TP.HCM thắt chặt quản lý lao động nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Vẫn còn thiếu sự liên thông, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý trong hoạt động quản lý lao động nước ngoài.
Đối với người lao động nước ngoài vào Việt Nam với mục đích ban đầu không phải lao động, sau đó quyết định ở lại Việt Nam làm việc thì không thể biết rõ cụ thể các trường hợp để yêu cầu đơn vị sử dụng lao động làm thủ tục cấp giấy phép lao động.

Đối với người lao động nước ngoài vào Việt Nam với mục đích ban đầu không phải lao động, sau đó quyết định ở lại Việt Nam làm việc thì không thể biết rõ cụ thể các trường hợp để yêu cầu đơn vị sử dụng lao động làm thủ tục cấp giấy phép lao động.

Thông tin này được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đưa ra trong văn bản báo cáo UBND TP.HCM về quy chế phối hợp quản lý nhà nước về người lao động nước ngoài trên địa bàn Thành phố năm 2023.

Theo đó, trong năm 2023, số người lao động nước ngoài đã được các cơ quan cấp giấy phép lao động là 18.761 người, trong đó có gần 12.000 trường hợp cấp giấy phép lao động, gần 1.500 trường hợp cấp lại giấy phép lao động, 4.650 trường hợp gia hạn và 664 lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Hiện tại, tổng số lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động còn hiệu lực là gần 27.500 người, làm việc tại gần 9.500 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Trong đó, chia theo loại lao động làm việc gồm: nhà quản lý là hơn 5.000 người, 190 giám đốc điều hành, gần 18.500 chuyên gia và hơn 3.700 lao động kỹ thuật.

Trong năm 2023, Sở LĐ,TB&XH TP.HCM nhận định việc thực hiện công tác phối hợp giữa các Sở, ngành đã mang lại những hiệu quả tốt trong công tác quản lý người lao động nước ngoài.

Trong đó, công tác phối hợp tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật, công tác kiểm tra tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động là người nước ngoài đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp được giải đáp trực tiếp những nội dung khó khăn, vướng mắc để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật của Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp còn giúp cơ quan quản lý lao động đánh giá đúng thực trạng hiện tại về lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, việc khai thác số liệu lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động phục vụ công tác quản lý tại một số đơn vị chỉ dừng lại trong việc nắm số liệu chung, các đơn vị chưa gắn với nội dung được giao nhiệm vụ quản lý, đặc biệt là tại các quận – huyện cần quan tâm theo dõi tình hình người lao động nước ngoài đang làm việc và sinh sống trên địa bàn.

Đồng thời, việc quản lý vẫn còn một số hạn chế nhất định như chỉ thực hiện quản lý lao động nước ngoài trên cơ sở cấp giấy phép lao động, xác nhận lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Đối với người lao động nước ngoài vào Việt Nam với mục đích ban đầu không phải lao động, sau đó quyết định ở lại Việt Nam làm việc thì không thể biết rõ cụ thể các trường hợp để yêu cầu đơn vị sử dụng lao động làm thủ tục cấp giấy phép lao động. Vì vậy, cần phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trao đổi thông tin về tình hình cấp giấy phép lao động để có kiểm tra, rà soát khi tiếp tục gia hạn thị thực cho người nước ngoài.

Ngoài ra, Sở LĐ,TB&XH TP.HCM cũng cho biết, chưa có sự liên thông, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan như bảo hiểm xã hội, thuế, đăng ký kinh doanh, công an để đối chiếu thông tin có liên quan đến người lao động nước ngoài nhằm phát hiện các trường hợp tổ chức, doanh nghiệp sử dụng người lao động nước ngoài không đúng như giấy phép lao động đã được cấp.

Tin bài liên quan