TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Kamm Investment (Mỹ)

TS. Christian Kamm, Chủ tịch Công ty Kamm Investment (Mỹ)

TTCK - phần không thể thiếu của đổi mới kinh tế tại Việt Nam

(ĐTCK) Việc chứng kiến sự khởi đầu của TTCK tại Việt Nam cách đây 15 năm thực ra không tuyệt vời như các nhà đầu tư thường nghĩ, nhưng dần mang đến những thay đổi tốt đẹp, thị trường đạt được nhiều thành tựu.

Tuy nhiên, tương lai của nền kinh tế và TTCK không phải là một bức tranh phản chiếu những gì đã diễn ra trong quá khứ, mà sẽ được quyết định bởi sự quyết tâm phát triển kinh tế và TTCK của Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

TTCK hỗ trợ nền kinh tế phát triển

Lúc đầu, TTCK chỉ có một số ít cổ phiếu niêm yết với tính thanh khoản thấp, khiến đa số nhà đầu tư không mấy hào hứng. Thị trường khi ấy cũng vấp phải không ít sự nghi ngờ về tính khả thi của mình. Trong 15 năm qua, TTCK đã trải qua rất nhiều thăng trầm với vô số đợt giao dịch sôi động lẫn ảm đạm, tâm lý nhà đầu tư hồ hởi cũng như buồn bã.

Các nhà đầu tư luôn chấp nhận bất ổn vì thị trường nào cũng có lúc này lúc khác, tuy nhiên, TTCK Việt Nam 15 năm qua thực sự là một “chuyến xe bão táp” với họ, vì các thị trường đang phát triển nói chung thường lên xuống rất thất thường. Những thay đổi khó đoán trước này là kết quả của việc TTCK quá nhạy cảm với tình hình kinh tế, dữ liệu thị trường, tin đồn và các thay đổi luật pháp - tất cả những điều thường thấy ở một thị trường chưa phát triển. Ngược lại, ở thị trường phát triển với nền kinh tế ổn định, mức độ nhạy cảm của nhà đầu tư với những vấn đề trên thường rất ôn hòa.

Dần dà, sự khởi đầu khiêm tốn của TTCK Việt Nam đã mang đến những thay đổi tốt đẹp. Thị trường đạt được nhiều mốc son như giá trị vốn hóa thị trường, số lượng doanh nghiệp niêm yết và khối lượng giao dịch… đều đạt những mức cao kỷ lục. Bây giờ, chúng ta đã có thể kiểm nghiệm được những dự đoán về triển vọng to lớn của TTCK Việt Nam vào năm 2000.

Đại đa số các nhà đầu tư đều nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển TTCK đến sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia. Thật sự là TTCK có ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của xã hội. Chúng ta có thể nhận thấy tầm ảnh hưởng của TTCK đến sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, ngân hàng, chứng khoán, đến lĩnh vực nghề nghiệp và kể cả sản xuất.

TTCK là một phần không thể thiếu của đổi mới kinh tế tại Việt Nam, giúp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ việc phát triển một cách nền tảng và hệ thống cho nền kinh tế. Khi kinh tế phát triển, số lượng việc làm sẽ tăng lên và chất lượng cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn - đây chính là nền tảng vững chắc cho tương lai.

Tuy nhiên, việc cho rằng tương lai sắp tới sẽ giống như quá khứ là một sai lầm. Tương lai của nền kinh tế và TTCK Việt Nam không phải là một bức tranh phản chiếu những những gì đã diễn ra trong quá khứ, mà sẽ được quyết định bởi sự quyết tâm phát triển kinh tế và TTCK của Việt Nam. Vì vậy, khi dự đoán 15 năm sắp tới của TTCK, chúng ta phải đặt câu hỏi: liệu TTCK sẽ thành công hay thất bại?

Sẽ là một điều phi thường nếu chúng ta có thể dự đoán tương lai của TTCK Việt Nam dựa trên cơ sở tính toán khoa học, ví dụ đong đếm xem TTCK sẽ phát triển ra sao dựa theo số liệu tăng trưởng GDP. Nhiều người đặt câu hỏi: nếu trong những năm tới, GDP được dự đoán sẽ tăng thì TTCK chắc chắn phát triển theo phải không? Đáng tiếc là không, vì vô số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không có bất kỳ chứng cứ nào cho thấy các số liệu kinh tế và TTCK sẽ phát triển theo tỷ lệ thuận.

Mấu chốt của vấn đề này là sự kỳ vọng vào mức độ tăng trưởng kinh tế. Khi các nhà đầu tư kỳ vọng Việt Nam sẽ giữ được mức tăng trưởng GDP, họ tin rằng, TTCK sẽ tốt đẹp theo. Chính sự lạc quan này mới quan trọng, chứ không phải là số liệu thực tế của GDP.

Cho dù nghiên cứu cho biết, không có sự tỷ lệ thuận giữa tăng trưởng GDP và TTCK, nhưng theo quán tính thì các nhà đầu tư vẫn cho rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến TTCK phát triển. Đương nhiên, điều này cũng dễ hiểu vì các nhà đầu tư cũng là người tiêu dùng và người lao động - họ chứng kiến trực tiếp những thay đổi của nền kinh tế như tiền lương và cơ hội nghề nghiệp.

Điều này sẽ dẫn đến sự phát triển của TTCK khi những người tiêu dùng kiêm nhà đầu tư này hào hứng với tương lai. Tâm lý tốt của người tiêu dùng sẽ dẫn đến niềm tin lớn hơn và tâm lý đầu tư lạc quan hơn. Vì thế, khi kinh tế phát triển, nhà đầu tư sẽ tự tin hơn khi đầu tư vào TTCK.

