Tự doanh: đi ngược thị trường và chiến thắng

Tự doanh: đi ngược thị trường và chiến thắng

(ĐTCK) Phiên giao dịch ngày 8/5/2014, chỉ số VN-Index giảm sốc 32,88 điểm, tương đương mức giảm 5,87%. Thị trường hoảng loạn, nhưng khối tự doanh các CTCK lại có một phiên mua vào ấn tượng. So sánh giá kết thúc phiên giao dịch ngày 21/5, thời điểm tự doanh tiếp tục bán ra, có vẻ như khối này đã có một đợt giao dịch khá thành công.

Đi ngược thị trường

Phiên giao dịch mở cửa tháng 5 (ngày 5/5/2014), dù thị trường đón nhiều thông tin tích cực từ vĩ mô đến vi mô, nhưng chỉ số VN-Index vẫn mất 13,15 điểm, giảm về mức 564,9 điểm. Đây cũng là phiên mở đầu cho đợt mua ròng của khối tự doanh các CTCK, với giá trị mua ròng còn khiêm tốn, đạt 13,6 tỷ đồng.

Vào 2 ngày tiếp theo, khi chỉ số VN-Index biến động không quá lớn, giao dịch khối ngày khá khiêm tốn, dù vẫn ở trạng thái mua ròng. Phiên ngày 8/5, khi thị trường trở nên hoảng loạn, hàng loạt mã chứng khoán giảm mạnh, thì cũng là lúc khối CTCK có phiên mua vào ấn tượng trên sàn HOSE: mua vào gần 10,5 triệu chứng khoán, trị giá 258,03 tỷ đồng; trong khi chỉ bán ra 1,15 triệu chứng khoán, trị giá 36,11 tỷ đồng. Với kết quả giao dịch này, khối CTCK đã mua ròng 221,99 tỷ đồng.

Thống kê từ đầu tháng 5 cho thấy, phiên giảm mạnh nhất của VN-Index cũng là phiên mua vào mạnh nhất của khối tự doanh. Còn khi thị trường có xu hướng tăng mạnh trở lại, khối này bắt đầu bán ròng. 3 phiên giao dịch gần đây (từ 19 - 21/5), khi chỉ số VN-Index đã tăng từ 3-5% so với mức đóng cửa của ngày 13/5, khối này bán ròng tổng cộng hơn 80 tỷ đồng.

Sự mạo hiểm có tính toán

Thống kê của CTCK Tân Việt (TVSI) cho thấy, hơn 400 mã chứng khoán trên tổng số gần 700 mã chứng khoán (tính toàn thị trường) có mức giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/5 tăng so với mức giá đóng cửa ngày 8/5. Cần nói thêm là, phiên giao dịch ngày 8/5 dù là phiên mua vào ấn tượng của khối các CTCK, nhưng không phải là phiên duy nhất khối này mua ròng. Trong các ngày giao dịch tiếp theo, nhiều mã chứng khoán vẫn giảm giá, thậm chí giảm mạnh sau đó rồi mới tăng giá trở lại.

Trong khoảng thời gian này, có những mã đã tăng giá tới trên 30% tính từ đầu tháng 5 đến hết ngày 21/5 như: ORS (35,71%), VIG (32,43%), IDJ (31,58%) hoặc một số mã tăng lớn khác như: SSC (29,41%), SEC (25%), POT (19,61%), OGC (18,28%), HQC (16,39%)… Các mã có thanh khoản tốt như: PVX, FLC, KLS, VCG, SSI, HCM, REE… đều tăng giá.

Thống kê trên cho thấy, xác suất thành công của các CTCK trong giao dịch mua vào cổ phiếu những ngày đầu tháng 5 là rất lớn. Thậm chí, nếu lựa chọn thời điểm mua vào tốt, có những khoản đầu tư đã tăng giá tới gần 40%% như cổ phiếu FLC giảm về mức 7.500 đồng/CP ngày 13/5 và hết ngày 21/5 cũng tăng lên mức 10.100 đồng/CP…

Tất nhiên, thị trường vẫn có những mã tiếp tục giảm sâu trong khoảng thời gian tính từ đầu tháng 5 đến nay, như GGG, PSG, NVC, PVA, VHH, VSI… Nhưng đây đều là những DN có kết quả kinh doanh bết bát.

Đừng để tâm lý đám đông dẫn dắt

Chuỗi ngày giảm giá của TTCK Việt Nam cũng đồng thời chứng kiến sự mua vào quyết liệt của NĐT ngoại, ở rất nhiều mã chứng khoán khác nhau.

Khó có thể giải thích được lý do vì sao NĐT lại sẵn sàng đặt lệnh bán cổ phiếu KLS ở mức 8.200 đồng/CP, trong khi số dư tiền trên mỗi cổ phiếu của KLS thời điểm 31/3/2014 cũng lên tới 11.978 đồng và Công ty không có nghĩa vụ vay nợ. Sự e ngại về tình hình biển Đông có thể kéo NĐT vào những quyết định vội vàng, mà quên đi yếu tố cơ bản của DN.

Chính vì thế, tình trạng tranh nhau bán, chen nhau mua luôn diễn ra trên TTCK Việt Nam, dù có thể 2 trạng thái đối ngược này diễn ra chỉ trong 2 phiên liên tiếp mà DN không có thay đổi nào.

Và cũng vì thế, câu chuyện nhóm CTCK đi ngược đám đông, mà điển hình là sự lên tiếng của SSI ngày 8/5 đã một lần nữa cho thấy, quyết định đầu tư theo tâm lý đám đông luôn khiến thị trường rơi vào trạng thái quá đà, nhưng cũng thể hiện một điều: các CTCK đã dần thể hiện được vai trò dẫn dắt thị trường, với bản lĩnh của NĐT chuyên nghiệp.

Tin bài liên quan