Do phải trích lập dự phòng 935 tỷ đồng, Eximbank báo lỗ 588 tỷ đồng trong quý IV/2015 và lỗ lũy kế cả năm 26 tỷ đồng

Do phải trích lập dự phòng 935 tỷ đồng, Eximbank báo lỗ 588 tỷ đồng trong quý IV/2015 và lỗ lũy kế cả năm 26 tỷ đồng

Trích lập dự phòng tăng đột biến, lợi nhuận của nhà băng "bốc hơi" cả nghìn tỷ đồng

(ĐTCK) Mặc dù kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm đã gần chạm đích chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2015, song do phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro trong quý cuối năm khiến lợi nhuận nhiều nhà băng giảm, còn lại vài chục tỷ đồng.

Cụ thể, Eximbank báo lỗ 588 tỷ đồng trong quý IV/2015 do trích lập dự phòng 935 tỷ đồng. Trong khi tại kỳ ĐHCĐ bất thường diễn ra ngày 15/12/2015, lãnh đạo nhà băng này cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt được trong 11 tháng đầu năm qua là 552 tỷ đồng.

Trong 2 năm trở lại đây, khoản dự phòng rủi ro của Eximbank trong quý cuối cùng của năm đều tăng đột biến (quý IV/2014, dự phòng rủi ro của Eximbank là 869 tỷ đồng, gấp 5 lần mức cùng kỳ 2013, khiến Ngân hàng lỗ tới 678 tỷ đồng trong quý này).

Lũy kế cả năm 2015, Eximbank chỉ ghi nhận lãi trước thuế 89 tỷ đồng và lỗ sau thuế 26 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lãi “mọn” trên đã có sự cải thiện nhẹ so với mức lãi của năm 2014 (chỉ 69 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank giảm còn 1,85% so với mức 2,45% của cuối năm 2014. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 802 tỷ đồng, giảm 40% so với mức 1.343 tỷ đồng của năm 2014. Eximbank đang nắm giữ 5.251 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành với mệnh giá 6.230 tỷ đồng. Vì vậy, dự phòng cho mỗi năm là không nhỏ.

Chính mức trích lập dự phòng sẽ quyết định con số lợi nhuận trước thuế cuối cùng của Eximbank trong 2 năm qua, song theo quan điểm của HĐQT Eximbank, đây được xem là “của để dành” trong tương lai, có thể dùng hoặc không dùng đến, và quay trở lại thành thu nhập bất thường cho Ngân hàng.

Sacombank cũng báo lỗ trong quý IV/2015 do trích lập dự phòng rủi ro tăng đột biến gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Sacombank lỗ 583 tỷ đồng trong quý IV/2015, kéo lãi cả năm giảm còn 1.013 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đưa ra là hơn 3.000 tỷ đồng. 

Trong quý IV, tổng lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của Sacombank là 387 tỷ đồng, giảm 42,6% cùng kỳ 2014 và cả năm giảm 10,5%, xuống 3.403 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dự phòng rủi ro quý IV/2015 tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý cuối năm 2015, tức tăng hơn 6 lần, khiến cho lợi nhuận của Sacombank giảm mạnh.

Lũy kế cả năm 2015, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% so với năm 2014, nhưng vẫn vượt 30% so với chỉ tiêu đề ra cho 2015 sau khi nhận sáp nhập thêm Southern Bank với mức lãi trước thuế 1.002 tỷ đồng và sau thuế 782 tỷ đồng.

Mặc dù đã mạnh tay trích lập dự phòng, nhưng do sáp nhập nên chất lượng nợ của Sacombank cũng có thay đổi theo chiều hướng gia tăng, với tỷ lệ nợ xấu từ 1,19% đầu năm, tăng lên 1,87% vào cuối năm 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến, từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng, nên đòi hỏi dự phòng tăng cao. Điều này đã được Sacombank dự báo trước và cho biết, dự phòng sẽ tăng trong 3 năm đầu sau sáp nhập để xử lý nợ xấu từ Southern Bank để lại.

Trong quý IV/2015, do cắt giảm mạnh chi phí dự phòng nên lợi nhuận của BIDV tăng 30% so với cùng kỳ 2014. Cụ thể, BIDV giảm mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro 35%, xuống còn 1.842 tỷ đồng trong quý này, góp phần đưa tổng lợi nhuận trước thuế tăng 30% so với cùng kỳ 2014, đạt 2.409 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, BIDV ghi nhận hơn 7.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 6.382 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 26% và 28% so với năm 2014.

Tuy nhiên, khoản nợ có khả năng mất vốn tiếp tục là mối lo ngại đối với BIDV sau khi sáp nhập thêm Ngân hàng MHB. Lỗ lũy kế do MHB chuyển giao là 552 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, tổng số nợ xấu của BIDV là 9.697 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2014 và chiếm 1,62% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tiếp tục dâng cao, tăng gần 60% so với cùng kỳ, lên 5.193 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng số nợ xấu.

Theo các chuyên gia tài chính, khả năng lợi nhuận của các nhà băng vừa sáp nhập thêm ngân hàng yếu, cũng như đang tái cấu trúc sẽ chưa thể tăng mạnh trong ngắn hạn, thậm chí còn sụt giảm do dự phòng cao.              

Tin bài liên quan