TTCK 2011 qua góc nhìn chiêm tinh tài chính

(ĐTCK-online) Chiêm tinh tài chính là một trường phái phân tích kỹ thuật được sử dụng để xác định các điểm đảo chiều của thị trường (stock market timing) hay phân tích chu kỳ. Tất nhiên, để công cụ phân tích này trở nên hữu dụng, lịch sử thị trường là điều quan trọng. Tuy TTCK Việt Nam còn quá ít dữ liệu nhưng với sự tương quan giữa chứng khoán trong nước với thế giới, những biến động của TTCK Mỹ trong năm 2011 qua góc nhìn Chiêm tinh tài chính cũng là một gợi ý cho TTCK Việt Nam.

Chiêm tinh tài chính là gì?

Chiêm tinh tài chính (Financial Astrology) là một trường phái phân tích kỹ thuật rất phát triển ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Chiêm tinh tài chính nghiên cứu về mối liên hệ giữa chuyển động của các thực thể thiên văn đối với các sự kiện trên thị trường tài chính. Trong khuôn khổ giới hạn của một bài viết, chúng tôi chỉ trình bày một số vấn đề cơ bản của trường phái phân tích kỹ thuật này và góc nhìn về TTCK trong năm 2011.

Chỉ số djia tương ứng với sự dịch chuyển của mộc tinh qua các cung

TTCK 2011 qua góc nhìn chiêm tinh tài chính ảnh 1

Khi sử dụng Chiêm tinh tài chính, nếu lấy trái đất làm trung tâm quan sát được gọi là Địa Tâm (Geocosmic). Ngược lại, nếu quan sát sự chuyển động của các hành tinh từ góc độ mặt trời gọi là Nhật Tâm (Heliocentric). Các hiện tượng chiêm tinh mà chúng tôi sử dụng sau đây là Địa Tâm.

Dự báo chỉ số djia năm 2011

TTCK 2011 qua góc nhìn chiêm tinh tài chính ảnh 2

Theo W.D.Gann, thị trường tài chính cũng vận hành theo quy luật tự nhiên. Quy luật tự nhiên mà Gann phát hiện ra gọi là Luật dao động (law of vibration). Theo đó, các hành tinh chuyển động theo một sự điều hòa và TTCK cũng vậy. (Ví dụ: nếu lấy 225 ngày chuyển động của Kim Tinh quanh mặt trời chia cho 365 ngày của Trái Đất quanh mặt trời, chúng ta phát hiện ra con số Fibonacci 61,8%).

Không chỉ về khía cạnh toán học, sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp chúng ta hiểu được sự tác động của các hành tinh đến con người, chủ thể tham gia thị trường tài chính. Cơ sở của Chiêm tinh tài chính là các trạng thái cảm xúc của con người như: Lạc quan (Optimism) và Bi quan (Pessimism) bị ảnh hưởng bởi Thái Dương hệ. Ví dụ, Takata, Maki, Time Magazine (21/3/1969) đã phát hiện ra sự chuyển động của máu trong cơ thể bị tác động bởi chu kỳ vệt đen mặt trời (sunspot), hiện tượng nhật thực, nguyệt thực… Có thể miêu tả cơ chế tác động của chu kỳ vệt đen mặt trời như sau. Vệt đen mặt trời tạo ra tia X và gia tăng sự Ion hóa trong bầu khí quyển trái đất. Sự Ion hóa dương (positive ionization) trong không khí khiến cho con người cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, mắc các bệnh viêm xoang, hen suyễn. Cụ thể, sự Ion hóa dương làm giảm khả năng kết hợp khí CO2 của huyết thanh (blood plasma). Khi CO2 trong huyết thanh giảm, lượng ôxy lấy được cũng giảm. Các virus cũng tấn công mạnh các tế báo trong môi trường Ion hóa cao. Đồng thời, sự Ion hóa dương cũng làm mất cân bằng axit-kiềm trong cơ thể con người khiến cho tính cách con người bị thay đổi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa chu kỳ sunspot với chu kỳ chứng khoán, chu kỳ kinh tế và chu kỳ thời tiết.

