Hoạt động của HEC gặp nhiều khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh.

Hoạt động của HEC gặp nhiều khó khăn vì thiên tai, dịch bệnh.

Tư vấn và Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam (HEJ): Kỳ vọng thoái vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá và thanh khoản cổ phiếu HEJ của Tổng công ty Tư vấn và Xây dựng Thuỷ lợi Việt Nam - CTCP (HEC Corp) tăng mạnh trước thềm cổ đông lớn SCIC thoái toàn bộ 49% cổ phần.

Giá khởi điểm cao gấp rưỡi đợt thoái vốn đầu năm 2020

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bán đấu giá trọn lô 2,156 triệu cổ phiếu, chiếm 49% vốn cổ phần tại HEC Corp với giá khởi điểm gần 86,9 tỷ đồng, tương đương 40.300 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 30/12/2021, bước giá là 200 triệu đồng/lô cổ phần.

Trước khi thông báo thoái vốn của SCIC được đăng tải trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội chiều 3/12/2021, giá cổ phiếu HEJ trên sàn chứng khoán liên tục tăng, đạt đỉnh hơn 42.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 1/12/2021, nâng mức tăng sau 5 tháng lên gấp đôi. Trong tuần qua, cổ phiếu này dao động quanh ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu.

Đợt thoái vốn của SCIC tại HEC ngày 30/12/2021 có giá khởi điểm 40.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều mức giá thoái vốn đầu năm 2020 là 26.700 đồng/cổ phiếu, trong khi kết quả kinh năm 2020 tiếp tục sụt giảm.

Được biết, ngày 14/1/2020, SCIC tổ chức bán đấu giá trọn lô 49% cổ phần tại HEC Corp với giá khởi điểm 26.700 đồng/cổ phiếu.

Có 4 nhà đầu tư tổ chức và 9 cá nhân đăng ký tham gia, kết quả một nhà đầu tư cá nhân đấu giá thành công trọn lô với giá 86.100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, SCIC vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu 49% tại HEC Corp. Lý do được đồn đoán là nhà đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền mua cổ phần (hạn cuối là 20/1/2020).

Động thái thoái vốn của SCIC khi đó giúp giá cổ phiếu HEJ trên sàn tăng từ dưới 19.000 đồng/cổ phiếu ngày 6/11/2020 lên trên 27.000 đồng/cổ phiếu ngày 15/1/2020, nhưng sau đó giảm trở lại.

Lợi nhuận 2019 - 2020 sụt giảm, năm 2021 chưa rõ HEC Corp tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa ngày 15/10/2007, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 16/6/2008, với vốn điều lệ 44 tỷ đồng, trụ sở tại phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội.

Công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM ngày 14/8/2017, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 9.000 đồng/cổ phiếu.

Hoạt động chính của HEC Corp là tư vấn, thiết kế, giám sát các công trình xây dựng thủy điện, thủy lợi. Doanh nghiệp có 2 công ty con và 3 công ty liên kết, trong đó, hai công ty con là Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi 3 (Quảng Ngãi) và Công ty cổ phần Tư vấn Khảo sát và xây dựng số 4 (Khánh Hòa), HEC Corp sở hữu lần lượt 58,76% và 50,65%. Tổng vốn đầu tư tại cả 5 công ty là gần 7,6 tỷ đồng.

HEC Corp đăng ký giao dịch trên

UPCoM, không có nghĩa vụ công bố báo tài chính hàng quý, nên nhà đầu tư không biết tình hình kinh doanh năm 2021 ra sao. Kết quả kinh doanh 2 năm trước đó cho thấy, Công ty đang đi lùi. Cụ thể, doanh thu năm 2018 đạt 231 tỷ đồng, năm 2019 giảm xuống 184 tỷ đồng và năm 2020 giảm còn 101,1 tỷ đồng.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2018 - 2020 lần lượt là 12,6 tỷ đồng, 7,5 tỷ đồng và 4,4 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2020 là 7,5%/năm (ngày giao dịch không hưởng quyền hưởng cổ tức là 14/12/2021).

