DNNN chưa thật sự hào hứng với kế hoạch thuê CEO	 Ảnh: HOÀI NAM

DNNN chưa thật sự hào hứng với kế hoạch thuê CEO Ảnh: HOÀI NAM

Trao quyền đến đâu cho CEO đi thuê?

(ĐTCK-online) Để cơ chế đi thuê giám đốc điều hành (CEO) thực sự được các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hào hứng áp dụng, một trong những vấn đề quan trọng nhất là quy định về quyền của CEO đến đâu.

Việc trao quyền cho CEO đi thuê là một trong những vướng mắc cơ bản chỉ mới đưa ra, mà chưa được giải quyết trong Dự thảo Đề án tuyển chọn, ký hợp đồng, chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với CEO sẽ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ vào đầu tháng 10 năm nay. Do vướng mắc này chưa được tháo gỡ, nên các DNNN thực sự chưa hào hứng với kế hoạch đi thuê CEO, nhằm tạo ra luồng sinh khí mới cho DN.

Trong 5 tập đoàn, tổng công ty được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm thuê CEO (bao gồm Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ, Tập đoàn Công nghiệp ô tô, Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện, Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng, Tổng công ty Sông Hồng), mới chỉ có Tập đoàn Công nghiệp ô tô (Vinamotor) tìm thuê được CEO cho mình. Chính những vướng mắc trong các quy định ràng buộc DNNN, trong đó có quy định quyền của CEO đi thuê, đang khiến các DN không dám “vượt rào” để thực hiện thí điểm.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Từ Văn Hùng, thành viên HĐQT Vinamotor cho biết, rất khó thoả thuận với CEO về quyền của họ. “Trong quá trình thoả thuận hợp đồng, việc quy định quyền của CEO tới đâu làm chúng tôi tốn nhiều thời gian”, ông Hùng cho biết. Khi được hỏi về các quy định cụ thể liên quan đến quyền của CEO tại Vinamotor được ghi trong Hợp đồng lao động, ông Hùng bật mí: “Các quyền của CEO tại Vinamotor hiện nay được thoả thuận bao gồm 12 quyền chung, giống như quy định tại Luật DNNN”.

Điều 41, Luật DNNN quy định cụ thể, rõ ràng 12 quyền của CEO trong DNNN. Trong đó, khoản 6 quy định về quyền chấm dứt hợp đồng hoặc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh trong DN, như giám đốc, kế toán trưởng của đơn vị thành viên hạch toán độc lập, trưởng phòng hoặc phó trưởng phòng của tổng công ty, phó giám đốc các công ty thành viên và đơn vị sự nghiệp... Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư, ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong thực tế, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật quy định phải theo quy trình, trình tự do Chính phủ quy định, có sự tham gia của tổ chức Đảng và tổ chức công đoàn cơ sở. Do vậy, quyền về tổ chức sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động của DN là một vấn đề khó khăn với CEO làm việc theo hợp đồng.

Với thực tế như vậy, quyền sắp xếp bộ máy trong DN là của HĐQT, còn CEO làm việc theo hợp đồng chỉ mới được giao quyền tự chủ trong kinh doanh, chứ chưa được giao quyền tự chủ trong tổ chức nhân sự. Do vậy, các DN chưa thực sự mặn mà với việc đi thuê CEO và những CEO có tài cũng chưa mặn mà tìm đến các DNNN”, ông Hào cho biết.

Theo ông Hào, để thực sự tạo bước đột phá cho các DNNN thông qua việc tạo cơ chế cho các DN này đi thuê CEO, cần nghiên cứu không chỉ việc giao quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh cho các CEO làm việc theo hợp đồng, mà còn giao quyền cho họ trong tổ chức nhân sự của DN trên cơ sở đảm bảo định hướng, mục tiêu của chủ sở hữu. Cụ thể, cần giao quyền cho CEO quyết định việc bổ nhiệm, tuyển chọn các chức danh phó của mình, sau khi có ý kiến của HĐQT. Riêng đối với kế toán trưởng, việc bổ nhiệm sẽ do HĐQT quyết định.