TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê trình bày dự báo về lạm phát năm 2022, 2023.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê trình bày dự báo về lạm phát năm 2022, 2023.

TS Nguyễn Bích Lâm: Lạm phát Việt Nam có khả năng chạm mốc 5,5%

(ĐTCK) Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2022 trong khoảng 4 - 4,5% và chạm ngưỡng 5 - 5,5% trong năm 2023.

Ba yếu tố gây áp lực lên lạm phát

Chia sẻ tại Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022 - 2023 sáng 12/5, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã đưa ra dự báo bức tranh lạm phát ở Việt Nam năm 2022 - 2023 nhìn từ các biến số kinh tế chính.

Ông Lâm cho biết, có 3 yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong hai năm kể trên.

Áp lực đầu tiên là lạm phát chuỗi cung ứng, là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới.

Theo đó, kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế. Đối với lĩnh vực chế biến chế tạo, vốn là động lực chính của nền kinh tế, tỷ lệ này là 50,98%.

Nga và Ukraine là hai nước cung cấp nhiều nguyên liệu đầu vào như dầu mỏ, phân bón, thức ăn chăn nuôi... cho thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc là công xưởng của thế giới, là quốc gia đang chiếm 1/4 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bởi vậy, cuộc xung đột Nga - Ukraine và chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này bắt đầu chậm lại là hai biến số làm cho tình trạng lạm phát chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng, tác động đến lạm phát ở Việt Nam.

Áp lực thứ hai là giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao. TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, giá xăng dầu và nhóm nguyên vật liệu công nghiệp đang phụ thuộc nhập khẩu tăng cao, tác động mạnh vào lạm phát. Giá xăng dầu đã tăng mạnh từ năm 2021 đến nay khiến cho kinh tế ngày càng khó khăn.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ làm tăng trưởng giảm 0,5 điểm phần trăm và lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm. Năm 2022 dự báo giá mặt hàng này còn tiếp tục tăng mặc dù Mỹ và một số quốc gia khác đã "tung ra" kho dự trữ xăng dầu để kiềm chế bớt.

"Đối với nhóm nguyên vật liệu công nghiệp phụ thuộc nhập khẩu, doanh nghiệp không thể chịu đựng mãi việc giá đầu vào tăng nên sẽ phải tăng giá đầu ra. Kinh tế Việt Nam có đặc điểm là khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế", ông Lâm nhận định.

Vị chuyên gia cũng cũng nhấn mạnh, sau đại dịch, các doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho việc tìm kiếm nhân công, tăng lương, hỗ trợ người lao động... làm cho chi phí nhân lực tăng, là yếu tố gây áp lực lên lạm phát của nền kinh tế trong năm 2022.

Áp lực thứ ba đối với lạm phát là tổng cầu tăng đột biến của nền kinh tế. Ông Lâm đánh giá, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2020, 2021 tiếp tục thẩm thấu vào nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến (do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch), là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.

“Mặc dù cung tiền không gây áp lực lên lạm phát nhưng gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trị giá 113.550 tỷ đồng thì có. Như chúng ta chứng kiến, giá thép đã tăng mạnh trong thời gian qua (thép chiếm 12 - 16% tổng giá trị công trình), 4 tháng đầu năm nay tăng 4 - 5 lần, làm giá trị công trình bị đội lên”, ông Lâm phân tích.

Lạm phát 2022 sẽ vượt 4% và năm 2023 có thể chạm mốc 5,5%

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, các yếu tố kể trên cộng với kế hoạch dự kiến tăng lương tối thiểu vùng, chi phí điện tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới (dù Bộ Công Thương cam kết không tăng giá điện), giá lương thực thực phẩm tăng vào cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng... sẽ là những biến số tác động vào lạm phát ở Việt Nam trong năm nay và năm sau.

Ông Lâm dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4 - 4,5%. Bước sang năm 2023, do độ trễ của các gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tác động của kinh tế thế giới, dự báo lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, khoảng 5-5,5%.

Trong khi đó, IMF dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra. Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.

Còn Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 4,5%; nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%.

Để kiềm chế lạm phát, TS Lâm đề xuất 8 giải pháp bao gồm: Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại... giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới; khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng thiếu hụt nguồn cung, chủ động nguồn nguyên vật liệu; tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ; Cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nguồn cung và lưu thông hàng hóa, cắt giảm chi phí sản xuất; đối với các mặt hàng thiếu hụt dài hạn cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng và đối tác cung ứng thay thế...

Năm 2021, mặc dù lạm phát toàn cầu rất cao, nhiều quốc gia chạm mốc lạm phát cao nhất trong vòng mấy chục năm song chỉ số này của Việt Nam chỉ 1,84%, thấp nhất từ năm 2016. 4 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng CPI bình quân ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước và vẫn trong tầm kiểm soát.

Tin bài liên quan