Trước thềm ĐHĐCĐ bất thường lần 1, Angimex (AGM) lên kịch bản tổ chức lần ba nếu bất thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM - sàn HOSE) lên kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 6/11 tại tỉnh An Giang.
Trước thềm ĐHĐCĐ bất thường lần 1, Angimex (AGM) lên kịch bản tổ chức lần ba nếu bất thành

Trong Đại hội đồng cổ đông bất thường, Angimex trình cổ đông qua Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán.

Đồng thời, Angimex trình cổ đông phương án bù đắp lỗ luỹ kế khi tại thời điểm 30/6/2023, Công ty đang có lỗ luỹ kế trên Báo cáo tài chính riêng là 204,7 tỷ đồng và Báo cáo tài chính hợp nhất là 125,43 tỷ đồng (vốn điều lệ 182 tỷ đồng).

Công ty cho rằng với việc đang lỗ luỹ kế, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, cũng như khả năng cổ phiếu AGM bị huỷ niêm yết trên sàn HOSE.

Để khắc phục nguy cơ trên, Công ty trình cổ đông hai phương án khắc phục. Trong đó, phương án đầu tiên là phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu gồm 120,46 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển, 5,02 tỷ đồng quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu; phương án hai, sử dụng quỹ đầu tư phát triển 120,46 tỷ đồng và các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu là 5,02 tỷ đồng để bù đắp lỗ luỹ kế.

Đối với phương án phát hành cổ phiếu, Công ty dự kiến phát hành 12.548.500 cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 182 tỷ đồng, lên 307,49 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phát hành thêm là 100:68,95, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 68,95 cổ phiếu mới và dự kiến triển khai trong năm 2023.

Ngoài ra, Angimex cũng lên kịch bản nếu Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 không đủ điều kiện tiến hành, Công ty dự kiến tổ chức lần 2 vào ngày 21/11 và nếu lần 2 cũng bất thành, Công ty sẽ tổ chức lần 3 vào ngày 28/11.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Sau khi liên tục trì hoãn công bố Báo cáo Kiểm toán bán niên năm 2023 và bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM quyết định đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9, ngày 12/9, Angimex mới công bố Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2023.

Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của Angimex và đưa ra các vấn đề nhấn mạnh.

Mặc dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng kiểm toán lưu ý người đọc đến thuyết minh VIII.6 khi Angimex đã phát sinh khoản lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/6/2023 là 125,43 tỷ đồng, và cũng tại ngày này, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 581,6 tỷ đồng.

Trong đó, một phần bao gồm khoản huy động trái phiếu chuyển từ khoản mục vay dài hạn sang khoản mục vay ngắn hạn là 350 tỷ đồng và phân loại lại các khoản nợ phải thu ngắn hạn sang dài hạn liên quan đến các khoản đầu tư để hình thành tài sản cố định trong tương lai là 279,24 tỷ đồng (tại thời điểm 1/1/2023, Công ty có nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 244,9 tỷ đồng), và thanh khoản trái phiếu ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của công ty.

Giả định về hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào khả năng có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác để tạo ra dòng tiền tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

“Những điều kiện này cùng với những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh VIII.6 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Angimex”, Công ty TNHH Kiểm toán Sao Việt nhấn mạnh.

Lỗ luỹ kế đã lên tới 125,43 tỷ đồng và bằng 68,9% vốn điều lệ

Sau kiểm toán bán niên năm 2023, Angimex ghi nhận doanh thu đạt 321,62 tỷ đồng, giảm 86,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 54,69 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 6,22 tỷ đồng, tức giảm 48,47 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục lỗ trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ luỹ kế đã lên tới 125,43 tỷ đồng và bằng 68,9% vốn điều lệ.

Ngoài ra, tính tới 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 4,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 59,36 tỷ đồng, về 1.150,86 tỷ đồng và bằng 77% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 907,05 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 243,81 tỷ đồng.

Công ty cho biết đối với dư nợ gói trái phiếu mã AGMH2123001 với mệnh giá 350 tỷ đồng, phát hành ngày 8/11/2021, đáo hạn ngày 9/11/2023. Trong đó, theo biên bản Hội nghị với trái chủ ngày 3/2/2023, trái chủ đồng ý phát mãi tài sản đảm bảo để thanh toán cả gốc và lãi cho trái phiếu nói trên.

Thêm nữa, trong nửa đầu năm 2023, ngày 9/2/2023 và ngày 9/5/2023 là hạn thanh toán lãi với số tiền lãi lần lượt bằng gần 6,2 tỷ đồng, nhưng Công ty chưa thanh toán cho trái chủ mã trái phiếu AGMH2123001, lý do được đưa ra do khó khăn về tình hình tài chính nên chưa thể thanh toán đúng hạn.

Đối với trái phiếu mã AGMH2223001 với dư nợ còn lại 210 tỷ đồng, trái phiếu được phát hành ngày 3/3/2022. Trong đó, theo Nghị quyết của trái chủ ngày 4/7/2023, trái phiếu được gia hạn thanh toán đến ngày 14/9/2024.

Điểm đáng lưu ý, ngày 14/6/2023 phải thanh toán lãi 3,6 tỷ đồng nhưng tới ngày 30/6, Công ty mới thực hiện thanh toán, trễ hơn 3 tháng so với thời gian ban đầu với lý do khó khăn về tình hình tài chính nên chậm thanh toán; ngày 14/6/2023 tiếp tục phải trả thêm hơn 3,7 tỷ đồng lãi trái phiếu AGMH2223001, nhưng công ty chưa thanh toán. Trong đó, Công ty cho biết đã đàm phán thành công để gia hạn thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

Tin bài liên quan