TTCK 2010 dưới lăng kính vĩ mô

TTCK 2010 dưới lăng kính vĩ mô

(ĐTCK-online) Chúng tôi lạc quan về triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam. Song trong ngắn hạn, lo ngại lớn nhất là sự năng động và vững vàng của khu vực tư nhân sẽ chịu tác động tiêu cực do tác động cạnh tranh về nguồn lực từ khu vực DNNN. Thêm vào đó, việc quay trở lại tiềm năng tăng trưởng tối ưu của kinh tế Việt Nam cũng có thể bị chậm lại do những tiến triển chậm chạp của quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Năm 2010, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% và lạm phát dưới 7%. Do những lo ngại nói trên, dự báo của chúng tôi thận trọng hơn, mặc dù dựa vào những giả định khá lạc quan về hồi phục kinh tế toàn cầu. GDP và thương mại toàn cầu năm 2010 được dự báo tăng 4,1% và 5,3% trong dự báo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 2 của IMF là cơ sở để chúng tôi hy vọng vào tăng trưởng khả quan của xuất khẩu và FDI tại Việt Nam ở mức 12% và 18%. 

Tăng trưởng tiêu dùng nội địa dự kiến sẽ cải thiện nhẹ về mức chi tiêu danh nghĩa so với năm 2009. Song do kỳ vọng gia tăng một cách thận trọng về chi tiêu trước áp lực cao về lạm phát, chúng tôi cho rằng tăng trưởng chi tiêu thực sẽ không đổi. Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng gần đây của TNS Việt Nam cho thấy, 60% người được phỏng vấn tự tin vào triển vọng công việc và thu nhập trong năm 2010, 35% cho rằng sẽ tăng chi tiêu và 39% dự định giảm chi tiêu so với năm 2009. Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về tiêu dùng, yếu tố chiếm 67 - 68% GDP.

Đầu tư tư nhân và chi tiêu công dự kiến chỉ tăng nhẹ trong năm 2010. Trong khu vực tư nhân, nguyên nhân cho dự báo không tăng trưởng đầu tư cao là lãi suất cao hơn, cung tín dụng hạn chế hơn và kỳ vọng lợi nhuận được bình quân hóa so với mức tăng trưởng đột biến của một số ngành trong năm 2009, khi chi phí đầu vào gia tăng trong điều kiện rút dần các biện pháp kích thích kinh tế. Hai sự kiện lớn có thể tác động đến kinh tế năm 2010 là Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và quá trình các ngành, địa phương hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc 11 vào đầu năm 2011. Có thể do các sự kiện đó mà tổng chi thường xuyên trong năm 2010 dự kiến tăng 24,6%, trong khi tổng chi đầu tư công dự kiến chỉ tăng 11,3%. Song lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng đầu tư công và tăng mạnh chi tiêu ngân sách là khả năng hạn chế về huy động trái phiếu chính phủ. Sự không lạc quan vào tăng trưởng của đầu tư - vốn là yếu tố đóng lớn nhất vào tăng trưởng GDP nhiều năm qua, là yếu tố chính khiến dự báo về tăng GDP của chúng tôi thận trọng hơn mục tiêu của Chính phủ.

Tổng hợp các yếu tố, chúng tôi dự báo GDP tăng trưởng 6,1% trong năm 2010. Về lạm phát, chúng tôi dự báo CPI tăng 9,2% do áp lực tăng giá đến từ bên ngoài, bởi giá nguyên liệu cơ bản tăng, áp lực tăng giá từ yếu tố bên trong cũng khá lớn do sự tăng giá than, xăng, điện trong thời gian qua và tăng lương cơ bản trong thời gian tới. Trong điều kiện sức mua và thu nhập được cải thiện, các DN cũng có thể dễ tăng giá bán để bù đắp tăng chi phí hơn.

