Giá thuê giảm, tỷ lệ trống tăng, lượng khách giảm nghiêm trọng là những khó khăn các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang phải đối mặt. Ảnh: Thành Nguyễn.

Giá thuê giảm, tỷ lệ trống tăng, lượng khách giảm nghiêm trọng là những khó khăn các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang phải đối mặt. Ảnh: Thành Nguyễn.

TP.HCM: Khó khăn bủa vây ngành bán lẻ

(ĐTCK) Báo cáo thị trường mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp ngành bán lẻ đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Theo Savills, trong khi cả quý I/2020 thị trường không ghi nhận yêu cầu diện tích thuê mới, công suất trung bình giảm nhẹ 1 điểm phần trăm theo quý. Lý do là bởi một số hợp đồng thuê ngắn hạn đã hết thời hạn và một số hợp đồng bị hủy tại các dự án ngoài khu vực trung tâm.

“Trong ngắn hạn, diện tích trống dự kiến sẽ tăng. Giá chào thuê trung bình giảm 2% theo quý do các dự án ngoài trung tâm chào giá thuê giảm để thu hút các khách thuê mới. Một số trung tâm bán lẻ tại khu vực này đã cung cấp giá thuê giảm đến 30% so với quý IV/2019. Nhiều dự án tại khu vực trung tâm đã lấp đầy miễn cưỡng điều chỉnh giá thuê trong ngắn hạn, tuy nhiên áp lực giảm giá dự đoán tăng trong thời gian tới”, báo cáo của Savills cho biết.

Từ trước khi đóng cửa, công suất thuê ở khu vực ngoài trung tâm ghi nhận giảm, đặc biệt là đối với các khối đế thương mại với diện tích dành cho ngành ăn uống và giải trí chiếm tỷ lệ cao. Các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế đang cố gắng trì hoãn hợp đồng hoặc xem xét lại các điều khoản thuê.

Với thị trường bán lẻ, nhà phố cho thuê đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Doanh thu tại một số nhà hàng đã giảm 50% trong tháng 2 và đến 80% theo tháng trong tháng 3.

Theo Savills, hầu hết khách thuê nhà phố là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên bị ảnh hưởng từ sự sụt giảm doanh thu đột ngột nhiều hơn các nhà bán lẻ có quy mô lớn. Các thương hiệu nổi tiếng có diện tích thuê cả ở các trung tâm mua sắm và ở các nhà phố thường quyết định đóng các cửa hàng tại nhà phố trước.

Kể từ đầu tháng 2, nhiều khách thuê nhà phố đã quyết định không gia hạn hợp đồng thuê. Một số khách thuê muốn giữ lại các vị trí đắc địa quyết định đóng cửa tạm thời hoặc yêu cầu giảm tiền thuê trong suốt thời gian ngừng hoạt động.

Để ứng phó với các khó khăn trước mắt, với cả hai phía chủ cho thuê và khách thuê, Savills khuyến nghị: Gia hạn thời gian thuê trong thời gian 3 tháng; Hoàn trả tiền thuê trong vòng 9 - 18 tháng tiếp theo hoặc trong thời gian còn lại của hợp đồng thuê; Thanh toán tiền thuê hàng tháng trong thời kỳ khủng hoảng; Phí dịch vụ duy trì mức tối thiểu và được thanh toán hàng tháng; Đẩy nhanh những thay đổi về mô hình cho thuê truyền thống trong tương lai; Chủ cho thuê có thể yêu cầu khách thuê cung cấp dự báo doanh thu bán hàng trong tương lai để đồng ý nhượng bộ; Sử dụng tình hình hiện tại để xác định các cơ hội.

Tin bài liên quan