Trình Quốc hội sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA

Trình Quốc hội sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA

Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 9, sáng nay (20/5), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA và EVIPA) được trình Quốc hội. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến và sáng 28/5 sẽ bấm nút thông qua cả 2 hiệp định.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, EVFTA sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (bình quân 2,18 - 3,25% cho 5 năm đầu thực hiện và khoảng 4,57 - 5,3% cho 5 năm tiếp theo) và trao đổi thương mại hai chiều (xuất khẩu sang EU tăng khoảng 42,7% năm 2025 và 44,37% năm 2030, trong khi nhập khẩu từ EU tăng khoảng 33,06% năm 2025 và 36,7% năm 2030).

Ngoài ra, các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư sẽ giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư chất lượng cao của nước ngoài, đặc biệt từ các nước EU, cũng như thúc đẩy quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, việc EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng, giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong và sau dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn, giúp lấy lại đà phục hồi trong giai đoạn khó khăn này. Đặc biệt, EVFTA giúp tăng thêm 146.000 việc làm/năm trong những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, EU là một trong 6 thị trường lớn nhất của Việt Nam cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, nhưng hàng nhập khẩu từ Việt Nam còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm của EU. Vì vậy, EVFTA chính là động lực để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là những mặt hàng nước ta có thế mạnh và đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, EVFTA sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhập khẩu những loại hàng hoá có chất lượng cao phục vụ hoạt động sản xuất từ EU, đặc biệt là máy móc, thiết bị, tân dược, nguyên liệu dệt may, da giày, phương tiện vận tải… Việt Nam cũng mong đợi, khi thị trường EU rộng mở hơn, sẽ gia tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, không chỉ các nhà đầu tư EU, mà cả nhà đầu tư ngoài EU.

Theo báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn EVFTA của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, các đại biểu tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định. Việc phê chuẩn EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.

Ủy ban Đối ngoại kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; cho phép áp dụng hiệp định này với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31/12/2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và EU về việc Anh rời khỏi EU...

Cùng với EVFTA, Hiệp định EVIPA cũng được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp này. Điều này sẽ làm tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để các nước thành viên EU sớm hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ để EVIPA có hiệu lực. Việc tham gia EVIPA sẽ góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy vậy, EVIPA cũng có một số thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài; về yêu cầu hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên quốc tế, doanh nghiệp để đáp ứng xử lý các tranh chấp đầu tư theo Hiệp định.

Theo Báo cáo Thẩm tra việc phê chuẩn EVIPA của Ủy ban Đối ngoại, có ý kiến cho rằng, Quốc hội cần phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy Nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đối ngoại Quốc hội trong thời gian tới.

Tin bài liên quan