Các nhà băng quy mô nhỏ, vốn ít phải nỗ lực tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh nếu không muốn bị M&A

Các nhà băng quy mô nhỏ, vốn ít phải nỗ lực tăng năng lực tài chính, sức cạnh tranh nếu không muốn bị M&A

Tránh bị sáp nhập, nhà băng nhỏ “xoay” nhiều cách

(ĐTCK) Để không phải M&A với nhà băng khác, buộc các ngân hàng quy mô nhỏ, vốn ít phải tự nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. 

Các nhà băng này đang nỗ lực để tăng vốn, nhưng xem ra không dễ trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn.

Sau nhiều nỗ lực tăng vốn bất thành, vừa qua, VietA Bank đã hoàn tất việc phát hành hơn 400 tỷ đồng cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên xấp xỉ 3.500 tỷ đồng. So với kế hoạch tăng vốn đã đề ra cho cả năm 2015 là 4.200 tỷ đồng, thì nhà băng này mới chỉ hoàn thành bước 1 (tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng vào giữa năm 2015 và sau đó lên 4.200 tỷ đồng vào cuối năm). Tuy nhiên, VietA Bank vẫn đặt tham vọng sẽ tăng vốn lên 4.500 - 5.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Sau đợt phát hành tăng vốn, VietABank hiện có 3 cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, CTCP Đầu tư phát triển Hòa Bình và CTCP Phú An Thạnh. VietA Bank đã thông báo đến cổ đông về ngày chốt danh sách tham dự ĐHCĐ thường niên 2016 vào 5/4 tới, nhưng chưa ấn định ngày tiến hành Đại hội. Chỉ tiêu lợi nhuận VietA Bank đưa ra cho năm 2015 ở mức 150 tỷ đồng trước thuế, song đến nay Ngân hàng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính 2015.

Mới đây, VietA Bank đã thoái vốn khỏi CTCP Công viên nước Đầm Sen và thu về khoảng 84 tỷ đồng. Dường như các nguồn lực được Ngân hàng tập trung cho quá trình tái cơ cấu theo phương án đã được NHNN phê duyệt. Vì thế, cổ đông VietA Bank vẫn khó có thể kỳ vọng cổ tức trong giai đoạn hiện nay.

VietA Bank có kế hoạch đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, song trước bối cảnh cạnh tranh trong ngành ngày một gay gắt, trong khi quy mô vẫn thuộc nhóm ngân hàng nhỏ, nên theo các chuyên gia trong ngành, điều quan trọng hơn với VietA Bank lúc này là làm thế nào để tái cơ cấu thành công, nâng cao năng lực tài chính, từ đó mới có thể tránh việc bị sáp nhập với nhà băng khác.

Trong giai đoạn vừa qua, đã có 6-7 ngân hàng quy mô vốn nhỏ (khoảng 3.000 tỷ đồng) xin NHNN chấp thuận kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng năng lực tài chính, song đều không thực hiện thành công. Có nhà băng được NHNN cho tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, nhưng lượng phát hành thành công rất thấp (chỉ 2%), dù điểm tựa của nhà băng đó là một tập đoàn kinh tế tư nhân kinh doanh đa ngành nghề và có tiềm lực tài chính khá vững mạnh.

Một số nhà băng khác, tưởng chừng như việc tăng vốn thành công mười mươi, song cũng thất bại vào phút chót. Điển hình như trường hợp của DongA Bank, thông tin về việc sẽ thu hút thêm 1.000 tỷ đồng từ CTCP Kinh Đô (nay được đổi tên thành Tập đoàn KIDO) đã được HĐQT ngân hàng này cho biết tại kỳ ĐHCĐ thường niên 2015 diễn ra cuối tháng 4 năm trước. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, khi DongA Bank rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt, mọi cam kết đầu tư bỗng dưng chỉ là... cam kết!

Thông tin mới đây, NHNN đã chấp thuận cho Saigonbank được tăng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng được xem là “điềm lành” cho nhà băng này sau gần 4 năm mệt mài với kế hoạch tăng vốn. Tuy nhiên, kết quả phát hành cổ phiếu ra sao vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Trong khi đó, áp lực thoái vốn của các cổ đông lớn tại Saigonbank theo lộ trình Thông tư 36 đang gây khó khăn cho ngân hàng này. Trong số các cổ đông lớn của Saigonbank hiện nay, Vietcombank nắm hơn 4% và Vietinbank nắm khoảng 8%, không loại trừ trường hợp các cổ đông lớn này sẽ tranh thủ rút vốn khi Saigonbank tiến hành tăng vốn.

Vietcombank từng tính đến việc sáp nhập Saigonbank, song cổ đông lớn nhất của nhà băng này là Thành ủy TP. HCM lại không muốn “về chung nhà” với Vietcombank, mà muốn Saigonbank tăng năng lực tài chính, tái cơ cấu bằng chính nội lực. Đến nay, Saigonbank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2015, song kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm qua cho thấy, tăng trưởng tín dụng âm, lợi nhuận đạt 143 tỷ đồng sau thuế, nhưng do Saigonbank phải bán khoảng 500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC nên đòi hỏi trích lập dự phòng lớn. 

Thời gian qua, BacA Bank cũng được xem là ngân hàng đã nỗ lực tăng năng lực tài chính khi đưa được vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng và mới đây đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động của BacA Bank trong thời gian qua vẫn chưa thoát khỏi hình ảnh một nhà băng nhỏ, thương hiệu cũng chưa thực sự nổi trội trên thị trường. Đến nay, BacA Bank chưa công bố báo cáo tài chính cả năm 2015 và cũng chưa có thông báo về ngày chốt danh sách ĐHCĐ năm 2016.

Hiện tại, thị trường còn một số ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng như Kienlongbank, VietBank, Viet Capital Bank, VietBank, NCB… đang trong quá trình tái cấu trúc. Tuy nhiên, chủ trương của NHNN đưa ra là buộc các nhà băng này phải tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh khi ngành ngân hàng đã hội nhập thế giới. Vì vậy, thời  gian có lẽ không chờ đợi.  

Tin bài liên quan