Ứng dụng mới kỳ vọng sẽ giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra tính hợp pháp của dự án. Ảnh: Lê Toàn

Ứng dụng mới kỳ vọng sẽ giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra tính hợp pháp của dự án. Ảnh: Lê Toàn

TP.HCM: Hết cửa cho những chủ đầu tư chụp giật?

(ĐTCK) Việc TP.HCM xây dựng app (ứng dụng) để công khai tiến độ thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố được nhiều chuyên gia đánh giá cao, sẽ giúp làm tăng tính minh bạch của thị trường.

Tranh chấp, khiếu kiện do mập mờ thông tin

Nhu cầu mua bất động sản để ở hoặc đầu tư trên địa bàn TP.HCM luôn cao. Với nhu cầu đó, các chủ đầu tư không ngừng cung ứng ra thị trường hàng loạt dự án bất động sản, thậm chí trong đó có cả những dự án chưa hoàn thiện pháp lý.

Nhiều khách hàng mua nhà do thiếu thông tin hoặc một số lý do khác   mua nhà tại các dự án chưa hoàn thiện pháp lý đã gặp rủi ro khi nhà không có, mà tiền đòi không được. Từ đó dẫn đến hàng chục vụ tranh chấp của khách hàng với chủ đầu tư, giữa khách hàng với khách hàng…

Những tranh chấp xảy ra ở các dự án mập mờ pháp lý này thường liên quan đến tiến độ xây dựng dự án không đúng theo cam kết hợp đồng của chủ đầu tư với khách hàng; “dự án ma” (thường là những bãi đất hoang được vẽ thành các dự án căn hộ hình thành trong tương lai rồi nhận tiền đặt cọc của khách hàng khi dự án chưa được triển khai); bán 1 căn hộ cho nhiều người; thông tin quảng cáo về dự án không đúng như thực tế; dự án thế chấp ngân hàng…

Chẳng hạn, cuối năm 2018, hàng chục khách hàng mua nhà tại Dự án La Bonita (đường D2, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã căng băng rôn tố cáo Công ty Nam Thị (chủ đầu tư dự án) vì công ty này đã cùng lúc bán 1 căn hộ cho nhiều khách hàng.

TP.HCM: Hết cửa cho những chủ đầu tư chụp giật? ảnh 1

Minh bạch thông tin về các dự án sẽ hạn chế được nhiều rủi ro 

Cụ thể, một khách hàng tên C cho biết, từ năm 2014, bà ký hợp đồng mua 2 căn hộ tại Dự án La Bonita. Hợp đồng được ký giữa bà C với ông Hoàng Thái Anh, người đại diện pháp luật của Công ty Nam Thị và bà Vũ Bảo Trinh là người làm chứng. Thế nhưng, phía Nam Thị phủ nhận hợp đồng đã ký với bà C, đồng thời đem 2 căn hộ này bán cho những khách hàng khác.

Hay một khách hàng khác đã bỏ ra số tiền hơn 20 tỷ đồng để mua căn hộ và cả tầng thương mại tại Dự án La Bonita cũng điêu đứng vì phát hiện chủ đầu tư đã bán phần diện tích này cho nhiều người khác.

Nhóm khách hàng cho biết, ít nhất 16 căn hộ và sàn thương mại tại tòa nhà này đã bị bán cùng lúc cho nhiều người. Đáng nói, chủ đầu tư đã dùng cách nâng thêm tầng, đổi tên, đổi số tầng các căn hộ để chúng có tên khác nhau và bán cho nhiều người.

Một vụ việc khác mới đây xảy ra tại Chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú, TP.HCM) cũng khiến cho hàng chục người phải dở khóc dở cười vì nguy cơ phải “ra đường” ở do chủ đầu tư xây dựng trái phép.

Cụ thể, trong quá trình thi công, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia (chủ đầu tư dự án) đã tăng diện tích tầng hầm, tự ý chia nhỏ diện tích căn hộ. Chủ đầu tư này cũng xây dựng lấn chiếm khu vực công cộng như phòng sinh hoạt cộng đồng, khu vực giữ xe dịch vụ, nhà giữ trẻ, lấp các ô thông tầng và cầu thang bộ từ tầng trệt lên tầng lửng, chia nhỏ các phòng dịch vụ hồ bơi tại tầng 2 thành 71 căn (gồm 65 căn hộ, 4 ki ốt, 1 phòng làm việc của Ban quản lý chung cư và 1 phòng phục vụ hồ bơi) sai thiết kế được duyệt và chuyển nhượng căn hộ trái pháp luật.

