TP.HCM: Doanh nghiệp “kêu khó” khi đầu tư sản phẩm du lịch đường thủy

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM có lợi thế với 101 tuyến đường thủy và tổng chiều dài 913km, thế nhưng hầu hết doanh nghiệp du lịch rất khó khăn khi khai thác tour, tuyến hoặc hình thành sản phẩm mới.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu tại hội nghị.

Ngừng bán tour vì quy hoạch

Đó là nhận định của hầu hết doanh nghiệp và đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT), Sở Du lịch TP.HCM tại Hội nghị “Phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy trên địa bàn TP.HCM” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 14/12.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, dự án khai thông tuyến rạch Chiếc để nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai đang triển khai còn chậm; các cống ngăn triều đang dừng thi công trên tuyến kênh Tẻ, kênh Đôi, rạch Bến Nghé, sông Cần Giuộc, sông Phú Xuân... chậm tiến độ và chưa đưa vào khai thác. Việc chậm tiến độ xây dựng ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông vận tải đường thủy và các tuyến du lịch trên địa bàn.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Công ty TNHH MTV Du lịch Sông Xanh đặt câu hỏi, các tuyến đường sông đi từ quận 4, 5, 6 qua quận 8 đang rất tiềm năng nhưng nếu dự án cống ngăn triều của TP.HCM đi vào hoạt động thì sẽ chặn hết các đường để đi vào quận 7 và quận 8. Khi đó, các tuyến đường sông ở khu vực này liệu có còn hoạt động được hay không?

“Ở tuyến Tân Thuận và kênh Tẻ giai đoạn năm 2015-2019 chúng tôi bán sản phẩm rất tốt cho các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài với hoạt động nhìn ngắm sự phát triển của TP.HCM. Nhưng khi cống chống ngập được xây dựng, tuyến đó bắt buộc phải dừng lại, nguyên nhân là do từ khu vực đường thủy đi từ Thị Nghè đến Võ Văn Kiệt đã có quy định không cho tàu chạy. Đây là thực trạng mà chúng tôi cho là rất lãng phí”, đại diện này chia sẻ bất cập.

Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành công ty TNHH Les Rives lại đang gặp vướng mắc khác. Doanh nghiệp này đã đầu tư 1 tỷ đồng vào tuyến đường thủy Sài Gòn – Củ Chi ở giai đoạn trước dịch Covid-19. Trên tuyến đường đưa du khách đi tham quan, Les Rives phải kết hợp người dân địa phương để khách nghỉ ngơi và đi vệ sinh. Tuy nhiên, dù người dân chỉ làm cầu tạm ven sông, nhưng cơ quan chức năng xử phạt vì không đúng với quy hoạch của quận, huyện và TP.HCM. Vì vậy, điểm dừng chân này bắt buộc phải dừng lại.

“Ngại” với du khách vì ô nhiễm

Vấn đề cấp thiết hiện nay là sản phẩm đường thủy ở TP.HCM và các địa phương lân cận gặp thực trạng rác thải và lục bình quá nhiều, gây hạn chế việc lưu thông.

Bà Mỹ Hạnh cho biết, tour du lịch từ TP.HCM đến Long An phải đi qua kênh Tẻ, kênh Đôi nhưng môi trường nước ngày càng ô nhiễm. Và hầu hết các tuyến đường thủy trên sông Sài Gòn hiện nay đều gặp vấn đề này.

“Nhiều lần đưa khách du lịch từ khu vực trung tâm đến TP Thủ Đức (quận 2 cũ), chúng tôi còn gặp bàn ghế, giường nệm trôi trên sông, du khách nước ngoài cũng rất ngạc nhiên, chụp ảnh, còn chúng tôi thì rất ái ngại chứ không thể giải thích gì hơn”.

Ở các tuyến nội đô như Bến Nghé, kênh Tàu Hủ chảy qua các quận nội thành có những đoạn sông kênh rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tổ chức chương trình du lịch trên sông. Ngoài ra, tình trạng các hộ dân sinh sống trên nhà sàn ven kênh Đôi, kênh Tẻ đang ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Là doanh nghiệp phát triển các tuyến du lịch nội đô, ông Phan Xuân Anh, Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn chia sẻ: “Hiện nay, kênh Nhiêu lộc - Thị Nghè lại tái diễn tình trạng xả rác thải rất nhiều. Đặc biệt trong thời gian gần đây, tình trạng nước cạn khô bốc mùi hôi thối khi thuyền đi qua dẫn đến ấn tượng không tốt cho du khách. Vì vậy, dù mở cống nhưng cần giữ lượng nước nhất định nhằm hạn chế mùi hôi để chúng tôi có thể tiếp tục phát triển tour, tuyến”.

Muốn gỡ khó để tiếp tục đầu tư

TP.HCM có hơn 900 km đường thuỷ, tương đương 50% mạng lưới đường bộ. Hệ thống sông, rạch cũng kết nối nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, cả giao thông và du lịch đường thuỷ trên địa bàn được đánh giá phát triển chưa tương xứng.

Doanh nghiệp du lịch đường thủy cần nhiều chính sách hỗ trợ để mạnh dạn đầu tư.
Doanh nghiệp du lịch đường thủy cần nhiều chính sách hỗ trợ để mạnh dạn đầu tư.

Tính đến tháng 11/2022, TP.HCM đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế và 27,9 triệu khách nội địa nhưng chỉ có 342.800 lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy. Một con số quá khiêm tốn nên nhiều doanh nghiệp du lịch trong ngành đề xuất cơ quan chức năng ưu tiên giải quyết vướng mắc để mạnh dạn đầu tư.

Trong đó, tuyến qua Khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng đang vướng cầu có độ tĩnh không thông thuyền thấp từ 1,0m đến 1,5m như cầu Rạch Đỉa cũ, rạch Thầy Tiêu. Tuy nhiên, trong quy hoạch đề án phát triển kết cấu giao thông đường thủy đã có đề cập tới việc nâng cao tĩnh không cầu để đáp ứng vận tải hành khách, hàng hóa và phát triển du lịch.

PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức chia sẻ: “Chúng tôi là đơn vị quy hoạch và đang tiến hành số hóa các cơ sở hạ cho lĩnh vực cảng, hàng hải. Việc hướng đến phát triển vận tải hành khách và quy hoạch bến, chúng tôi cũng có thể tham gia bằng cách xây dựng mô hình số 3 chiều dọc bờ sông, từ đó hoạch định các không gian xung quanh nhằm phục vụ cho du khách”.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng có chính sách phát triển các bến đậu tàu thuyền theo quy mô tại TP.HCM. Trong đó, tàu thuyền lớn sẽ đậu vào những bến lớn, tàu và cano nhỏ sẽ có bến nhỏ phục vụ riêng.

“Chúng tôi cũng rất sẵn sàng hợp tác nhưng mỗi địa phương cần có chính sách quy hoạch xây dựng cầu, bến cảng vì doanh nghiệp không đủ khả năng đầu tư. Từ đó, kinh tế địa phương cũng sẽ được cải thiện khi đón khách du lịch đến”, bà Mỹ Hạnh chia sẻ.

Từ những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, chuyên gia, ông Bùi Hòa An đã đề xuất UBND TP.HCM yêu cầu quận, huyện chung tay góp sức nhằm giúp du lịch và vận tải hành khách đường thủy sẽ từng bước tiệm cận với các nước trong khu vực. Chỉ có như vậy, TP.HCM sẽ giải tỏa được lưu lượng khách đường bộ đang rất hẹp và có những dịch vụ mới để tạo thành sản phẩm khác biệt.

Tin bài liên quan