Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng

Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (24/1), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 140 tỷ USD tiền mặt được bơm vào hệ thống ngân hàng và gửi tín hiệu mạnh mẽ cho cho nền kinh tế mong manh và thị trường chứng khoán lao dốc.

PBOC cho biết, họ đang thực hiện cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản - là mức lớn nhất trong hai năm - và sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2.

Quan trọng hơn, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết, ngân hàng trung ương sẽ sớm ban hành các chính sách cải thiện các khoản cho vay bất động sản thương mại, điều này mang lại kỳ vọng cho các nhà đầu tư về việc hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản.

Lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên của các ngân hàng trong năm nay diễn ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn để đạt được sự phục hồi mạnh mẽ hậu Covid trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản, rủi ro nợ của chính quyền địa phương và nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Động thái này cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong 5 năm.

Chris Scicluna, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Daiwa Capital Markets cho biết: “Đây là một bước đi đáng hoan nghênh, nhưng nó sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi… Vẫn còn những câu hỏi về mức độ mà “Đội tuyển quốc gia” và các tổ chức khác nhau có thể cố gắng hợp tác để cố gắng hỗ trợ thị trường và bắt đầu mua cổ phiếu cũng như vạch ra ranh giới cho việc bán tháo ở đó”.

Thị trường chứng khoán ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã có diễn biến tích cực hơn sau khi có báo cáo về một cuộc họp Chính phủ do Thủ tướng Lý Cường chủ trì nhằm ổn định thị trường chứng khoán và các phương tiện đầu tư thuộc sở hữu chính phủ được gọi là “Đội tuyển quốc gia” sẽ tham gia hỗ trợ thị trường, như đã thực hiện trong giai đoạn bán tháo năm 2015.

Tại cuộc họp báo bất ngờ hôm thứ Tư (24/1) ở Bắc Kinh, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ (139,45 tỷ USD) tiền mặt cho nền kinh tế, vượt quá mong đợi của hầu hết các nhà phân tích.

Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence cho biết: “Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một dấu hiệu cho thấy PBOC sẽ duy trì quan điểm tiền tệ lỏng lẻo trong suốt năm nay, mặc dù đã bỏ lỡ kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất cơ sở cho vay trung hạn (MLF) trước đó…Và đây cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách muốn đảm bảo một khởi đầu tốt đẹp cho nền kinh tế bằng cách hỗ trợ chính sách trước mắt. Điều này là cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng trong một năm đầy thử thách”.

Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc diễn ra sau đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản trước đó đối với tất cả các ngân hàng vào tháng 3 và tháng 9 năm ngoái. Thống đốc Pan Gongsheng cho biết PBOC cũng sẽ cắt giảm lãi suất cho vay lại và tái chiết khấu 25 điểm cơ bản đối với khu vực nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ từ ngày 25/1.

“Hiện tại, chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn còn đủ dư địa…Chúng tôi sẽ tăng cường các điều chỉnh ngược chu kỳ và xuyên chu kỳ, đồng thời tạo ra môi trường tài chính và tiền tệ tốt cho các hoạt động kinh tế”, ông cho biết.

Thị trường hồi phục trong tầm kiểm soát

Chỉ số Hang Seng đã hồi phục sau khi thông tin cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc được công bố khi kết thúc phiên giao dịch ngày 24/1 với mức tăng 3,6% và đây cũng là mức tăng trong một ngày lớn nhất trong hai tháng.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm 13% vào năm 2023 và tiếp tục trượt dốc trong năm mới trong bối cảnh nước ngoài không ngừng rút ròng. Chỉ số CSI 300 đã tăng 3,5% so với mức thấp nhất trong 5 năm đạt được vào tuần trước, nhưng vẫn giảm hơn 6% trong năm nay.

Do Trung Quốc có truyền thống bơm tiền vào nền kinh tế ngay trước tuần nghỉ Tết Nguyên đán - thời điểm này rơi vào đầu tháng 2 - nên một số nhà phân tích đã thận trọng về ý định bảo vệ thị trường chứng khoán của các nhà hoạch định chính sách.

Kiyong Seong, chiến lược gia vĩ mô châu Á tại Societe Generale cho biết: “Chúng tôi muốn chờ xem một loạt hỗ trợ chính sách đầy đủ trước khi kết luận tác động đến thị trường chung”.

Cần nhiều gói kích thích hơn

Các nhà phân tích cho rằng cần có nhiều biện pháp kích thích hơn trong năm nay vì chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nhằm chống lại rủi ro giảm phát và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp khi các doanh nghiệp vẫn thận trọng trong việc tuyển dụng thêm lao động.

Vào tháng 12, các nhà chức trách hàng đầu của Trung Quốc tại một cuộc họp quan trọng nhằm vạch ra lộ trình kinh tế cho năm 2024 đã cam kết thực hiện nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết, chính sách tài khóa của Trung Quốc nên tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy tiêu dùng, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực giảm phát.

“Trung Quốc cần nhu cầu nội địa mạnh hơn thay vì tăng năng lực sản xuất”, ông cho biết.

Tin bài liên quan