TP.HCM: “Căn bệnh lạ” hơn hai thập kỷ

TP.HCM: “Căn bệnh lạ” hơn hai thập kỷ

0:00 / 0:00
0:00
Có rất nhiều câu cảm thán mà tôi đọc được trên mạng xã hội sau khi TP.HCM công bố mức tăng trưởng kinh tế 0,7% trong quý I/2023, như “Không thể tin nổi!”, “Quá bất thường!”, “Rất đáng lo!”, “Thập kỷ mất mát!”, “Cơn bạo bệnh!”...

Nếu theo dõi kỹ các nhận định vĩ mô của chuyên gia và tổ chức đầu tư tại Việt Nam trước đó, có thể thấy hầu hết giới kinh tế của TP.HCM đều ít nhiều cảm nhận kinh tế quý I năm nay gặp khó khăn hơn, song mức tăng trưởng 0,7% của TP.HCM vẫn đặc biệt thấp với đa số người. Nói cách khác, tăng trưởng GDP của TP.HCM trong quý I/2023 không đạt mục tiêu là chuyện ít nhiều đã được đoán trước, nhưng mức sụt giảm quá lớn là khá bất ngờ, như lời Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên, “không ngờ giảm sâu vậy”.

Chính vì vậy, tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM diễn ra ngày 4/4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu UBND Thành phố phải tìm mọi giải pháp chặn đà giảm sút, tìm đúng “toa thuốc” để kích thích sự tăng trưởng trở lại của đầu tàu kinh tế.

Song trước khi kê toa, thì phải tìm hiểu đâu là “căn bệnh” của TP.HCM.

Từ hai thập kỷ qua, TP.HCM đã tồn tại “căn bệnh lạ”. Đó là một thành phố đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách của cả nước, nhưng lại tồn tại ba cái thiếu: thiếu cơ chế phát triển phù hợp, thiếu hạ tầng và thiếu tiền.

Với cái thiếu thứ nhất: Tại Hội thảo khoa học Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030 diễn ra cách đây 2 năm, TS. Trần Du Lịch từng nhận định, từ nửa đầu thập niên 2000, người ta đã nhận ra rằng, “Thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh”. Như vậy, cơ chế phát triển lạc hậu của TP.HCM so với quy mô và trình độ lực lượng lao động của được chỉ ra từ 20 năm trước.

Với cái thiếu thứ hai: Hầu hết bạn bè nước ngoài mà tôi gặp ở TP.HCM và Hà Nội mỗi lần về Việt Nam đều chung nhận xét rằng, TP.HCM đang tụt hậu về hạ tầng. Riêng nhà báo Michael Tatarski, trong một bài viết trên VnExpress, đã có lần gọi TP.HCM là “siêu đô thị đình trệ”, bởi đường sá, metro, sân bay, đều trong tình trạng hoặc quá tải, hoặc chậm triển khai.

Với cái thiếu thứ ba: Thiếu tiền - nghe vô lý, nhưng là sự thật. Lấy ví dụ số liệu quý I năm nay, TP.HCM chỉ chi đầu tư 487 tỷ đồng, đạt 1,1% dự toán, bằng 24,5% so với cùng kỳ năm 2022. Quả thực, với một thành phố có quy mô kinh tế 1,5 triệu tỷ đồng, mà một quý chi đầu tư công 487 tỷ đồng và 3 tháng chỉ mới đạt 1,1% dự toán đầu tư cả năm, thì đó là con số quá thấp.

Có đầu tư mới có tăng trưởng là nguyên tắc cơ bản của mọi nền kinh tế. Con số 1,1% dự toán đó cho thấy sự đình trệ của siêu đô thị này khủng khiếp như thế nào và nhiều người hẳn sẽ không quá ngạc nhiên trước mức tăng trưởng kinh tế 0,7% của TP.HCM trong quý I/2023.

“Gieo gì, được nấy”. Đầu tư bao nhiêu thì gặt hái bấy nhiêu. Với hiện trạng cơ chế, hạ tầng và đầu tư như vậy, mà TP.HCM vẫn còn tăng trưởng được như trên thì đó là điều quá may mắn.

Căn bệnh “ba thiếu” này của TP.HCM tồn tại từ nhiều năm nay như một khối ung thư tiến triển âm thầm. Nay thêm “chất xúc tác” là đơn hàng xuất khẩu khó khăn; nguồn vốn bất động sản bị siết chặt, tất yếu nó sẽ biến thành triệu chứng tăng trưởng trì trệ.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến như hiện nay, không chỉ TP.HCM, mà nhiều siêu đô thị lớn chắc chắn cũng gặp khó khăn riêng. Hay dở lúc này nằm ở chỗ, siêu đô thị nào dám nhìn nhận thẳng vấn đề và phẫu thuật gỡ bỏ được những mầm mống ung thư đúng lúc, thì sẽ bớt khó khăn. Điều này còn quyết định thập kỷ tới sẽ là thập kỷ mất mát, thập kỷ thần kỳ, hay một thập kỷ nuôi bệnh khác nữa với chính siêu đô thị đó.

TP.HCM không thể tự chữa lành căn bệnh nói trên, mà cần có sự hỗ trợ tận tình từ cấp cao hơn.

Tin bài liên quan