Tính đến cuối năm 2020, HEC Corp có tổng tài sản 195,8 tỷ đồng, nhưng có nợ phải trả 118,4 tỷ đồng (gồm vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 25,8 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn 23,2 tỷ đồng, phải trả người bán ngắn hạn 22,4 tỷ đồng, phải trả người lao động 15,7 tỷ đồng...).

Đáng lưu ý, trong báo cáo tài chính năm 2019 và 2020, đơn vị kiểm toán đưa ra yếu tố ngoại trừ với HEC Corp. Theo Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (AASC), tại thời điểm 31/12/2019, HEC Corp chưa đối chiếu, xác nhận đầy đủ công nợ phải thu khách hàng là 9,5 tỷ đồng và phải trả người bán ngắn hạn là 2,6 tỷ đồng, dẫn đến việc kiểm toán phải đưa ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019.

Năm 2020, vấn đề này chưa được HEC Corp khắc phục triệt để, các khoản phải thu khách hàng, tạm ứng và phải trả người bán ngắn hạn chưa đối chiếu, xác nhận tại ngày 31/12/2020 lần lượt là 19,5 tỷ đồng, 1,8 tỷ đồng và 8,2 tỷ đồng.

AASC đã thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán cần thiết nhưng vẫn không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp để có thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu đó hay không.

HEC Corp trình bày tại thuyết minh số 5 - thuyết minh báo cáo tài chính tại ngày 31/12/2020, một số khoản phải thu đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng với số tiền là 6,6 tỷ đồng, nhưng đặc thù hoạt động của Công ty là tư vấn, thiết kế, giám sát các công trình xây dựng thuỷ điện, thuỷ lợi thuộc các tỉnh, các công trình công ty thực hiện thường có thời gian thanh quyết toán kéo dài với chủ đầu tư nên Ban Tổng giám đốc Công ty đánh giá, các khoản công nợ trên vẫn có khả năng thu hồi khi quyết toán.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 tương đương năm 2020

Năm 2021, Hội nghị người lao động HEC Corp căn cứ tình hình thực thế khó khăn đã xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 60 tỷ đồng.

Tuy nhiên, SCIC là cổ đông nắm giữ 49% vốn điều lệ HEC Corp yêu cầu chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm theo quy định của Nhà nước, nên HEC Corp đặt kế hoạch doanh thu 102 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4,7 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 8%.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh năm 2021 có nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá cổ phiếu HEJ đi ngang trong vùng 20.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu kể từ đầu năm cho đến giữa tháng 8, với thanh khoản thấp, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch, dù thị trường chứng khoán khởi sắc.

Theo thông tin từ các báo cáo tài chính của HEC Corp, hầu hết công trình mà Công ty tham gia thực hiện có vốn đầu tư từ ngân sách nên việc thanh quyết toán rất chậm. Các dự án lớn phải trên 10 năm mới hoàn thành việc thanh quyết toán.

Một số công trình có chủ đầu tư là công ty cổ phần gặp phải tình trạng thu hồi nợ khó khăn, việc thanh toán không đúng tiến độ hợp đồng, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền và kế hoạch đầu tư của Công ty. Cùng với đó, HEC Corp gặp áp lực lớn về cạnh tranh.

Mặc dù vậy, HEC Corp đặt mục tiêu là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn, khảo sát, thiết kế các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, cải tạo nguồn nước tại Việt Nam, nhà thầu tư vấn với đầy đủ năng lực đấu thầu quốc tế, đồng thời tiến tới đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh để cải thiện doanh thu.

Trong chiến lược phát triển trung và dài hạn, HEC Corp sẽ tham gia thực hiện các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ và ODA giao cho các địa phương quản lý; mở rộng thị trường vùng Đông Nam Bộ, các công trình phục vụ tiêu, chống ngập cho các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM; đầu tư các phần mềm tính toán, đào tạo cán bộ để tiếp cận được các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, các dự án thuộc nguồn vốn phòng chống thiên tai.

Tin bài liên quan