Tư lệnh ngành giao thông ủng hộ lập Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông luôn là vấn đề lớn, vì vậy bộ này ủng hộ việc lập Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn TP. Hà Nội) cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, để tiếp sức cho các nhà đầu tư nhân có thể tham gia vào các hợp đồng đối tác công tư với nhà nước, Chính phủ các nước thường thành lập một quỹ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để huy động nguồn vốn từ xã hội và nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để cho các nhà đầu tư nhân vay để tham gia vào các dự án đối tác công tư.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc triển khai vấn đề này như nào ? Bên cạnh đó, hiện nay trong đối tác công tư còn một hình thức khai thác và bảo trì các dự án giao thông. Đây là loại hình thức hỗ trợ cho đầu tư nhân có hiệu quả để tham gia cùng Nhà nước. Hiện nay chưa có khung pháp lý về vấn đề này, do đó, đại biểu mong muốn biết sự chuẩn bị của Bộ về vấn đề này ?

Tiếp thu ý kiến chất vấn của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng đã được Thủ tướng giao cho các bộ, ngành nghiên cứu. Quan điểm của ngành là mong muốn sẽ hình thành quỹ trong đó vốn nhà nước, các nhà hảo tâm, trong đó có cơ chế về lãi suất tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng.

Về việc khai thác bảo trì các dự án giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện luật chưa quy định đối với việc đấu thầu bảo trì theo hình thức hợp đồng O&M (hợp đồng kinh doanh - quản lý). Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT đồng tình với đề xuất của đại biểu Vũ Tiến Lộc về việc áp dụng hình thức O&M vào vận hành các dự án giao thông, cho rằng, khi xây dựng xong các tuyến đường và thực hiện đấu thầu, giao cho các cơ quan tư nhân hoặc các doanh nghiệp quản lý, giám sát sẽ tốt hơn, đặc biệt là thu hút được nhiều nguồn lực, trong đó có vốn và nguồn nhân lực trong quá trình duy tu, bảo quản.

“Vấn đề này tuy mới nhưng hiệu quả, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu thêm và sớm báo các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Được biết, đối với lĩnh vực giao thông - vận tải, chỉ tính riêng phần Bộ Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm đầu tư thì nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2030 ước khoảng 1,98 triệu tỷ đồng, trong đó NSNN cần bố trí khoảng 1,316 triệu tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách nhà nước khoảng 664 nghìn tỷ đồng.

Tính riêng giao thông đường bộ, theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 mục tiêu hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ, tổng chiều dài gần 29.800 km. Đường bộ ven biển qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài khoảng 3.034 km, quy mô 2 - 4 làn xe, hướng tuyến các đoạn không đi trùng các quốc lộ, cao tốc được quyết định trong quy hoạch tỉnh.

Để thực hiện các mục tiêu theo quy hoạch, Bộ Giao thông - Vận tải tính toán nhu cầu vốn đầu tư đường bộ đến năm 2030 khoảng 900 nghìn tỷ đồng.

“Việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư để tránh phụ thuộc vào vốn ngân sách nhà nước và vốn tín dụng ngân hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của ngành giao thông - vận tải”, Bộ trưởng Thể cho biết.

Tin bài liên quan