Trái phiếu toàn cầu di chuyển cùng hướng với nhau, làm gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi tức trái phiếu chính phủ trên khắp thế giới đang biến động song song với nhau, làm giảm khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư của các nhà đầu tư và làm dấy lên lo ngại bởi sự biến động ngày càng tăng của thị trường.
Trái phiếu toàn cầu di chuyển cùng hướng với nhau, làm gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư

Dữ liệu từ MSCI cho thấy mối tương quan giữa lợi tức được điều chỉnh bằng tiền tệ đối với trái phiếu chính phủ của các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Anh và Đức đang ở mức cao nhất trong ít nhất bảy năm, khi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tăng cường cuộc chiến chống lại lạm phát.

Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu chính phủ của một quốc gia có thể thấy danh mục đầu tư của họ bị ảnh hưởng bởi hoạt động thị trường ở đầu bên kia của thế giới.

Tương quan giữa trái phiếu chính phủ Mỹ với trái phiếu chính phủ Đức, Nhật, Anh

Tương quan giữa trái phiếu chính phủ Mỹ với trái phiếu chính phủ Đức, Nhật, Anh

Một ví dụ gần đây xảy ra vào cuối tháng 9, khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Anh sau khi kế hoạch cắt giảm thuế của Anh làm chao đảo thị trường, sau đó cả hai cùng giảm mạnh khi Ngân hàng Trung ương Anh thực hiện mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài để khôi phục sự ổn định tài chính và chính phủ Anh đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế.

Andy Sparks, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu quản lý danh mục đầu tư tại MSCI cho biết: "Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang chống lại kẻ thù chung và phần lớn đang sử dụng các công cụ giống nhau. Sự phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn này có nguy cơ tạo ra hiệu ứng lan tỏa đáng kể, vì nỗi đau của một thị trường đã nhanh chóng chuyển sang các thị trường khác trong năm nay”.

Giá trái phiếu Kho bạc Mỹ và các trái phiếu chính phủ khác đã giảm mạnh cùng với giá cổ phiếu trong năm nay khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các đợt thanh khoản thưa thớt trên thị trường trái phiếu Kho bạc đã dẫn tới xu hướng biến động có phần tiêu cực hơn và khiến một số nhà đầu tư đứng ngoài cuộc.

Diễn biến song song của các trái phiếu chính phủ cũng cản trở các nhà đầu tư tìm cách phân tán rủi ro của họ trên toàn cầu. Đây là năm mà nhiều chiến lược đa dạng hóa, bao gồm danh mục đầu tư truyền thống có tỷ trọng 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu đã hoạt động kém hiệu quả.

Gregory Peters, đồng giám đốc đầu tư tại PGIM Fixed Income cho biết: “Mức độ tương quan cao trên các thị trường trái phiếu toàn cầu có nghĩa là việc phân bổ cho các trái phiếu của Mỹ sẽ kém hiệu quả hơn nhiều”.

Ông cho rằng các mối tương quan này sẽ không giảm bớt cho đến khi các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương có sự khác biệt đáng kể.

Khi hầu hết các ngân hàng trung ương cùng hành động theo một hướng, suy đoán rằng một quốc gia có thể từ bỏ cuộc chiến chống lạm phát có thể làm dấy lên hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách khác cuối cùng sẽ có động thái tương tự, điều này đã làm dấy lên sự biến động của lợi tức trái phiếu chính phủ trên toàn thế giới.

Lợi tức trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm mạnh vào tuần trước sau khi ngân hàng trung ương của Úc thực hiện một đợt tăng lãi suất nhỏ hơn dự kiến vì một số nhà đầu tư cho rằng Fed cuối cùng cũng sẽ có động thái tương tự. Sau đó, giá trái phiếu Kho bạc Mỹ và cổ phiếu sụt giảm trở lại sau khi những quan chức Fed nhấn mạnh rằng sự tập trung duy nhất của Fed đang là vào lạm phát trong khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ củng cố cho trường hợp diều hâu hơn.

Bill Campbell, giám đốc danh mục đầu tư của DoubleLine Global cho biết: "Chúng tôi luôn nói về việc Mỹ đang xuất khẩu chính sách tiền tệ của mình và những gì chúng tôi bắt đầu thấy là các quốc gia khác có thể xuất khẩu chính sách của họ trên cơ sở toàn cầu. Đó là thứ đưa các vấn đề toàn cầu này lên radar của các nhà đầu tư Mỹ bởi vì họ đang trở thành những người ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường”.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tin rằng sự khác biệt trong chính sách tiền tệ có thể sẽ sớm xuất hiện, một phần do các nền kinh tế nhỏ hơn có thể khó khăn hơn trong việc thắt chặt chính sách so với Mỹ.

Martin Harvey, giám đốc danh mục đầu tư của quỹ đầu tư trái phiếu Hartford World Bond Fund cho biết, các chế độ chính sách tiền tệ có thể sẽ bắt đầu phân kỳ vào năm tới, điển hình là các thị trường Úc, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển.

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng trần lãi suất ở những quốc gia đó và khả năng chúng sẽ đảo ngược nhanh chóng nếu tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất được cảm nhận sâu sắc khi chúng ta bước vào năm tới”, ông cho biết.

Tin bài liên quan