Trình Quốc hội sửa phụ lục Luật Đầu tư

Chiều 9/11, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày dự án luật.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Ngay trong buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án luật sẽ bãi bỏ 27 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; bổ sung 15 ngành, nghề; hợp nhất 29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp vào 19 ngành, nghề; cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề.

Như vậy, tổng số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sẽ còn 226  ngành, nghề (giảm 41 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành).

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đã đưa ra quan điểm cụ thể với từng ngành nghề trong số 15 ngành nghề mà dự án luật đề nghị đưa thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện.

Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra dành nhiều dung lượng cho nội dung liên quan tới ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô.

Ủy ban Kinh tế cho biết còn một số loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra các định hướng cụ thể: “nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ô tô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ô tô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế” và “bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư”.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất lắp ráp và phân phối ô tô trong nước thời gian qua phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định tại Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và tại Thông tư 20/2011/TT-BCT.

Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục 4 Luật đầu tư, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các ý kiến này cho rằng việc thay đổi chính sách đối với sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là việc bảo hành, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.

Do vậy, việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là cần thiết.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cần làm rõ việc bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không.

Theo các ý kiến này, hiện nay, việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các phương tiện giao thông như mô tô, xe máy, đầu máy, toa xe tàu hỏa, tàu điện, cáp treo đều không quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng được thực hiện thông qua công tác đăng kiểm định kỳ.

Đối với ô tô khi đưa vào sử dụng cũng phải thực hiện việc đăng kiểm định kỳ để bảo đảm an toàn cho người sử dụng; đồng thời có quy định chặt chẽ về niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người. Ngoài ra, cũng đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô.

Mặt khác, nếu coi nhập khẩu ô tô là ngành, nghề cần hạn chế kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng thì tại sao không hạn chế việc nhập khẩu xe máy và các phương tiện giao thông khác. Do đó, đề nghị cân nhắc việc bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Ủy ban Kinh tế tán thành với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Cùng với đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô cần phải cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính phổ quát chung đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt.

Ủy ban cũng đề nghị cân nhắc bãi bỏ điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy. Lý do, đây là một loại hàng hóa có yêu cầu về chất lượng, có thể quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đầu ra đối với sản phẩm, không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. 

Ủy ban Kinh tế tán thành việc bổ sung các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bao gồm:

(1) Kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;

(2) Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư;

(3) Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng;

(4) Kinh doanh dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;

(5) Kiểm toán năng lượng;

(6) Kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá;

(7) Kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn”;

(8) Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống cây trồng, giống vật nuôi;

(9) Kinh doanh dịch vụ điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch, đề án, báo cáo tài nguyên nước;

(10) Đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải và tổ chức tuyển dụng cung ứng thuyền viên hàng hải.

Tin bài liên quan