 

Dow Jones qua góc nhìn Chiêm tinh tài chính

Chúng tôi tin rằng, nửa đầu năm 2011, chỉ số DJIA vẫn tăng trưởng. Đầu tiên, chúng tôi dựa vào mối quan hệ của Mộc Tinh đi qua các cung hoàng đạo với giá chứng khoán (Nguồn: Raymond Merriman 2011). Theo đó, TTCK Mỹ đạt đáy khi Mộc Tinh đi qua cung Bảo Bình và cung Sư Tử. Sự bật dậy của TTCK Mỹ vào tháng 3/2009 là khi Mộc Tinh nằm ở 14 độ cung Bảo Bình. Biểu đồ cũng cho thấy, TTCK Mỹ đạt đỉnh khi Mộc Tinh ở cung Bạch Dương. Từ ngày 22/1/2011 đến 4/6/2011, Mộc Tinh sẽ trở lại cung Bạch Dương sau khi hoàn tất chuyển động nghịch hành (retrograde). Chính vì lý do trên, chúng tôi cho rằng, chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn nằm ở giai đoạn tăng điểm khi Mộc Tinh nằm ở cung Bạch Dương. Nếu như thống kê trên tiếp tục đúng, một sự đảo chiều đi xuống khá quan trọng vào nửa sau năm 2011 khi Mộc Tinh đi ra khỏi cung Bạch Dương và đi vào cung Kim Ngưu.

Một lý do khác để tin rằng sự tăng trưởng của DJIA có thể duy trì trong nửa đầu năm 2011 là sự giao hội lần thứ ba (conjunction, góc 0 độ giữa hai hành tinh) của Mộc Tinh và Thiên Vương vào ngày 4/1/2011. Sự giao hội giữa hai hành tinh trên có chu kỳ 13-14 năm nhưng do chuyển động nghịch hành nên trong lần này sự giao hội xảy ra ba lần (lần đầu vào ngày 8/6/2010; lần hai vào ngày 18/9/2010). Tất cả ba lần giao hội này được tính vào một chu kỳ. Tính chất thiên văn của Mộc Tinh là phóng đại. Do đó, trên thị trường tài chính, đây là giai đoạn mà niềm hy vọng hoặc bi quan của nhà đầu tư trở nên thái quá. Nếu tăng, thị trường tăng điểm mạnh và phá vỡ các ngưỡng kháng cự mạnh. Ngược lại, nếu giảm, thị trường sẽ giảm giá một cách quá mức và phá vỡ các mốc chống đỡ mạnh. Trong khi đó, Thiên Vương Tinh lại có tính chất gây bất ngờ, khó dự đoán trước. Khi hai hành tinh này kết hợp lại với nhau, chúng tạo nên sự kích động mạnh mẽ nhưng thường là theo chiều hướng tăng điểm. Các bong bóng giá cả tài sản thường xuất hiện dưới cặp góc này.

Chúng ta cũng thấy rằng, sau khi giảm điểm mạnh từ tháng 4/2010, quá trình tăng điểm của chỉ số DJIA đã xuất hiện sau ngày 8/6/2010 và chinh phục các đỉnh cao mới. Thống kê của Ramond Merriman cho thấy: “Sự giao hội của Thiên Vương Tinh và Mộc Tinh có khuynh hướng là tăng giá đối với TTCK”. Nếu thị trường tăng điểm trong giai đoạn xuất hiện, đỉnh chu kỳ dài hạn trên 4 năm không xuất hiện trong dải băng thời gian trung tâm (central time band), tức thời gian từ lần giao hội đầu tiên đến lần giao hội cuối cùng. Thị trường sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian cặp góc này xuất hiện. Xác suất 90% đỉnh chu kỳ dài hạn trên 4 năm thông thường sẽ xuất hiện sau 4 tháng kể từ ngày giao hội cuối cùng. Đối chiếu với hiện nay, chỉ số DJIA có thể tăng giá đến tháng 5/2011 kể từ ngày giao hội cuối cùng 4/1/2011.

