trong khi lợi nhuận tăng từ mức 400 tỷ đồng năm 2008 lên 2.850 tỷ đồng năm 2012 (gấp hơn 7 lần).

Masan cũng chứng tỏ bản lĩnh của mình trong lĩnh vực M&A. Ngược hoàn toàn với nhiều vụ thâu tóm “thù nghịch”, với cuộc chiến giữa cổ đông công ty bán và bên mua diễn ra căng thẳng và dai dẳng, các thương vụ mua lại của Masan đều diễn ra một cách êm thấm. Không chỉ thế, các công ty có bàn tay của Masan chạm vào đều nhận được cú hích cần thiết để bứt phá. Điển hình nhất là thương vụ mua Vinacafe Biên Hòa. Masan đã giúp Vinacafe Biên Hòa đưa nhà máy mới vào hoạt động, tăng doanh thu và lợi nhuận lên 33% và 41% sau một năm, đưa các sản phẩm Vinacafe vào chuỗi phân phối toàn quốc của Masan và nâng số điểm phân phối từ 32 nghìn điểm lên hơn 180 nghìn điểm.

Có lẽ trường hợp kinh điển nhất về triển khai công thức tri thức bản địa, kỹ thuật thế giới và nguồn vốn mạnh để hiện thực hóa cơ hội là trường hợp mỏ đa kim Núi Pháo. Cách đây chỉ chưa đầy 3 năm, dự án Núi Pháo còn là một mỏ được báo chí cho rằng có “nguy cơ tan xác pháo”, vì các chủ đầu tư trước không đủ năng lực để triển khai và đứng trước nguy cơ bị thu giấy phép. Thế nhưng, dưới bàn tay của Masan , Núi Pháo đã chính thức đi vào khai thác từ quý II năm nay. Không chỉ thế, Núi Pháo còn được ca ngợi là một dự án kiểu mẫu, bài bản, từ việc giải tỏa tái định cư tới việc triển khai dự án đều đáp ứng được các chuẩn mực cao nhất của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

Trong trường hợp này, Masan đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng tri thức địa phương để giải quyết các bài toán như đền bù giải tỏa, công nghệ hàng đầu thế giới để triển khai xây dựng và vận hành mỏ và nguồn tài chính mạnh của chính mình và từ các đối tác như Mount Kellet để có đủ lực biến Núi Pháo từ một dự án trong tình trạng “giữa đường đứt gánh” thành một dự án thành công kiểu mẫu.

 

Cặp bài trùng TPG - Masan

Sự kết hợp giữa TPG và Masan có thể nói là một sự kết hợp hoàn hảo. Masan có năng lực triển khai đã được chứng minh, có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sự am hiểu thị trường nội địa một cách tinh tường. Trong khi đó, TPG là một đối tác tài chính hàng đầu thế giới. TPG cũng có kinh nghiệm và là “tay chơi” đẳng cấp toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp sau thương vụ mua lại Inghams của Australia .

Nếu cuộc phiêu lưu này thành công, sức lan tỏa của nó sẽ có giá trị hết sức tích cực đối với ngành nông nghiệp của đất nước. Nông dân và người tiêu dùng sẽ được lợi. Vị thế của ngành sẽ được nâng lên. Với việc các doanh nghiệp khác học hỏi và vận dụng từ kinh nghiệm của họ, có lẽ Việt Nam sẽ thoát ra khỏi tình trạng xuất khẩu nông sản “khối lượng thì nhiều mà giá trị thì ít” như hiện nay.

Thế nhưng, bài toán kinh doanh nông nghiệp ở Việt Nam không phải dễ tìm lời giải, bởi lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn là một lĩnh vực rất phân tán. Chưa có bất cứ doanh nghiệp nào thành công trong việc triển khai và hiện đại hóa để giải được bài toán giá trị gia tăng, biến tiềm năng vốn được đánh giá là lớn trở thành hiện thực. Vì thế, cặp bài trùng TPG-Masan chắc chắn sẽ phải vượt qua nhiều thách thức trước khi giấc mơ của họ trở thành hiện thực.