TP.HCM quyết thu hồi Dự án Công viên Sài Gòn Silicon

0:00 / 0:00
0:00
TP.HCM đẩy nhanh tiến độ thu hồi Dự án Công viên Sài Gòn Silicon tại Khu công nghệ cao ngay trong năm nay vì 52 ha đất “vàng” bị bỏ hoang suốt 7 năm trời, trong khi Thành phố không có đất cho nhà đầu tư thuê làm dự án.
Dự án Công viên Sài Gòn Silicon tại Khu công nghệ cao TP.HCM đang xây dựng dở dang 2 tòa nhà rồi bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Lê Huy

Dự án Công viên Sài Gòn Silicon tại Khu công nghệ cao TP.HCM đang xây dựng dở dang 2 tòa nhà rồi bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Lê Huy

“Đại kế hoạch” và chuyện thực tế: 7 năm chưa xây xong tòa nhà

Với định hướng thu hút doanh nghiệp công nghệ cao đến đầu tư, TP.HCM đã cấp phép cho Công ty cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon thực hiện Dự án Công viên Sài Gòn Silicon tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

Mục tiêu của dự án là xây dựng Công viên Sài Gòn Silicon trở thành một đô thị thông minh đẳng cấp quốc tế theo mô hình thung lũng Silicon của Hoa Kỳ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao về đầu tư nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Việt Nam. Bên cạnh đó hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào Sài Gòn Silicon với chi phí đầu tư thấp nhất nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường công nghệ cao thế giới.

Khi trình dự án lên UBND TP.HCM, Công ty cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon (Công ty Silicon) đã làm một bản kế hoạch rất chi tiết về việc thu hút các doanh nghiệp từ thung lũng Silicon Hoa Kỳ về Việt Nam. Trong đó tiến độ thực hiện chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I (từ tháng 5/2015 đến 5/2016), dự kiến thu hút 10 doanh nghiệp Việt kiều. Giai đoạn II (từ tháng 6/2016 đến 6/2017) dự kiến thu hút 7 doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp Hoa Kỳ bản địa. Giai đoạn III (từ 7/2017 đến 7/2018) dự kiến thu hút 7 doanh nghiệp Hoa Kỳ bản địa.

Tháng 8/2016, Dự án Công viên Sài Gòn Silicon chính thức được khởi công với số vốn đầu tư là 858 tỷ đồng (40 triệu USD - tỷ giá USD thời điểm năm 2015 - PV), trong đó vốn điều lệ là 400 tỷ đồng, vốn vay là 458 tỷ đồng.

TP.HCM kỳ vọng sau khi hoàn thành dự án sẽ thu hút khoảng 24 nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khi lấp đầy khoảng 1,5 tỷ USD.

Sau 7 năm khởi công, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, những ngày đầu tháng 2/2023, trên khu đất 52 ha, có tòa nhà 6 tầng đang xây dựng dở dang, một tòa nhà bên cạnh mới xong phần móng. Dự án hiện không có bóng người thi công và bị bỏ hoang nhiều năm.

Theo báo cáo của Ban Quản lý SHTP, kể từ khi được bàn giao đất vào ngày 6/1/2016, Công ty Silicon triển khai quá chậm, không đáp ứng tiến độ như đã cam kết ban đầu, Ban Quản lý SHTP luôn hỗ trợ, thúc đẩy và yêu cầu rà soát xử lý những vấn đề tồn tại để đảm bảo cho 6 nhà đầu tư đã được cấp phép theo các hợp đồng thỏa thuận giữa Công ty Silicon với nhà đầu tư. Thế nhưng, kể từ năm 2019 đến nay, dự án gần như dừng lại, không đầu tư xây dựng, tại công trường không có công nhân làm việc. Các đơn vị thi công đã dừng hoạt động xây dựng tại công trường.

Sau đó, UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thanh tra tình hình triển khai dự án. Ngày 14/9/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố Kết luận thanh tra số 118/SKHĐT-TTS với hàng loạt vi phạm như không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chưa thực hiện xây dựng phát triển hạ tầng nhà xưởng xây dựng sẵn mà cho Công ty cổ phần Western Pacific thuê đất là thực hiện không đúng mục tiêu và quy mô dự án; chưa góp đủ vốn đầu tư thực hiện dự án theo đúng tiến độ; không thu hút được các doanh nghiệp từ Silicon Valley Hoa Kỳ về đầu tư; chưa xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin theo tiến độ.

Với hàng loạt hành vi vi phạm, Công ty Silicon đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngày 15/9/2020, Công ty Silicon đã thực hiện đóng tiền phạt và niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở Công ty theo quy định.

