TTCK Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng

TTCK Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng

(ĐTCK-online) TTCK là hàn thử biểu đo sự "nóng lạnh" của nền kinh tế, tấm gương khổng lồ phản ánh các yếu tố kinh tế vĩ nên chỉ số chứng khoán luôn nhạy cảm trước các diễn biến về chính sách tiền tệ, tài khóa.

>> Dòng tiền trên TTCK quốc tế có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

 

Cuối năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ lan rộng và tác động tiêu cực tới nhiều nền kinh tế thế giới, Báo Đầu tư dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo: "Kinh tế Việt Nam trước thách thức của khủng hoảng kinh tế toàn cầu". Hai năm sau, bầu trời kinh tế thế giới dù chưa hết những đám mây đen, nhưng đã sáng sủa hơn. Nhằm đánh giá những thách thức và cơ hội của DN Việt Nam trong giai đoạn kinh tế phục hồi, ngày 9/9/2010, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo: "Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu".

Bên cạnh những chủ đề lớn được thảo luận, các nhân tố tác động và giải pháp để TTCK Việt Nam phát triển ổn định trong trung hạn cũng được các diễn giả thảo luận chi tiết.

 

Thách thức giai đoạn hậu khủng hoảng

NĐT trên TTCK Việt Nam đang trải qua những tháng lạ lùng nhất trong vài năm trở lại đây. Bất chấp các tín hiệu tích cực như tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế đang cao hơn kế hoạch, lạm phát có thể khống chế ở mức 8% vào cuối năm, nhưng TTCK vẫn tỏ ra thiếu động lực. Thị trường bất ngờ giảm mạnh trong tháng 8 sau khi đi ngang 7 tháng đầu năm, rồi phục hồi một phần trong những phiên giao dịch gần đây.

Giải mã các khó khăn của TTCK hiện tại, TS. Phạm Đỗ Chí đánh giá, tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam dần được cải thiện, nhưng thị trường tài chính đang bộc lộ một số bất ổn trong ngắn hạn. Cụ thể, đó là tình trạng cổ phiếu bị "pha loãng", cơ quan quản lý chậm trễ ban hành các cơ chế giao dịch mới mà NĐT kỳ vọng, vấn đề kỹ thuật nội bộ của hệ thống ngân hàng như việc tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, các quy định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN... Các nhân tố trên khiến dòng tiền trong nước chảy vào chứng khoán chững lại.

Bên cạnh đó, ông Chí đánh giá, dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn, bởi một số lý do: khủng hoảng tài chính thế giới khiến nguồn tiền cạn kiệt, nhất là từ các quỹ đầu cơ (hedge funds); rủi ro tỷ giá khiến giới đầu tư quan tâm đến TTCK các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam, lo ngại; sự tin tưởng vào các quỹ đầu tư trên TTCK nội địa giảm bớt, do trong năm 2009 và nửa đầu năm nay, các quỹ có thành tích kém xa so với VN-Index…

Ông Chí nhìn nhận một cách thận trọng về sự trồi sụt thất thường của các chỉ số chứng khoán chính gần đây, khi các số liệu thống kê về tình hình kinh tế thế giới phát đi các thông điệp tốt, xấu đan xen.

Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ông Nguyễn Đoan Hùng nhận xét, trước đây các DN Việt Nam thường sử dụng vốn sản xuất, kinh doanh vay từ ngân hàng là chủ yếu. Thời gian qua, do Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí vốn tăng cao nên nhiều DN huy động vốn qua TTCK. Bởi vậy, trên thị trường xuất hiện làn sóng niêm yết mới. Cộng với lượng cổ phiếu phát hành thêm gây áp lực cung vượt cầu. Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh, chọn kênh huy động vốn nào là quyền tự chủ của DN và phụ thuộc đặc thù, tính chất của nền kinh tế mỗi thời kỳ.

Bên cạnh các thách thức đến từ nội tại thị trường, theo ông Hùng, trong trung hạn, TTCK cũng gặp thách thức không nhỏ từ sự cạnh tranh bên ngoài do Việt Nam đã hội nhập sâu rộng. Đó là việc một số TTCK trong khu vực sắp sửa đi vào hoạt động; dự kiến trong vài năm tới, các nước ASEAN sẽ có TTCK chung và thực hiện việc niêm yết chéo. Khi đó, việc huy động vốn của các DN trong nước sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt là vốn từ bên ngoài.