Cần lưu ý, sự giao hội của hai hành tinh xảy ra ở cung Bạch Dương. Như nói ở trên, khi xét riêng chuyển động của Mộc Tinh qua các cung hoàng đạo, TTCK thường đạt đỉnh khi Mộc Tinh ở cung Bạch Dương. Sự xuất hiện của Thiên Vương Tinh tại cung Bạch Dương cũng là điều hết sức chú ý. Cung Bạch Dương có những tính chất như chấp nhận mạo hiểm, muốn giành chiến thắng bằng mọi giá, năng động…. Sự kết hợp giữa Thiên Vương Tinh với cung Bạch Dương khiến cho nhà đầu tư trong giai đoạn này trở nên liều lĩnh, sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro. Họ đưa ra các quyết định đầu tư mà không cần để ý đến các nền tảng kinh tế. Đây chính là động lực tâm lý thúc đẩy nhu cầu mua cổ phiếu của nhà đầu tư.

Tóm lại, dựa trên hai hiện tượng thiên văn trên, chỉ số DJIA có thể đạt đỉnh trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2011. Câu nói: “Bán tháng 5 và đi xa” có thể đúng trong năm 2011. Sau thời gian này, một sự sụt giảm mạnh sẽ xuất hiện trên TTCK Mỹ. Dựa trên kỹ thuật “Mass Pressure” của W.D.Gann, chúng tôi tạo ra “roadmap” cho DJIA trong năm 2011 như sau (xem đồ thị). Chú ý, phần trăm không thay đổi giá không quan trọng với kỹ thuật này, vì mục đích của mass pressure là xác định các thời điểm có sự đảo ngược trong DJIA.

 

TTCK Việt Nam thì sao?

Sự hồi phục vào nửa cuối năm, tương ứng với khoảng thời gian hiện tượng giao hội giữa Mộc Tinh và Thiên Vương Tinh, khiến nhiều chỉ số chứng khoán trên thế giới tăng mạnh. Một số các chỉ số chứng khoán đạt đỉnh cao trong 2 năm như DJIA, Nasdas, SP500, German DAX... và nhiều chứng khoán đã tiệm cận mức đỉnh tháng 4/2010, thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Tác động của hiện tượng trên cũng tác động đến TTCK Việt Nam. Vào thời điểm ngày 24 - 28/8/2010, khi các chỉ số chứng khoán trên thế giới hồi phục mạnh để hướng tới các đỉnh cao mới, VN-Index cũng đảo chiều tăng điểm. Sự khác nhau giữa các chỉ số là mức độ hồi phục. Trong khi nhiều chỉ số tiệm cận mức đỉnh tháng 4 hoặc thậm chí vượt đỉnh cao mới, VN-Index chỉ hồi phục khoảng 15,2%. Nguyên nhân khiến sức bật của VN-Index còn khiêm tốn là do nền kinh tế bị tác động bởi các vấn đề nội tại như tỷ giá, lạm phát, lãi suất…

Dựa trên mối tương quan giữa VN-Index và DJIA, chúng tôi kỳ vọng về sự phục hồi của VN-Index cho đến thời điểm tháng 4 - 6/2011 khi có hiện tượng giao hội lần ba giữa Mộc Tinh và Thiên Vương Tinh. Về mặt kinh tế vĩ mô, thời điểm nửa đầu năm 2010 cũng là lúc mà các sức ép kinh tế như lạm phát, lãi suất chưa lớn. 

Cùng với sự tương quan trên, nhà đầu tư cần thận trọng với sự đảo chiều có thể xuất hiện từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 6. Thứ nhất, lịch sử thống kê diễn biến 10 năm qua của VN-Index cho thấy, thị trường thường đạt đỉnh vào tháng 4 hoặc tháng 5 và giảm mạnh để đạt đáy vào tháng 7 hoặc tháng 8. Thứ hai, do giới hạn về dữ liệu lịch sử, chúng tôi không áp dụng được kỹ thuật “Mass Pressure” cho VN-Index. Tuy nhiên, kỹ thuật này đưa đến lưu ý là cần quan sát diễn biến lịch sử theo mỗi 10 năm trước đó. Ở Mỹ, phần lớn các năm kết thúc bằng số 1 có sự đảo ngược mạnh vào thời điểm giữa năm. Vào năm 2001, VN-Index cũng từng có sự đảo ngược rất mạnh vào giữa năm. Đây là lưu ý hết sức quan trọng cho năm 2011.