Trước thoái vốn, IDICO báo cáo lợi nhuận quý III/2020 giảm gần 30%

0:00 / 0:00
0:00

Tổng công ty IDICO – CTCP (Mã chứng khoán: IDC – sàn HOSE) công bố báo cáo tài chính quý III/2020.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Theo đó, trong quý III/2020 IDICO ghi nhận doanh thu đạt 1.239,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 169,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,9% và 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 17,4% lên 17,7%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 79,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 120,8 tỷ đồng về chỉ còn 30,9 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 1.020,4% so với cùng kỳ, tức tăng thêm 50 tỷ đồng lên 54,9 tỷ đồng; trong khi các hoạt động khác biến động không đáng kể. Như vậy, lợi nhuận giảm gần 30% trong quý III/2020 chủ yếu do doanh thu tài chính bất ngờ giảm mạnh.

Doanh nghiệp thuyết minh, doanh thu tài chính giảm chủ yếu trong kỳ chỉ ghi nhận cổ tức, lợi nhuận được chia là 7,6 tỷ đồng so với cùng kỳ 121,3 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận khác tăng chủ yếu là ghi nhận chênh lệch định giá tài sản dự án Cảng Mỹ Xuân A và góp vốn thành lập công ty TNHH Cảng Quốc Tế Mỹ Xuân là 45 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, IDICO ghi nhận doanh thu đạt 3.356,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 307,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 5,5% và 27,5% so với 9 tháng đầu năm 2019. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 16,5% lên 17,4%. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp đã hoàn thành 118,1% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Được biết, trong năm 2020 IDICO đặt kế hoạch doanh thu đạt 852,08 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 323,82 tỷ đồng.

Không những kết quả kinh doanh đi xuống, trong 9 tháng đầu năm dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 18,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương tới 507,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư âm 93,6 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương 39,7 tỷ đồng. Như vậy, trong kỳ dòng tiền hoạt động kinh doanh thâm hụt vốn, doanh nghiệp phải dùng quỹ sẵn có để phục hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Tính tới 30/09/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp giảm 0,2% về 14.283 tỷ đồng. Trong đó, tài sản doanh nghiệp chủ yếu là tài sản cố định đạt 6.195,4 tỷ đồng, chiếm 43,4% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 3.257,5 tỷ đồng, chiếm 22,8% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.614,7 tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 940,3 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng tài sản.

Trong tài sản dở dang dài hạn, doanh nghiệp đang triển khai dự án khu công nghiệp Hựu Thạnh với tổng giá trị 2.102,7 tỷ đồng, ngoài ra còn mở rộng nhiều KCN khác như Phú Mỹ 2 mở rộng, Quế Võ 2… Đây có thể xem là cơ sở cho thấy doanh nghiệp có thể cung cấp bổ sung quỹ đất sẵn sàn cho thuê trong thời gian tới.

Bộ xây dựng dự kiến thoái toàn bộ vốn

Mới đây, Bộ xây dựng dự kiến thoái ra 108 triệu cổ phiếu IDICO, tương ứng 36% vốn điều lệ tại doanh nghiệp với phương thức là đấu giá công khai dự kiến tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Giá khởi điểm là 26.930 đồng/cp, tương ứng số tiền dự kiến thu về 2.908 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu giá tham chiếu IDC trong 30 phiên giao dịch liên tiếp trước ngày công bố thông tin cao hơn 26.930 đồng/cp thì lấy giá tham chiếu bình quân 30 ngày đó để làm giá khởi điểm.

Theo lộ trình thoái vốn, việc thoái vốn phải diễn ra trước ngày 30/11/2020, nếu không thành công sẽ chuyển về cho SCIC quản lý.

Được biết, IDICO được thành lập năm 1994 thuộc Bộ Xây dựng, là một trong những doanh nghiệp lớn về khu công nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại, doanh nghiệp đang đầu tư nghiên cứu và phát triển 10 dự án khu công nghiệp trên cả nước với diện tích 3.270 ha, tập trung chủ yếu tại miền Nam.

Tính tới 31/12/2019, cổ đông lớn của IDICO có 3 cổ đông là Bộ Xây dựng sở hữu 36% vốn điều lệ; công ty TNHH Tập đoàn Bitexco sở hữu 22,5% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Tập đoàn S.S.G sở hữu 22,5% vốn điều lệ và các cổ đông khác.

Như vậy, nếu Bộ Xây dựng thoái vốn thành công thì IDICO sẽ chính thức không còn sở hữu của nhà nước.

Tin bài liên quan