Nhà đầu tư đổ lỗi cho điều kiện khách quan

Trước tình hình chậm triển khai dự án thực hiện theo Thông báo số 105-TB/BCSĐ ngày 12/4/2021 về kết luận của Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM, Ban Quản lý SHTP đã ban hành quyết định dừng hoạt động toàn bộ Dự án đầu tư Sài Gòn Silicon để yêu cầu Công ty tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tài chính trong việc nộp đủ các phí bảo trì hạ tầng và tiện ích công cộng và phí an ninh trật tự.

Kết luận của cơ quan quản lý nhà nước là vậy, nhưng ngày 26/4/2021, Công ty Silicon đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Sau khi nghiên cứu, rà soát đánh giá năng lực tiếp tục triển khai dự án, Ban Quản lý SHTP nhận thấy nhà đầu tư vẫn chưa đưa ra được tài liệu khẳng định Công ty đã khắc phục đầy đủ các vấn đề đã được chỉ ra như Kết luận thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM

Đơn cử, Công ty không chứng minh được rằng họ đã góp đủ vốn đầu tư thực hiện Dự án theo đúng tiến độ. Công ty không đề xuất được kế hoạch cụ thể thu hút các doanh nghiệp từ Khu Silicon Valley (Hoa Kỳ) về đầu tư, cả về số lượng doanh nghiệp, loại hình và quy mô doanh nghiệp như cam kết ban đầu.

Công ty Silicon chỉ đề xuất điều chỉnh tiến độ và không trình bày được giải pháp tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, khu phức hợp làm việc, tự động hóa giai đoạn I và II.

Đáp lại những vấn đề được Ban Quản lý SHTP chỉ ra, tháng 11/2021, Công ty Silicon đã có tờ trình giải thích rằng, “dự án chậm trễ do 3 nguyên nhân chính”.

Thứ nhất, do ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Silicon là một Việt kiều quốc tịch Hoa Kỳ bị cấm xuất cảnh gần 3 năm để điều tra, sau đó kết quả cuối cùng là vô tội. Thứ hai, có 2 năm diễn ra 4 đợt dịch Covid-19 làm suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng rất lớn đến Công ty. Thứ ba, nhà đầu tư “tố” không nhận được sự ủng hộ của SHTP từ thời bà Lê Bích Loan làm quyền Trưởng ban SHTP.

Khi nhận được tờ trình từ Công ty Silicon, SHTP cho rằng, nhà đầu tư chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Cụ thể với lý do thứ nhất SHTP cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho tổ chức kinh tế là Công ty Silicon chứ không phải cấp cho cá nhân ông Nguyễn Minh Hiếu nên công ty không thể viện dẫn lý do việc cấm xuất cảnh ông Hiếu làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án.

Về lý do thứ hai, SHTP cho rằng, kết luận thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm sáng tỏ việc Công ty Silicon không đảm bảo năng lực tài chính cũng như năng lực tổ chức, quản lý dự án có tầm cỡ và quy mô đến 52 ha. Vì thế, Công ty Silicon không thể mượn sự tác động của dịch Covid-19 để che đậy sự thật yếu kém về mọi mặt của mình trong quá trình triển khai Dự án.

Lý do thứ ba, SHTP cho rằng, nhà đầu tư hiểu không đúng và nói không đúng bản chất của sự việc. SHTP lý giải rằng, dự án này có sứ mệnh và tầm quan trọng rất lớn không chỉ đối với TP.HCM mà đối với cả quốc gia. SHTP rất mong muốn hỗ trợ Dự án để sớm đi vào hoạt động, nhưng cũng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Hiểu được sự lo lắng và mong muốn nhà đầu tư, UBND TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo liên tục với hàng chục công văn liên quan đến Dự án.

SHTP thẳng thắn chỉ ra đây là dự án chậm triển khai (bàn giao đất từ năm 2016) đến nay đã 7 năm, với diện tích 52 ha đang bỏ trống rất hoang phí, trong khi Thành phố không có đất để thu hút các dự án của các tập đoàn công nghệ cao đang có nhu cầu đầu tư thực sự.

Thu hồi ngay trong năm nay

Trước tình hình Dự án bị bỏ hoang, lãng phí “đất vàng” đã 7 năm, sau khi rà soát và làm việc với nhà đầu tư, Ban Quản lý SHTP kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi giấy phép đầu tư của dự án.

Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2023 của Khu Công nghệ cao TPHCM diễn ra hôm 14/2, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với SHTP, đẩy nhanh thủ tục chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với Dự án Công viên Sài Gòn Silicon ngay trong năm 2023.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào Khu công nghệ cao theo đặc thù của Thành phố, tránh trường hợp doanh nghiệp đăng ký vào rồi lấy đất để làm việc khác.

Tin bài liên quan