Đề xuất do một chuyên gia đưa ra tại cuộc tọa đàm mới đây dường như đối ngược hoàn toàn với những gì đang diễn ra, nhất là trong bối cảnh nhiều tập đoàn, tổng công ty đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 20) theo hướng nâng trần chi phí lãi vay từ 20 lên 30%. Song, đề xuất trên cũng có những lý do riêng, cần được đưa ra đánh giá, mổ xẻ.
Theo Nghị định 20, chi phí lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp được trừ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần. Rất nhiều tập đoàn, tổng công ty trong nước đang đề nghị cơ quan quản lý điều chỉnh tỷ lệ này và đây cũng là lý do khiến Bộ Tài chính đang cân nhắc có thể điều chỉnh lên mức 30%.
Quan tâm, đáp ứng yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp là cần thiết, song nếu nhìn ở góc độ khác, có thể thấy, quy định hạn chế trần lãi vay có những mặt tích cực.
Trước hết, hành vi chuyển giá thông qua công cụ lãi vay hiện rất phổ biến với doanh nghiệp FDI và với một số doanh nghiệp trong nước. Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, từ khi áp dụng quy định tại Nghị định 20, dấu hiệu chuyển giá tại nhiều doanh nghiệp FDI đỡ lộ liễu hơn. Hơn nữa, việc áp dụng trần chi phí lãi vay 10 - 30% với các giao dịch liên kết cũng đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) khuyến nghị ở các quốc gia. Do vậy, con số 20% áp dụng hiện không phải quá thấp.
Thứ hai, hạn chế trần chi phí lãi vay sẽ tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước thường được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp. Đồng thời, làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
Nói cách khác, quy định trên góp phần cân bằng lợi thế của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, của doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa các loại hình doanh nghiệp.
Chính vì vậy, cần xem xét kỹ khi nâng trần lãi vay lên 30%. Việc nâng trần chi phí lãi vay lên đến mức kịch khung như khuyến nghị của OECD không những không triệt tiêu được động lực chuyển giá của doanh nghiệp, mà còn khiến “cuộc chiến” chống chuyển giá tại khối doanh nghiệp FDI trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù vậy, ở góc độ khác, cần thấy rằng, quy định trên đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, xuất phát từ đặc trưng của mỗi loại hình doanh nghiệp.
Với những tập đoàn đa quốc gia thường phụ thuộc rất ít vào vốn vay, chủ yếu huy động vốn trên sàn chứng khoán, thì mục đích vay vốn của các doanh nghiệp này có những điểm khác. Trong khi đó, do vốn mỏng nên doanh nghiệp trong nước hiện phụ thuộc rất lớn vào nợ vay. Do vậy, để gỡ khó cho doanh nghiệp trong nước, Bộ Tài chính cần tách bạch mục tiêu chống chuyển giá và hỗ trợ doanh nghiệp mỏng vốn để đưa ra quy định phù hợp. Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ hơn để phân biệt giao dịch cho vay liên kết có mục đích chuyển giá với giao dịch liên kết không có mục đích chuyển giá, đồng thời có quy định loại trừ nhằm đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về lâu dài, muốn chặn động cơ chuyển giá của doanh nghiệp FDI, thì một trong những biện pháp cần thiết là giảm trần chi phí lãi vay, thậm chí đưa về 0%. Song trong giai đoạn trước mắt, cần tháo gỡ ngay một số khó khăn của Nghị định 20 để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ nhất, nên khấu trừ toàn bộ chi phí lãi vay từ các hợp đồng vay nợ ký kết trước thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực.
Thứ hai, cho phép các doanh nghiệp chuyển phần chi phí lãi vay chưa được khấu trừ vào những năm tiếp sau trong khoảng thời gian 3-5 năm. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp mới thành lập giảm gánh nặng tài chính.
Thứ ba, nên miễn trừ chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập, coi khoản chi phí này không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20. Hiện tại, nhiều thành viên của các tập đoàn lớn có các giao dịch vay nợ hoàn toàn độc lập, nhưng vì nằm trong tập đoàn, nên vẫn phải chịu áp trần lãi vay vô lý.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, cơ quan quản lý cần phải xem xét, tính toán kỹ các phương án, làm sao vừa tạo thuận lợi về chính sách thuế, vừa đảm bảo được mục tiêu chống chuyển giá trong bối cảnh hành vi trốn thuế, chuyển giá của doanh nghiệp FDI nói riêng và doanh nghiệp nói chung khá phức tạp.