Điều đáng nói, 71 hộ dân mua căn hộ sai phép tại dự án này khi mua nhà đều không hề hay biết chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng của tầng lửng và tầng 2 để chia nhỏ từng căn hộ để bán. Đến khi có kết luận của Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM thì những cư dân này mới ngỡ ngàng.

Bên cạnh những tranh chấp diễn ra ở chung cư, nhiều “dự án ma”, mập mờ pháp lý cũng liên tục được đưa ra thị trường để bán cho khách hàng. Mới đây, UBND quận 12, TP.HCM phải ra thông báo để cảnh báo người dân về 10 dự án phân lô bán nền trái phép trên địa bàn quận. Trong thông báo phát đi, UBND quận 12 cho biết, hiện nay tình hình vi phạm trong hoạt động xây dựng, tình trạng san lấp, đầu tư hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đích ghi trên giấy chứng nhận diễn ra trên địa bàn. Các hoạt động trên diễn ra vào các ngày nghỉ lễ và ban đêm, nên đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý kịp thời.

Hết cửa với dự án mập mờ

Theo một báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện TP.HCM có khoảng 1.000 chung cư, trong đó hơn 100 chung cư có phát sinh tranh chấp. Có 34 chung cư có tranh chấp đến mức Sở Xây dựng phải thụ lý giải quyết, trong đó có hơn 10 chung cư có tranh chấp gay gắt.

Theo HoREA, tranh chấp chung cư có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt hơn do tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, đòi hỏi phát triển nhiều chung cư cao tầng và một bộ phận lớn cư dân lựa chọn sống trong chung cư. Do vậy, cần hết sức quan tâm xử lý không để tranh chấp chung cư trở thành điểm nóng năm 2019.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin để công khai tiến độ thực hiện (chi tiết từng bước) các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố, sớm trình UBND Thành phố xem xét, ban hành nhằm tăng cường tính công khai minh bạch của thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tìm hiểu thông tin khi thực hiện các giao dịch bất động sản.

Các thông tin này sẽ công khai trên app (ứng dụng), giới thiệu mức độ của dự án, triển khai xây dựng như thế nào để nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân kiểm tra. Việc này là để người dân, doanh nghiệp biết chủ đầu tư là ai, các thủ tục họ làm như thế nào nhằm tránh tình trạng nhiều dự án chỉ mới ở khâu làm thủ tục, nhưng đã nhận tiền đặt cọc của người dân như thời gian vừa qua.

Những động thái trên của lãnh đạo Thành phố được nhiều chuyên gia đánh giá cao, bởi nó được kỳ vọng sẽ khép lại “cửa tồn tại” của các dự án bất động sản thiếu minh bạch thông tin, các chủ đầu tư kinh doanh không uy tín, trục lợi từ khách hàng.

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, có những dự án mới giao cho doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu chứ chưa có quyết định gì liên quan đến đầu tư dự án, nhưng doanh nghiệp lại đem dự án đi huy động vốn của đối tác, khách hàng… Chính vì không minh bạch, nên hiện vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp bất động sản bán dự án “ma”, gây thất hại cho khách hàng, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện gây mất an ninh trật tự.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, giúp cho thị trường minh bạch là sự cần thiết và nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước, vì theo luật, cơ quan quản lý nhà nước phải công bố thông tin về quy hoạch, chỉ số giá.

“Việc cung cấp thông tin trước tiên phải đúng, phải đầy đủ và liên tục cập nhật theo thời gian thực. Khi đi vào sử dụng app này, ngoài những thuận lợi cho người dân nắm bắt thông tin về các dự án bất động sản, thông tin về quy hoạch, động thái này chắc chắn cũng sẽ được cộng đồng doanh nghiệp bất động sản hoan nghênh, bởi môi trường cạnh tranh sẽ lành mạnh, minh bạch hơn”, ông Châu nói và cho biết thêm, khi đi vào hoạt động, app này cũng sẽ khép lại cánh cửa tồn tại của các công ty bất động sản làm ăn chụp giật, không lành mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, TP.HCM đang tiến tới thành phố thông minh, thì việc công khai thông tin về pháp lý các dự án bất động sản phải được tiến hành một cách nhanh chóng. Thay vì đi gõ cửa khắp nơi, bây giờ người dân có thể nắm được thông tin về các dự án qua chiếc điện thoại, minh bạch thông tin sẽ hạn chế được nhiều rủi ro xảy ra.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan