Trung Quốc đã “mệt mỏi” với sự ngông nghênh của các tỷ phú công nghệ

Trung Quốc đã “mệt mỏi” với sự ngông nghênh của các tỷ phú công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư trên thị trường toàn cầu liên tiếp đón nhận thông tin các công ty có liên quan tới những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Xiaomi… bị xử phạt, gặp rắc rối với các nhà quản lý. Chuyện gì đang diễn ra với các công ty công nghệ tại Trung Quốc?

Ngày 18/3/2020, Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) cho biết, Sichuan XW Bank Corp, ngân hàng điện tử có sự hậu thuẫn của Xiaomi Corp, đã vi phạm quy định về quản lý tài sản rủi ro và nguyên tắc thu hồi nợ. Dù chưa có hình phạt cụ thể được đưa ra, nhưng CBIRC nhấn mạnh, mọi ngân hàng và công ty bảo hiểm phải tự “kiểm điểm” lại hoạt động khi hợp tác với bên thứ ba là các nền tảng điện tử nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Đây là động thái mới nhất của giới chức Trung Quốc với các doanh nghiệp công nghệ, sau hàng loạt sự kiện diễn cho thấy nhà chức trách muốn kìm hãm đà tăng trưởng và kiểm soát sức mạnh của các ông lớn công nghệ như AlibabaGroup Holding Ltd, Tencent Holdings Ltd…

Điều gì đang diễn ra?

Sau nhiều năm “nhẹ tay” với hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ, đột nhiên trước thời điểm Ant Group Co (thuộc Alibaba) tiến hành IPO với quy mô dự kiến 35 tỷ USD, giới chức Trung Quốc công bố quy định mới đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, nơi Ant Group đang là tay chơi lớn nhất. Điều này dẫn tới việc IPO của Công ty bị trì hoãn.

Những tuần tiếp theo, nhà quản lý Trung Quốc liên tiếp đề xuất các quy định mới với mục tiêu kiểm soát tình trạng độc quyền trên thị trường internet, khiến giới đầu tư kinh ngạc, thổi bay 290 tỷ USD giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ trên thị trường, trong đó có Tencent và Alibaba chỉ trong 2 ngày.

Các quy định mới có hiệu lực chỉ trong vòng 3 tháng, phần nào thể hiện tính cấp bách của “chiến dịch” kiểm soát các công ty công nghệ lớn trên thị trường.

Sau Alibaba, Tencent là mục tiêu tiếp theo được giới chức Trung Quốc để mắt, tiến hành giám sát chặt chẽ và cân nhắc yêu cầu Công ty phải thiết lập lại bộ máy hoạt động, tách bạch mảng ngân hàng, bảo hiểm và dịch vụ thanh toán.

Tại sao “tấn công” các công ty công nghệ vào lúc này?

Chưa có câu trả lời chính xác, rõ ràng cho câu hỏi này.

Thực tế, các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc có thể lớn mạnh như ngày hôm nay là nhờ sợ bao bọc, hỗ trợ của giới chức Trung Quốc trong nhiều năm qua. Việc “lật mặt” hiện tại là bất ngờ và giới chức Trung Quốc không thể hiện rõ ràng mục đích. Theo đó, nhà cầm quyền thường chỉ cho biết các quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng và duy trì sự ổn định của thị trường tài chính.

Một số chiến lược gia và nhà đầu tư cho rằng, nhà quản lý đã thay đổi tư duy chiến lược, không tìm kiếm sự thay đổi nhanh chóng.

Một số khác lại cho rằng, giới chức Trung Quốc đã “mệt mỏi” với sự ngông nghênh của các tỷ phú công nghệ, muốn dạy họ bài học bằng cách nhắm vào các công ty, chấp nhận những nỗi đau ngắn hạn về kinh tế và thị trường.

Suy nghĩ này xuất phát từ việc trong một hội nghị vào tháng 10/2020, tỷ phú Jack Ma lên tiếng cho rằng hệ thống tài chính Trung Quốc đã lỗi thời, trong khi nhà quản lý có tầm nhìn ngắn.

