Tính đến hết tháng 5/2010, dư nợ cho vay chứng khoán của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 14.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2009 - Ảnh: Hoài Nam.

Tính đến hết tháng 5/2010, dư nợ cho vay chứng khoán của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 14.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2009 - Ảnh: Hoài Nam.

Triển vọng TTCK nhìn từ “cái van” tín dụng

(ĐTCK-online) Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Nghị quyết của phiên họp tiếp tục khẳng định định hướng giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ như lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, hoạt động thị trường mở và thị trường liên ngân hàng.

Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ đưa ra thông điệp giảm mặt bằng lãi suất.

Thực tế thị trường tiền tệ, tín dụng cho thấy, kể từ đầu tháng 4 đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay thực tế phổ biến đã giảm từ mức 16-18%/năm xuống mức 13,5%-15%, song việc tiếp cận với tín dụng ở cực thấp của mặt bằng lãi suất là tương đối khó khăn với phần lớn DN.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng của 5 tháng ước đạt 7,46% so với cuối năm 2009, song riêng tín dụng bằng VND tăng trưởng 3,51% trong khi tín dụng bằng USD tăng 20,23%. Nguyên nhân chính là xu thế tận dụng lãi suất thấp khi vay ngoại tệ của các DN xuất nhập khẩu.

Theo NHNN, tính đến hết tháng 5/2010, dư nợ cho vay chứng khoán của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 14.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2009. Trong các tháng cuối năm nay, nhiều khả năng room cho tăng trưởng tín dụng chứng khán sẽ òn nhều hơn tín dụng bất động sản, vì tổng dư nợ chứng khoán tối đa là 20% tổng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng, có thể đạt đến 40.000 tỷ đồng.

Trong tháng 5, tín dụng VND tăng 1,53% trong khi tín dụng ngoại tệ ước tăng 3,16% tương tự như thực trạng của tháng 4. So với 3 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng VND qua từng tháng đã có cải thiện nhất định khi cả 3 tháng đầu năm tăng tín dụng VND so với cuối 2009 ở mức 0,57% và tín dụng tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm so với cuối năm 2009.

Tăng trưởng tổng huy động vốn VND theo tháng trong tháng 5 là 2,89%, tháng thứ 2 liên tiếp có mức tăng trưởng huy động vốn cao vượt trội hơn so với mức tăng trưởng tín dụng theo tháng.

Nhìn vào các diễn biến tăng trưởng huy động, cho vay và lãi suất huy động trên thị trường dân cư và thị trường các định chế tài chính càng cho thấy rõ việc các NHTM đang chuẩn bị ráo riết cho việc đẩy mạnh tín dụng bằng VND.

Vấn đề còn lại để có thể đẩy tín dụng VND ra ở mức độ hợp lý là tạo ra mặt bằng lãi suất huy động hợp lý thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ. Chừng nào mặt bằng lãi suất của khu vực dân cư huy động ổn định xung quanh mức 10,5-11% và lãi suất ngắn hạn trên thị trường các định chế tài chính ổn định ở mức 7-9% thì có thể sẽ có tăng trưởng tín dụng bằng VND khả quan ở mặt bằng lãi suất 12-14%.

Với các thông điệp về chính sách của Chính phủ, hiện tại có vẻ như hoạt động của thị trường liên ngân hàng là công cụ chính để tác động đến lãi suất. Song chúng tôi sẽ không bất ngờ nếu thời gian tới đây, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn, hoạt động tái cấp vốn sẽ được sử dụng để giảm mặt bằng lãi suất trên cơ sở áp lực lạm phát chắc chắn sẽ tiếp tục diễn biến đi ngang cho đến hết năm 2010 khi tăng trưởng nóng tại Trung Quốc được hạ nhiệt và kinh tế châu Âu sẽ có tăng trưởng rất thấp, góp phần làm ổn định giá cả nguyên liệu cơ bản.

Theo chúng tôi, thực trạng tín dụng USD tăng cao đột biến và tín dụng VND tăng tương đối thấp, nhiều khả năng sẽ thay đổi trong nửa cuối năm 2010 khi NHNN Việt Nam đã có những quy định xiết chặt quản lý cho vay USD nhằm phòng ngừa rủi ro tăng nhập khẩu quá cao gây áp lực lên cán cân thanh toán vào cuối năm.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng USD cả năm nay vẫn sẽ ở mức cao, vì đây là công cụ để chuyển một phần đáng kể tiền gửi USD thành cung USD thanh toán, góp phần bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán.

 Dự báo dư nợ tín dụng USD cả năm 2010 có thể tăng khoảng 31-32%, tức là 6 tháng cuối năm sẽ có mức tăng trưởng khoảng 9-10%, trung bình mỗi tháng đạt khoảng 1,4-1,5%, Do đó, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 25% thì tăng trưởng tín dụng VND cho cả năm phải đạt mức 21-22%, tức là 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng tín dụng bình quân 2%/tháng.

Diễn biến tín dụng 6 tháng cuối năm so với mục tiêu tăng trưởng ra sao sẽ còn được quyết định bởi thực tế lộ trình tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng của 24 ngân hàng cổ phần đô thị và việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn CAR từ 8% lên 9% từ 1/10/2010.

