Trung Quốc tiến dần đến… khủng hoảng năng lượng

Trung Quốc tiến dần đến… khủng hoảng năng lượng

(ĐTCK-online) Khi các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái, Trung Quốc được cả thế giới kỳ vọng là một động lực kinh tế thay thế. Song tăng trưởng nhanh bằng việc thâm dụng năng lượng đang dẫn nước này đến gần hơn một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Thứ mà Trung Quốc cần có để giữ cho nền kinh tế được "ấm nóng" là nhiên liệu - rất và rất nhiều nhiên liệu. Và với Trung Quốc, điều đó đang ngày càng trở nên nguy hiểm. Khi chúng ta quan sát thấy Trung Quốc tiếp tục gia tăng quy mô nền kinh tế, hãy xét xem điều đó có ý nghĩa gì với tương lai năng lượng của nước này.

Chúng ta thường nói nhiều về nhu cầu nhập khẩu dầu lửa của nước Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, chẳng hạn như khi giá xăng tăng lên, Mỹ phải chi nhiều tiền hơn để mua dầu lửa từ nước ngoài, rồi về vấn đề an ninh năng lượng… Tuy nhiên, không giống như Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu dầu lửa của nước Mỹ thực tế đã giảm xuống, từ 60,3% mức tiêu thụ năm 2005 xuống 47% trong 6 tháng đầu năm nay.

Từ một nước xuất khẩu dầu năm 1993, Trung Quốc đã nhanh chóng đảo ngược vị thế và giờ đã trở thành một nước phụ thuộc vào nguồn dầu lửa từ bên ngoài, hơn cả Mỹ.

Năm 2004, trước khi giá dầu bùng nổ, đạt tới 140 USD/thùng, Trung Quốc đã nhập khẩu 120 triệu tấn dầu thô, tương đương 40% nhu cầu tiêu thụ dầu thô của nước này. Thời điểm đó, Trung Quốc đã biết đó là một vấn đề đáng lo ngại và Vụ trưởng Vụ Thương mại quốc tế của Bộ Thương mại của nước này đã dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ nhập khẩu ít hơn dầu lửa và các sản phẩm từ dầu lửa trong thời gian tới.

Năm ngoái, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng 17,5% lên 4,79 triệu thùng mỗi ngày, chỉ bằng hơn nửa lượng nhập khẩu của Mỹ cùng năm. Nhưng xét về tỷ lệ phần trăm nhu cầu sử dụng phải nhập khẩu thì Trung Quốc đã vượt Mỹ. Ngay trong năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 55,2% nhu cầu trong nước, so với mức 40% của năm 2004 và 47% của Mỹ.

Trong khi các công ty của Mỹ như ATP Oil & Gas mở rộng nguồn cung dầu nội địa và các nhà khai thác như Kodiak Oil &Gas mở rộng sản xuất dầu trên lãnh thổ nước Mỹ, qua đó giúp Mỹ ít phụ thuộc hơn vào dầu lửa nước ngoài thì Trung Quốc lại chọn cách khác.

Ngoài dầu lửa, than đá - hiện là nhiên liệu để sản xuất khoảng 80% sản lượng điện tại Trung Quốc - cũng là vấn đề gây đau đầu các nhà quy hoạch ngành năng lượng của nước này.

Trung Quốc mới trở thành nước nhập khẩu ròng than đá năm 2008, nhưng năm 2009, nước này đã nhập ròng 103 triệu tấn. Năm nay, các nhà phân tích dự đoán, tổng khối lượng than nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng lên 180 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu tăng lên cùng sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong khi nước Mỹ gây sức ép lên các công ty khai mỏ như Patriot Coal và Walter Energy để giảm sản lượng than đá thì Trung Quốc lại căng sức đào cuốc để đáp ứng nhu cầu than tăng lên của nước này.

Nhưng ngay cả tốc độ tăng nhanh của nhập khẩu cũng có thể không đáp ứng đủ cho nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Nước này đã xảy ra tình trạng mất điện từ nhiều năm nay và gần đây trở nên phổ biến hơn. Khi giá than tăng lên hồi đầu năm nay do lũ lụt tại Australia - một trong những nhà cung cấp chính của Trung Quốc, các nhà máy điện đã không thể tạo ra đủ lượng điện để cung cấp cho nước này.

Tại Trung Quốc, đang tồn tại một mâu thuẫn giữa mô hình quản lý kinh tế thị trường và mô hình bao cấp, theo đó các nhà sản xuất điện buộc phải mua than nhiên liệu theo giá thị trường, nhưng lại phải bán điện thành phẩm với giá… công ích. Kết quả là thua lỗ, không có một sự khuyến khích lớn nào để giữ các nhà sản xuất điện tiếp tục hoạt động.

Tình trạng mất điện không chỉ ảnh hưởng đến mỗi người dân Trung Quốc, nó cũng làm tổn thương các nhà sản xuất - kinh doanh, những người đang tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của nước này.

Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và có nhiều người hơn gia nhập tầng lớp trung lưu, vấn đề cũng sẽ tồi tệ hơn. Doanh số bán ô tô đã tăng 32% trong năm 2010, qua đó làm tăng nhu cầu đối với dầu lửa. General Motors và Ford - những nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Mỹ và thế giới - đã đầu tư lớn vào Trung Quốc và đang kỳ vọng doanh số bán xe sẽ tiếp tục tăng nhanh.

Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời với việc thông qua một một chính sách ưu đãi về thuế gần đây, đồng thời đặt mục tiêu 50 GW vào năm 2020. Các ngân hàng quốc doanh cũng đã mở rộng hỗ trợ vốn đối với các nhà sản xuất điện mặt trời như LDK Solar và JA Solar, nhưng vẫn không tạo ra đủ công suất để bù lấp khoảng thiếu hụt khổng lồ về nhu cầu điện năng của nước này. Vì vậy, sự phụ thuộc vào than đá sẽ còn tiếp tục.

Trừ khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại hoặc nước này tìm thấy các mỏ dầu và than đá mới ở trong nước, vấn đề sẽ ngày càng nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Và nó có thể gây ra một hiệu ứng domino trong thế giới ngày càng liên hệ với nhau của chúng ta.