Tựu chung, ông Hùng nhận diện những tác động giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với TTCK Việt Nam trên một số khía cạnh: (i) Thông qua tác động đến kinh tế vĩ mô gián tiếp tác động đến TTCK; (ii) Giá trị tài sản và giá cổ phiếu trên thế giới giảm đi nhanh chóng cũng làm cho tính hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam giảm đi; (iii) Các tổ chức tài chính quốc tế đang phải co cụm, điều chỉnh danh mục đầu tư, hạn chế đầu tư để kiểm soát rủi ro, đặc biệt các tổ chức có khó khăn về tài chính sẽ phải bán chứng khoán để củng cố lại; (iv) Diễn biến suy giảm mạnh trên thị trường tài chính quốc tế tác động mạnh đến tâm lý NĐT trên TTCK Việt Nam.

 

Giải pháp phát triển ổn định, bền vững

TTCK là hàn thử biểu đo sự "nóng lạnh" của nền kinh tế, tấm gương khổng lồ phản ánh các yếu tố kinh tế vĩ mô như tỷ giá, cán cân thanh toán quốc tế, thâm hụt thương mại… nên chỉ số chứng khoán luôn nhạy cảm trước các diễn biến về chính sách tiền tệ, tài khóa. Kiến nghị để ổn định kinh tế và TTCK, ông Chí cho rằng, mục tiêu và chính sách quản lý nên có sự nhất quán, đặc biệt là giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, chính sách thay đổi liên tục giữa các thái cực sẽ khiến DN bị động và TTCK không ổn định. Thời gian tới, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng lớn đến xu hướng TTCK.

Về điều này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa phát biểu tại hội thảo: trong 4 nhóm yếu tố cơ bản (tăng trưởng và lạm phát, lãi suất và thanh khoản ngân hàng, thị trường ngoại hối, chính sách tài khóa) thì rủi ro tài chính vĩ mô đáng kể nhất mà Việt Nam có thể gặp thách thức trong trung hạn là rủi ro tiền tệ, cụ thể là tỷ giá hối đoái. Ông Nghĩa cho biết, cơ quan giám sát tài chính đã thử bài "stresstest" với nhiều giả thiết và kịch bản khác nhau để kiểm tra "sức khỏe" nền kinh tế. Kết quả cho thấy, Việt Nam khó có thể xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Về sức ép về tỷ giá, theo ông Nghĩa, cơ quan quản lý sẽ có các điều chỉnh chính sách mềm dẻo dựa trên các yếu tố nền tảng.

Dù dự báo các chỉ số chứng khoán có thể lên xuống thất thường trong ngắn hạn, nhưng ông Nghĩa cho rằng, nhân tố tỷ giá sẽ không tác động tiêu cực tới thị trường vốn, khi Việt Nam đã có các biện pháp quản lý phòng vệ: tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài bị giới hạn, có công cụ kiểm soát dòng vốn vào và ra... Về các vấn đề ngắn hạn tác động đến TTCK, ông Nghĩa kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh lại hoặc thậm chí bãi bỏ điều 18, Thông tư 13.

Trên cương vị là cơ quan quản lý, giám sát trực tiếp thị trường, ông Hùng cho biết, UBCK sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường phát triển. Một trong các biện pháp quan trọng là yêu cầu các CTCK triển khai an toàn tài chính ngay trong thời gian tới theo thông lệ quốc tế nhằm bảo toàn vốn. TTCK Việt Nam chưa hoàn hảo, việc các CTCK quản lý được rủi ro thì mới có thể cung cấp các giải pháp mới cho thị trường như giao dịch ký quỹ, cho phép NĐT mở nhiều tài khoản, rút ngắn thời gian giao dịch... Bên cạnh đó, UBCK sẽ tăng cường giám sát, đặc biệt là việc công bố thông tin và báo cáo tài chính nhằm làm thị trường minh bạch hơn và chất lượng hàng hóa niêm yết tốt hơn, tạo nền tảng và tiền đề cho TTCK phát triển ổn định, bền vững.

TTCK Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng ảnh 1
Các diễn giả tham gia giao lưu tại cuộc hội thảo