TP.HCM: Cần tháo gỡ tâm lý nhận hỗ trợ một chiều để phát triển nhanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Các cơ quan TP.HCM vẫn có xu hướng mong nhận hỗ trợ, tài trợ một chiều, vì vậy cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực “có đi có lại” với dự án quốc tế.
Cần tháo gỡ tâm lý nhận hỗ trợ một chiều để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

Cần tháo gỡ tâm lý nhận hỗ trợ một chiều để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Đề án thúc đẩy quan hệ giữa TP.HCM với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của TP.HCM giai đoạn 2020-2025.

Các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư tại TP.HCM đã mang lại hiệu quả. Năm 2021 TP.HCM đã thu hút được 7,23 tỷ USD, tăng 38,48% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ (năm 2020 đạt 5,22 tỷ USD). Năm 2022, tổng thu hút đầu tư nước ngoài tại TP.HCM ước đạt 5,4 tỷ USD. Tính đến hết tháng 4/2023, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn TP.HCM là 11.688 dự án với tổng số vốn đăng ký là hơn 56,68 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, hiện các địa phương trọng điểm của Đề án hầu hết thuộc các nước phát triển. Các đối tác này thường đề cao yếu tố thực chất “đôi bên cùng có lợi” khi triển khai các dự án hợp tác. Doanh nghiệp tại các địa bàn này hoạt động độc lập và ít chịu tác động theo hướng mệnh lệnh từ Chính quyền.

Trong khi đó, nguồn lực đối ứng từ phía TP.HCM cho các dự án hợp tác quốc tế còn hạn chế, chủ yếu theo định mức Nhà nước về đối ngoại (thường rất thấp). Các cơ quan phía TP.HCM vẫn có xu hướng mong nhận được hỗ trợ, tài trợ một chiều, trọn gói cho các dự án.

Vì vậy, TP.HCM cần xác định tư duy và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực với tinh thần “có đi có lại” trong triển khai quan hệ, đặc biệt trong các dự án hợp tác quốc tế. Điều này không chỉ giúp TP.HCM nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo vị thế trong làm việc mà còn góp phần quan trọng đưa các dự án hợp tác quốc tế trên địa bàn đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực.

Ngoài ra, hiện các mức chi phục vụ cho hoạt động đối ngoại liên quan đến chi chiêu đãi đối ngoại, chi tặng phẩm, đón đoàn vào, tổ chức sự kiện đối ngoại... theo Thông tư 71/2018/TT-BTC và Thông tư 102/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính đều chưa phù hợp với mặt bằng giá cả tại TP.HCM và chưa tương xứng với tầm vóc, vị thế của một Thành phố với nhu cầu nâng tầm quốc tế Thành phố lớn như TP.HCM.

Kế hoạch tổ chức các lớp kiến thức đối ngoại và việc triển khai công tác đối ngoại tại TP.HCM vẫn còn một số hạn chế do tính chủ động và năng lực cán bộ đối ngoại của các sở, ngành, quận huyện chưa đồng đều, một số cơ quan đơn vị còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm.

Do đó, các sở ban ngành cần nhận thức đúng mức về vai trò của cán bộ hợp tác quốc tế, từ đó, khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ tham gia các khóa đào tạo, nâng cao kiến thức đối ngoại, bên cạnh việc củng cố chuyên môn. Đồng thời, ngoài bồi dưỡng kiến thức đối ngoại, cán bộ TP.HCM cần được củng cố hơn về nội dung và các thông tin gắn liền với thực tiễn.

Tin bài liên quan