Sau đó, Jack Ma đã được triệu tập tới Bắc Kinh dự một cuộc họp kín với các quan chức đứng đầu ngành tài chính. Ngay sau đó, các quy định mới tại lĩnh vực cho vay tiêu dùng được ban hành.

Tờ Wall Street Journal ngày 12/11/2020 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra giận dữ trước phát biểu của Jack Ma và đích thân đưa chỉ thị ngừng IPO Ant Group.

Đây có phải thay đổi lớn tại Trung Quốc?

Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực công nghệ, bên cạnh sự hỗ trợ lớn từ thị trường tiêu dùng khổng lồ. Trước tiên, tham vọng dẫn đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ khiến giới chức Trung Quốc không ít lần can thiệp trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, ngay cả khi sản phẩm không hẳn do công ty Trung Quốc sản xuất.

Chẳng hạn, khu vực Trịnh Châu, còn được biết tới là Thành phố iPhone, sẽ không thể trở thành nơi sản xuất lớn nhất sản phẩm của Apple Inc nếu không có sáng kiến của Chính phủ.

Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc đã hỗ trợ hoạt động của lĩnh vực phần mềm, công nghệ nước nhà bằng việc tự tạo ra hàng rào internet vẫn được biết tới với tên gọi “Great Firewall”. Nhờ việc Facebook Inc, Iwitter Inc… không thể tham gia thị trường nội địa, các ứng dụng mạng xã hội WeChat của Tencent, Weibo của Sina Corp… mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, việc giới chức nước này “trở mặt” với các doanh nghiệp công nghệ lớn có thể xem là thay đổi đáng chú ý tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các công ty internet đã lớn mạnh đến mức nào?

Vào đầu tháng 11/2020, tổng giá trị thị trường của Alibaba và Tencent vào khoảng gần 2 nghìn tỷ USD, dễ dàng vượt qua Bank of China Ltd – công ty nhà nước có quy mô lớn nhất Trung Quốc.

Mạng lưới của các công ty công nghệ lớn bao trùm phần lớn hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ từ trí thông minh nhân tạo (SenseTime, Megvii) tới rau củ hữu cơ (Meicai), công nghệ tài chính (Ant Group). Chính sự đỡ đầu của những gã khổng lồ đã tạo nên một thế hệ mới các công ty công nghệ bao gồm dịch vụ vận chuyển đồ ăn và du lịch Meituan, Didi Chuxing (được mệnh danh là Uber Trung Quốc)...

Chỉ có một số ít doanh nghiệp nằm ngoài hệ sinh thái này, mà lớn nhất là ByteDance Ltd, công ty sở hữu ứng dụng TikTok.

Alibaba và Tencent sở hữu hệ sinh thái đa dạng, vị trí thống lĩnh thị trường inernet

Alibaba và Tencent sở hữu hệ sinh thái đa dạng, vị trí thống lĩnh thị trường inernet

VIEs là gì? Tại sao nhà đầu tư ngoại lo lắng?

Trong số các quy định mới, điều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm bậc nhất là quy định, cần có sự chấp thuận của nhà quản lý đối với việc mua bán – sáp nhập liên quan tới mô hình sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity – VIE).

VIE là cấu trúc mà một doanh nghiệp được thiết lập tại Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoặc đa phần (công ty kiểm soát) tại một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị hạn chế sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ cấu trúc này, một số công ty công nghệ có thể bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Pháp luật Trung Quốc giới hạn sở hữu nước ngoài đối với công ty công nghệ (cũng như các lĩnh vực ngân hàng, khai thác mỏ, giáo dục…).

Nhờ VIE, nhiều công ty Trung Quốc đã được sở hữu chủ yếu bởi nhà đầu tư nước ngoài, hoặc tiến hành niêm yết tại các sàn như Hồng Kông, New York...

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc chưa từng hài lòng về cấu trúc này và việc các công ty công nghệ đang nằm dưới gọng kìm khiến nhà đầu tư nước ngoài lo lắng cho số cổ phần mà mình sở hữu.

Cả Alibaba và Tencent và ByteDance đều đã bị phạt vì sử dụng mô hình VIE trong quá khứ để thực hiện một số thương vụ.

Tin bài liên quan