Triển khai Nghị định số 35/2022/NĐ-CP: Hướng đến thị trường khu công nghiệp phát triển bền vững

Triển khai Nghị định số 35/2022/NĐ-CP: Hướng đến thị trường khu công nghiệp phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghị định số 35/2022/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo nên những đổi thay cơ bản cho việc phát triển thị trường khu công nghiệp ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn đó những vướng mắc cần được tháo gỡ để tạo sức bật mạnh mẽ cho thị trường này.

Diễn đàn Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế đã được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 26/8/2022 nhằm nhận diện những tồn tại, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, đề xuất các cơ quan quản lý ban hành những hướng dẫn phù hợp trong tiến trình triển khai.

5 năm sau khi ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về việc Quản lý khu Công nghiệp và Khu kinh tế, ngày 28/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế giúp khắc phục những hạn chế mà Nghị định 82 đang mắc phải.

Theo đó, Nghị định quy định rõ các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế trong quy hoạch vùng, tỉnh.

Nghị định 35/2022/NĐ-CP phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng khu công nghiệp gồm quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp, quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp.

Đặc biệt, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như lập quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt…

Đánh giá về Nghị định số 35/2022/NĐ-CP tại sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP là việc làm thiết thực, kịp thời, phù hợp tình hình khách quan nhằm mục đích hoàn thiện và tạo đà cho tiến trình xây dựng một hành lang pháp lý góp phần hình thành những khu công nghiệp chuyên biệt, hiện đại, xanh, sạch và đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.

Còn theo bà Trần Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP có nhiều thay đổi tiến bộ so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP, trong đó có 2 điểm chính tác động trực tiếp tới các dự án khu công nghiệp.

Trước tiên với hạng mục nhà ở công nhân, trong khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định người lao động không được ở lại trong khu công nghiệp, chỉ có chuyên gia nước ngoài được ở lại với sự đồng ý của Ban Quản lý khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến Nghị định số 35/2022/NĐ-CP thì vấn đề này đã được tháo gỡ. Theo đó, các chủ đầu tư có thể xây dựng nhà ở công nhân ngay trong khu công nghiệp.

Theo bà Loan, một điểm nữa có tác động trực tiếp đến các dự án khu công nghiệp, đó là việc phân cấp, phân quyền cho các tỉnh, thành phố, theo đó, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân quyền để thẩm định và cấp phép các dự án có quy mô phù hợp.

Còn theo ông Nguyễn Đình Nam, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến và Hợp tác đầu tư Việt Nam (IPA Vietnam), Nghị định số 35/2022/NĐ-CP có nhiều điểm tiến bộ, nhưng riêng với lĩnh vực thu hút đầu tư thì còn một số nội dung cần phải bổ sung để rõ ràng hơn nữa cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các khu công nghiệp thu hút tốt khách thuê.

Theo ông Nam, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP còn thiếu các quy định cụ thể về xúc tiến đầu tư, trong khi về xúc tiến đầu tư nói chung đã có các cơ sở pháp lý như: quy chế xúc tiến đầu tư (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành), Luật Đầu tư, Danh mục kêu gọi thu hút đầu tư các tỉnh, thành. Vì đa phần các dự án kêu gọi đầu tư đều sẽ vào các khu công nghiệp, nên Nghị định số 35/2022/NĐ-CP cần bao hàm cả điều này để chủ đầu tư chủ động định hướng phát triển dự án cho đúng, chuẩn, sát nhu cầu.

Hay với các dự án khu công nghiệp mới, ông Nam cho rằng, cần có quy định chi tiết hơn về hạ tầng giao thông, kết nối chuỗi cung ứng, tránh trường hợp dự án hình thành, đầu tư xong nhưng bán hàng không hiệu quả vì khả năng kết nối kém, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư.

Theo PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, với người công nhân trong các khu công nghiệp, họ không chỉ cần nhà ở mà cả các hạ tầng xã hội khác, như trạm xá, trường học, siêu thị..., là sự đồng bộ giữa hạ tầng khu công nghiệp và hạ tầng xã hội mà Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nhấn mạnh. Đây là tiến bộ quan trọng, nhưng đây là vấn đề vĩ mô, cần có các quy định, hướng dẫn tiếp trong những văn bản vi mô về thế nào là những hạ tầng xã hội phải có.

Trước đây, Bộ Xây dựng không được giao quyền hạn, trách nhiệm về nhà ở trong các khu công nghiệp, nhưng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP lần này có quy định rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, mang đến nhiều hơn sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Tin bài liên quan