Trung Quốc cho phép công ty bất động sản tiếp cận khoản ký quỹ của khách hàng để hỗ trợ thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm nay (14/11), Trung Quốc đã đưa ra chính sách cho phép các công ty bất động sản được tiếp cận với nguồn tiền ký quỹ của khách hàng nhằm giúp họ cải thiện tình trạng cạn thanh khoản hiện nay.
Trung Quốc cho phép công ty bất động sản tiếp cận khoản ký quỹ của khách hàng để hỗ trợ thanh khoản

Theo một tuyên bố được đăng trên trang web của cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm, Trung Quốc sẽ cho phép các công ty phát triển bất động sản “chất lượng” tiếp cận tới 30% số tiền ký quỹ của người mua nhà với điều kiện có thư bảo lãnh từ các ngân hàng. Các khoản này là tiền mà người mua nhà đã trả trước cho các công ty bất động sản trước khi công trình được xây dựng và thường được giữ tại tài khoản ký quỹ đặt tại các ngân hàng.

Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại một cách đáng kể trong năm nay do tình trạng sụt giảm của thị trường bất động sản kéo dài và những áp lực nặng nề đè lên hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cá nhân do chính sách Zero Covid gây ra.

Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thực hiện những bước đi rõ ràng nhằm giảm gánh nặng kinh tế do những biện pháp chống dịch gây ra và giải cứu thị trường bất động sản - dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên vào việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Tuyên bố cho biết, bất kỳ khoản tiền nào được rút ra sẽ không được sử dụng để mua đất, đầu tư mới hoặc trả lại tiền đã vay từ các cổ đông. Số tiền này phải được dùng để thanh toán cho các công ty xây dựng và trả các khoản nợ đến hạn của các dự án cụ thể.

“Mặc dù chính sách này là tích cực, nhưng tôi muốn nói rằng, hiệu quả của nó có thể bị hạn chế vì chỉ những công ty bất động sản tốt mới có nhiều khả năng nhận được sự đồng ý của các ngân hàng để tiếp cận khoản tiền ký quỹ nói trên”, Raymond Cheng, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc và Hồng Kông tại CGS-CIMB Securities, cho biết và nói thêm: "Đây vẫn chỉ là việc làm tự nguyện, thay vì bắt buộc đối với các ngân hàng".

Tin bài liên quan