Các NHTM có năng lực vốn chưa đáp ứng được quy định mới về CAR và chưa có phương án tăng vốn đáp ứng yêu cầu 3.000 tỷ đồng sẽ bị hạn chế đáng kể khi đẩy mạnh tín dụng. Trong khi các NHTM có tỷ lệ CAR tốt hơn mức 9% trong mục tiêu tín dụng hiện tại lại có thể đẩy mạnh tín dụng để lấy thị phần.

Thông tin chung tại thời điểm này cho thấy, việc cả 24 ngân hàng cổ phần có thể hoàn thành tiến độ tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng trong năm nay là thách thức lớn và cuối tháng 6 là thời hạn các NHTM phải tăng vốn bắt buộc phải trình lên NHNN Việt Nam phương án tăng vốn dự kiến hoặc các phương án thay thế như tái cơ cấu, sáp nhập.

Mặc dù thị phần tín dụng của các NHTM cổ phần nhỏ là thấp, song họ lại là đối tượng có tăng trưởng tín dụng khá cao trong 2 - 3 năm qua nên về đóng góp cho tăng trưởng tín dụng của ngành, vai trò của các ngân hàng nhỏ là đáng kể.

Tuy vậy, yếu tố đặc thù của tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm sẽ phải dựa nhiều vào các kênh thị trường mở, tái cấp vốn và điều hành lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn mà đối tượng có lợi thế để thụ hưởng các kênh này là ngân hàng lớn hoặc các ngân hàng có năng lực tài chính tốt nên bức tranh tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm vẫn có thể tích cực hơn 6 tháng đầu năm.

Ngoải ra, năm 2010, các NHTM NN phần nhiều đã xác định kế hoạch tín dụng trên cơ sở nguồn tiền gửi không kỳ hạn từ hệ thống kho bạc, bảo hiểm, DN quốc doanh không dồi dào, nên cũng có thể tránh được những cú sốc về thanh khoản như cuối năm 2009 làm thắt chặt một cách thái quá họat động tín dụng. Do vậy, trong 6 tháng cuối năm, có thể thị trường tín dụng đạt được mức tăng trưởng VND khoảng 2% tháng (và USD khoảng 1,5%/tháng) với mức lãi suất thực tế của tín dụng VND mà DN tiếp cận được là 12-14% thì sẽ là thông tin tích cực cho hoạt động của DN và TTCK.

Cụ thể hơn với tín dụng trực tiếp gắn với TTCK và thị trường liên thông bất động sản cũng có những thông tin đáng chú ý. Theo NHNN, tính đến hết tháng 5/2010, tín dụng cho khu vực phi sản xuất (bao gồm cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng) đạt mức tăng 1,89% và chiếm tỷ lệ tương đương 17-18% tổng dư nợ, với cho vay BĐS chiếm 10,5%, cho vay tiêu dùng chiếm 6,6% và cho vay chứng khoán chiếm 0,7%.

Dư nợ cho vay bất động sản đạt khoảng 192.000 tỷ đồng (tăng 4,54% so với cuối năm 2009), cho chứng khoán đạt khoảng 14.000 tỷ đồng (tăng 13,6% so với cuối năm 2009) và dư nợ cho vay tiêu dùng đạt khoảng 122.000 tỷ đồng.

Mặc dù không tăng quá cao từ đầu năm đến nay, theo ước tính của chúng tôi, mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chứng khoán và tiêu dùng so với cùng kỳ năm trước lại rất cao (tương ứng khoảng 43% và 66%), trong khi tín dụng BĐS chỉ tăng khoảng 11% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy, trong 1 năm qua các NHTM nỗ lực tìm đầu ra với các loại hình tín dụng có lãi suất thỏa thuận, song cũng thận trọng trong việc đẩy mạnh tín dụng BĐS vốn đã có tổng dư nợ cao và yêu cầu vốn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng, có sự giao thoa nhất định giữa tín dụng tiêu dùng với tín dụng bất động sản và chứng khoán, nên thực tế cho vay bất động sản và chứng khoán có thể cao hơn có số chính thức.

Tính toán điều chỉnh yếu tố này, chúng tôi vẫn thấy rằng, nhiều khả năng room cho tăng trưởng tín dụng chứng khoán sẽ còn nhiều hơn tín dụng bất động sản trong các tháng cuối năm vì tổng dư nợ chứng khoán tối đa là 20% tổng vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng, có thể đạt đến 40.000 tỷ đồng.

Tựu chung lại, yếu tố dòng tín dụng cho nền kinh tế và TTCK trong 6 tháng cuối năm sẽ tích cực và ổn định hơn so với 6 tháng đầu năm cũng như so với cùng kỳ năm trước. Song tác động của yếu tố tín dụng sẽ không mạnh mẽ theo cả hai chiều như trong năm 2009. Khi đó, tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh lên do chính sách bù lãi suất 4% có tác động tích cực rất lớn cho thị trường đến đầu quý IV, sau đó lại bị đảo ngược một cách nhanh chóng không kém từ nửa sau quý IV.

Tác động tích cực và ổn định hơn của dòng tín dụng 6 tháng cuối năm 2010 sẽ có thể giúp cho thị trường và nền kinh tế có lực đẩy thích hợp một cách cân bằng hơn.