Về chính sách tiền tệ, trong quý I, thị trường tín dụng đã tự động thắt chặt mạnh hơn mong muốn của NHNN Việt Nam. NHNN đang có những động thái có vẻ như trái chiều để một mặt kiềm chế áp lực lạm phát, một mặt giảm bớt tình trạng DN phải vay vốn với lãi suất quá cao. Với những nỗ lực của NHNN, chúng tôi tin rằng thị trường tín dụng sẽ ổn định ở mặt bằng lãi suất thực tế thấp hơn so với đầu năm 2010. Tăng trưởng tín dụng sẽ được duy trì ở mức dưới 25% như mục tiêu của Chính phủ do áp lực về lạm phát duy trì mức cao.

Rủi ro về nhập siêu và thâm hụt cán cân thanh toán vẫn sẽ duy trì, song việc làm yếu đi VND trong thời gian qua kèm với biện pháp áp trần lãi suất tiền gửi USD với các tổ chức kinh tế cũng sẽ có tác dụng ổn định tình hình. Chúng tôi cho rằng, tỷ giá chính thức VND có thể giảm tiếp 3 - 4% trong thời gian còn lại của năm. Có thể nhận thấy, cân bằng về chính sách vĩ mô có vai trò then chốt trong việc xử lý các vấn đề lạm phát, thâm hụt cán cân thanh toán, tỷ giá và tạo dựng nền tảng cho tăng trưởng cao và bền vững trong dài hạn. Nếu Chính phủ ưu tiên ổn định các vấn đề vĩ mô, tăng trưởng GDP có thể thấp hơn mục tiêu đặt ra, song chắc chắn sẽ giúp nền kinh tế quay trở lại trạng thái tăng trưởng tiềm năng một cách bền vững hơn.

Có một số yếu tố có thể làm sai lệch dự báo về mức độ hồi phục của kinh tế Việt Nam trong năm 2010 của chúng tôi theo cả hai chiều. Ở chiều bi quan hơn, thứ nhất, có thể các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới có mức hồi phục thấp hơn tiềm năng sẽ gây ra sự hồi phục thấp hơn kỳ vọng của khu vực xuất khẩu. Thứ hai, có thể các vấn đề mất cân đối có tính cơ cấu của khu vực ngân hàng không được giải quyết sẽ làm hạn chế tín dụng, tăng mạnh lãi suất và làm nền kinh tế giảm tốc đáng kể. Song trong các kịch bản bi quan hơn về tốc độ hồi phục, chúng ta cũng sẽ có một mức lạm phát thấp hơn so với dự báo của chúng tôi.

Ở chiều lạc quan hơn, thứ nhất, có thể tiêu dùng và đầu tư tư nhân sẽ khả quan hơn dự báo của chúng tôi, do nguồn tiết kiệm dồi dào có thể tạo cơ hội cho người dân và DN chi tiêu và đầu tư mạnh tay hơn khi tâm lý lạc quan chiếm ưu thế. Thứ hai, có thể các chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ tăng trưởng sẽ được Chính phủ ưu tiên duy trì thực hiện ở mức độ cao hơn chúng tôi kỳ vọng về một sự cân bằng trong chính sách. Trong kịch bản lạc quan hơn về hồi phục, chúng ta sẽ có một mức lạm phát cao hơn đáng kể so với dự báo của chúng tôi.

 

Tác động đến TTCK

Kinh tế năm 2010 vẫn trên quỹ đạo quay trở lại sự hồi phục hoàn toàn về mức tăng trưởng tiềm năng với GDP tăng 7,5 - 8% và lạm phát ổn định ở mức 1 con số. Tăng trưởng GDP năm 2010 có sự cải thiện so với năm 2009 sẽ là cơ sở để TTCK tăng trưởng. Song với những lực cản trên quá trình đi lên và các vấn đề vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, nhập siêu, khó có thể kỳ vọng thị trường có tăng trưởng ấn tượng như năm 2009. Chính sách tiền tệ và các điều kiện của thị trường tín dụng sẽ là yếu tố quan trọng dẫn dắt biến động của thị trường. Chúng tôi kỳ vọng VN-Index có thể dao động từ mức 400 - 600 điểm trong năm 2010, trong đó mức cao nhất của chỉ số sẽ không rơi vào thời điểm cuối năm.