Như đã nói ở trên, suy nghĩ theo quán tính này không có cơ sở khoa học. Thế nhưng, không khó để nhận ra rằng, tâm lý người tiêu dùng và nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi GDP, vì nói cho cùng, GDP là một phần rất quan trọng của nền kinh tế.

Là tổng giá trị hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ được sản xuất bởi một quốc gia, đây là một dữ liệu rất tốt để dự đoán khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Chúng ta có thể kỳ vọng với xác suất cao rằng, GDP của Việt Nam sắp tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, như điều tương tự đã từng xảy ra tại Ấn Độ và Trung Quốc - điều này tựu trung sẽ là chất xúc tác cho TTCK Việt Nam phát triển.

Trong vòng 15 năm tới, các nhà đầu tư có thể kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập ổn định vào nền kinh tế thế giới, hệ thống ngân hàng đi vào quỹ đạo và xuất hiện các điều luật mới tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế thông qua nhiều hiệp định thương mại. Sự hội nhập này sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều hơn. Dự báo, sự phát triển và ổn định kinh tế sẽ dẫn đến khả năng VN-Index tăng 14 lần so với hiện tại và vượt mốc 8.500 điểm trong 15 năm tới.

Giải pháp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Để đảm bảo sự phát triển của TTCK Việt Nam và giúp các nhà đầu tư an tâm, thiết nghĩ, một số thay đổi nên được tiến hành. Danh sách các kiến nghị sau đây không bao gồm toàn bộ các thay đổi có thể xảy ra, vì chúng còn phụ thuộc vào sự phát triển liên tục của luật pháp về TTCK.

Thứ nhất, Nhà nước nên thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển, kể cả trái phiếu chính phủ lẫn trái phiếu doanh nghiệp. Việc phát triển một thị trường trái phiếu năng động sẽ giúp Việt Nam dễ dàng được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi của MSCI và tạo ra nhiều cơ hội vàng cho việc huy động vốn.

Có rất nhiều ngành công nghiệp ở Việt Nam cần lượng vốn lớn để hoạt động và mở rộng kinh doanh. Một thị trường trái phiếu năng động sẽ giúp các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn lớn, mà không phải tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Vì thế, đây nên được xem là một kênh huy động vốn bổ sung cho thị trường cổ phiếu.

Thứ hai, Nhà nước nên ủng hộ sự phát triển của các quỹ tín thác đầu tư bất động sản. Các quỹ này sẽ cung cấp vốn cho ngành bất động sản ở Việt Nam thay cho các ngân hàng. Các quỹ REIT (một dạng quỹ tín thác đầu tư bất động sản được niêm yết như một cổ phiếu trên sàn chứng khoán) cũng có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. REIT có thể được sửa đổi để phù hợp với quy định về sở hữu nhà đất ở Việt Nam.

Các phiên bản của REIT hiện đang tồn tại ở khắp nơi trên thế giới và được xem là một hình thức đầu tư ổn định vào bất động sản. Ngoài ra, REIT được niêm yết trên sàn chứng khoán, dẫn đến mức thanh khoản cao cho nhà đầu tư.

Thứ ba, Nhà nước nên có chính sách tiền tệ và lãi suất minh bạch. Mặc dù khó có thể tránh khỏi việc tỷ giá và lãi suất bị ảnh hưởng bởi các cú sốc kinh tế trên thế giới và trong nước, nhưng việc giảm thiểu những ảnh hưởng trên là cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài, vì quyết định đầu tư của họ phụ thuộc vào tỷ giá và môi trường lãi suất ổn định. Ngoài ra, chính sách tiền tệ ổn định sẽ giúp thị trường trái phiếu phát triển.

Thứ tư, trần sở hữu (room) cho khối ngoại nên được nới lỏng hơn, đặc biệt ở các ngành không mang tính chiến lược. Vì vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi, có thể Nhà nước sẽ phải chọn lọc các ngành để nới room từ từ. Nới room không chỉ giúp doanh nghiệp và TTCK thu hút vốn ngoại, còn còn giúp các doanh nghiệp niêm yết có nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư và định giá chính xác hơn giá trị thực của một doanh nghiệp niêm yết.

Thứ năm, Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp minh bạch hóa đến mức tối đa các vấn đề quản trị công ty, cổ tức, quan hệ nhà đầu tư và công bố thông tin. Việc thân thiện với nhà đầu tư sẽ giúp thu hút khối ngoại hơn, vì họ yêu cầu rất khắt khe trong vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Thứ sáu, Nhà nước nên xúc tiến các hiệp định thương mại quốc tế, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Hội nhập kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp nước ngoài.

TTCK - phần không thể thiếu của đổi mới kinh tế tại Việt Nam ảnh 2

Những thay đổi trên sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, giúp TTCK có một hình ảnh đẹp và tương lai xán lạn.

Rất khó để tranh cãi rằng, Việt Nam còn một chặng đường dài phía trước để phát triển kinh tế và TTCK. Thế nhưng, chặng đường này sẽ dễ dàng hơn 15 năm trước đây. Nếu chúng ta có thể dự đoán tương lai dựa vào quá khứ (dù điều này rất khó làm được), thì 15 năm sắp tới sẽ là quãng thời gian phát triển năng động của TTCK Việt Nam. Tương lai TTCK rất tươi sáng với sự hậu thuẫn đắc lực của Chính phủ. Một khi nhà đầu tư lạc quan với sự phát triển của thị trường, họ sẽ quyết tâm đầu tư và góp phần nâng cao chất lượng TTCK, thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế.

Tin bài liên quan