NĐT thường dựa vào bản báo cáo tài chính được kiểm toán của các DN làm cơ sở tin cậy đẻ đưa ra các quyết định đầu tư của mình.

NĐT thường dựa vào bản báo cáo tài chính được kiểm toán của các DN làm cơ sở tin cậy đẻ đưa ra các quyết định đầu tư của mình.

Tuân thủ chuẩn mực kế toán: Tuỳ tâm doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Tuân thủ các chuẩn mực kế toán tài chính là một trong những yêu cầu quan trọng để có những thông tin trung thực giúp cho các công ty kiểm toán (CTKT) có báo cáo kiểm toán chất lượng. NĐT có thể căn cứ vào các thông tin đó để ra quyết định đầu tư. Vậy nhưng việc tuân thủ các tiêu chí, chuẩn mực này hiện nay còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm, xét trên cả hai đối tượng là CTKT và DN được kiểm toán.

Dịch vụ và tiêu chuẩn

Phó tổng giám đốc CTKT Pricewaterhouse Cooper (PWC) Việt Nam, bà Nguyễn Phi Lan kể lại chuyện, có DN đến PWC đặt hàng kiểm toán với điều kiện làm thế nào để DN này đủ tiêu chuẩn  niêm yết. Sau khi xem xét sơ bộ, PWC đã từ chối  kiểm toán. Tuy nhiên, sau đó DN này đã tìm đến CTKT khác và đạt được mục đích niêm yết CP trên TTCK. "Những câu chuyện này khiến NĐT cả trong và ngoài nước mất niềm tin vào các báo cáo kiểm toán của DN trong nước".

Sở dĩ PWC không thực hiện kiểm toán DN trên là do đơn vị này không thực hiện đầy đủ các chuẩn mực kế toán Việt Nam . "Các chuẩn mực cho phép áp dụng theo nhiều cách nhưng điều quan trọng là họ không giải thích rõ việc áp dụng chuẩn mực nào, gây hiểu lầm cho NĐT. Về tổng thể, chúng tôi thấy DN đó không đủ điều kiện niêm yết nên không kiểm toán", bà Lan nói và cho rằng, Luật Chứng khoán cần bổ sung những quy định để hạn chế những báo cáo kiểm toán kém tin cậy.

Trên thực tế hiện nay, việc các DN thực hiện các báo cáo kiểm toán chủ yếu nhằm đáp ứng quy định của pháp luật về công bố thông tin chứ chưa phải là nhu cầu tự thân. Điều này một phần do sự tuân thủ các chuẩn mực kế toán chưa đầy đủ của DN. Do đó, chất lượng các báo cáo kiểm toán vẫn là dấu hỏi lớn, khi không ít DN chỉ thực hiện với tư tưởng đối phó. "Nếu nói việc kiểm toán là khám bệnh cho DN thì hiện nay không có nhiều DN muốn biết và chữa bệnh của mình", một kiểm toán viên nói một cách hình ảnh.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) lại cho rằng, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các CTKT dẫn đến việc dễ dãi chấp nhận đề nghị của DN. Việc đưa ra các ý kiến ngoại trừ chính là cách thỏa hiệp với DN nhằm thông qua báo cáo tài chính kiểm toán. Và để xảy ra tình trạng trên có một phần lý do của việc không tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực kế toán. 

 

Vì sao?

Ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, hiện Việt Nam đã công bố 26 trong tổng số 36 chuẩn mực kế toán. Tuy nhiên, ông  Mai cũng thừa nhận một thực tế, bản thân nhiều người làm kế toán cũng chưa hiểu hết những chuẩn mực kể trên. Điều này là do những chuẩn mực được ban hành hiện nay đáp ứng điều kiện kinh tế thị trường, trong khi trình độ của các kế toán và kiểm toán viên chưa kịp cập nhật. Bên cạnh đó, phải kể đến trình độ của nhiều lãnh đạo DN chưa sâu sát về tài chính, thiếu hiểu biết về kế toán. Những lý do trên khiến không ít DN không tuân thủ chuẩn mực kế toán.

Theo một chuyên gia tài chính, sở dĩ diễn ra tình trạng kể trên  là do không có lợi ích lớn giữa việc DN tuân thủ và không tuân thủ các chuẩn mực. Chính vì thế, DN cũng chẳng dại gì tuân thủ nếu điều đó không mang lại lợi ích thậm chí gây phiền toái cho họ. Ở nước ngoài, việc tuân thủ chuẩn mực được đánh giá rất cao về uy tín, bởi nếu không tuân thủ DN sẽ gặp phản ứng dữ dội của giới đầu tư.

Tại Việt Nam , trong Luật Kế toán cũng không quy định bắt buộc các DN phải tuân thủ chuẩn mực kế toán như thế nào và các hình thức xử lý ra sao nếu không tuân thủ. Chính vì thế, có sự khác nhau trong việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán của các DN.

Như vậy, làm thế nào NĐT có thể đọc được những thông tin trung thực trong các báo cáo tài chính của DN?

Phát biểu trên VTV mới đây, ông Ian Lydall, Tổng giám đốc PWC Việt Nam cho rằng, nếu một DN muốn thay đổi con số trong báo cáo tài chính thì rất khó để CTKT phát hiện ra vì họ có rất nhiều cách để che dấu những gian lận. Các vấn đề sai sót hoặc nhầm lẫn thường nảy sinh do sự mập mờ  trong việc quy định rõ việc bản báo cáo tài chính đó áp dụng theo chế độ kế toán nào, thời điểm để tính toán các khoản, tính cái gì và cái gì chưa tính, những điểm loại trừ… Vì chỉ cần có cách tiếp cận và tiêu chí, thời gian khác nhau thì kết quả kiểm toán sẽ khác nhau.

Về phía Bộ Tài chính, ông Mai nhận định, hiện nay các chuẩn mực, quy định về kế toán, về thuế là tương đối rõ ràng, đầy đủ, nhưng việc thực hiện, vận dụng khác nhau phụ thuộc vào quan điểm và lợi ích của của từng DN. Quan niệm về kinh doanh lỗ hay lãi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dựa trên cơ sở này có thể là lãi nhưng cơ sở khác lại là lỗ. Do đó, việc công khai giải trình số liệu, báo cáo thuyết minh (số liệu được lập theo cơ sở này, cơ sở kia…) ý kiến của kiểm toán viên là những vấn đề hết sức quan trọng mà NĐT cần quan tâm.