TPP sẽ là cú huých cho bất động sản khu công nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới

TPP sẽ là cú huých cho bất động sản khu công nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới

TPP, cú huých cho bất động sản khu công nghiệp

(ĐTCK) Với việc nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng cao, lực lượng lao động rẻ, dồi dào, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là 1 trong 12 thành viên vừa kết thúc đàm phán được cho sẽ tạo ra cú huých, thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp phát triển.

Bùng nổ số dự án khu công nghiệp mới

Ngày 14/9, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) và Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé đã khởi công xây dựng Dự án Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước. Dự án nằm trên địa bàn thị trấn Chơn Thành, xã Minh Thành, xã Thành Tâm và xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, có quy mô hơn 4.633 héc-ta, với tổng mức đầu tư 21.256,5 tỷ đồng. Theo quy hoạch, đất khu công nghiệp của dự án là 2.448,27 héc-ta, khu dân cư và tái định cư hơn 2.185 héc-ta.

Trước đó, ngày 12/9, Dự án Khu công nghệ môi trường xanh cũng đã được UBND tỉnh Long An cấp phép cho triển khai với tổng vốn giai đoạn I là 450 triệu USD.

Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rót vốn mạnh vào các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất. Đáng kể nhất là dự án khu công nghiệp rộng 410 héc-ta, trị giá 282 triệu USD tại Long Thành (Đồng Nai), do Tập đoàn Amata (Thái Lan) làm chủ đầu tư. Trước đó, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cũng đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư Khu công nghiệp Thăng Long III (Vĩnh Phúc) với quy mô gần 300 héc-ta, vốn đầu tư dự kiến 135 triệu USD.

Thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các khu công nghiệp đang có sự bùng nổ khi đã có thêm 87 dự án mới đang trong giai đoạn xây dựng, tương đương khoảng 41% số khu công nghiệp hiện hữu (212 khu công nghiệp với tổng diện tích 60.000 héc-ta). 

Vẫn cần thận trọng

Sự bùng nổ dự án khu công nghiệp là do kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng, trong khi đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn này. Ngoài ra, việc các nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn vào đầu tư khu công nghiệp còn được cho là để đón đầu TPP.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hợp tác và tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, khi tham gia TPP, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến Việt Nam để mở cơ sở kinh doanh, bởi họ muốn tận dụng nguồn lao động rẻ, dồi dào và đặc biệt là để được tận dụng những ưu đãi về xuất xứ theo quy định của TP để tiếp cận với một thị trường rộng lớn, hơn 800 triệu dân, chiếm 40% GDP và gần 30% thương mại toàn cầu. Một trong những lựa chọn hàng đầu để xây dựng nhà xưởng sản xuất là đất trong các khu công nghiệp, vì đây là những khu đất đã được đầu tư, có đất sạch, có hạ tầng đầy đủ...

Các dự án FDI gia tăng không chỉ giúp bất động sản khu công nghiệp khởi sắc, mà còn kéo theo các dịch vụ bất động sản khác tăng theo, như phân khúc nhà ở cho chuyên gia, công nhân trong các khu công nghiệp…

Theo Cushman & Wakefield, ngày càng có nhiều khách thuê công nghiệp đến Việt Nam để tận dụng lợi thế của TPP, do đó, nhu cầu về bất động sản lhu công nghiệp có thể sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta vẫn chưa thể nhận thức rõ được những lợi ích thực sự mà TPP có thể mang lại, vì hiệp định này mới chỉ dừng lại ở mức kết thúc đàm phán.

Tuy nhiên, cũng theo Cushman & Wakefield, sự gia tăng về số lượng các khu công nghiệp mới để đón đầu làn sóng đầu tư FDI là dấu hiệu đáng tích cực, song cũng cần lưu ý rằng, tỷ lệ lấp đầy hiện tại của gần 60.000 héc-ta đất khu công nghiệp hiện hữu mới chỉ đạt 48%.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ bị cạnh tranh mạnh về thu hút vốn FDI từ các nước láng giềng như Campuchia, Myanmar khi họ đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện thể chế để thu hút vốn FDI. Do đó, việc nguồn cung tăng mạnh cũng sẽ dẫn đến việc cạnh tranh khốc liệt hơn và chỉ có các khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, gần các tuyến đường giao thông, cảng biển mới có lợi thế.

Đồng quan điểm, luật sư Hà cho biết, khi có lĩnh vực tiềm năng thì sẽ hút nhiều nhà đầu tư, nên nếu không dự báo tốt thị trường, đầu tư tràn lan sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn và nếu không có quy hoạch tốt về các khu công nghiệp, trong tương lai có thể tạo ra nguy cơ bong bóng trong lĩnh vực này. Điều này đã được kiểm chứng trong trên thị trường bất động sản nói chung trong những năm vừa qua.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan