Tuyên bố "không tự doanh" gây sốc của Maybank Kim Eng

Tuyên bố "không tự doanh" gây sốc của Maybank Kim Eng

(ĐTCK) “Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của TTCK Việt Nam và có mặt ở đây với tư cách CTCK 100% vốn nước ngoài đầu tiên để tham gia vào việc phát triển thị trường trong dài hạn. Tuy nhiên, chúng tôi kiên định với chủ trương không thực hiện tự doanh, mà tập trung nâng cao chất lượng môi giới”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Thiên Trúc, Tổng giám đốc CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) trong cuộc trao đổi với ĐTCK.

Sau khi trở thành CTCK 100% vốn đầu tư nước ngoài, MBKE có thay đổi gì về mặt chiến lược phát triển hay không?

Chúng tôi sẽ sớm tăng vốn, do hiện tại vốn của MBKE đang ở mức thấp nhất so với các CTCK nằm trong Top 10, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh hoạt động môi giới và bảo lãnh phát hành. Trên thực tế, kế hoạch tăng vốn lên 600 tỷ đồng đã được Đại hội đồng cổ đông MBKE thông qua và các thủ tục cần thiết cho việc tăng vốn đang được hoàn tất.

MBKE không thực hiện tự doanh, mà tập trung vào hoạt động môi giới, nên việc tăng vốn sẽ giúp chúng tôi phát triển tốt hơn mảng này. Trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ chưa đẩy mạnh cho vay ký quỹ (margin). Kinh nghiệm cho thấy, nhiều CTCK đã mất tiền vào hoạt động margin, kể cả công ty được hỗ trợ từ ngân hàng mẹ.

Ngoài ra, nhờ có sự hỗ trợ của Maybank nên chúng tôi đã cải thiện đáng kể mảng ngân hàng đầu tư, nâng cao năng lực và khả năng hỗ trợ quản lý tài chính cho khách hàng. MBKE hiện được trang bị tốt hơn để cạnh tranh trên thị trường vốn và chúng tôi đặt mục tiêu tăng mạnh doanh thu từ mảng ngân hàng đầu tư.

MBKE đánh giá như thế nào về tiềm năng TTCK Việt Nam?

Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của TTCK Việt Nam, chúng tôi muốn có mặt ở đây với tư cách CTCK 100% vốn nước ngoài để tham gia vào việc phát triển thị trường trong dài hạn

Bất kỳ thị trường nào cũng luôn có sự hiện diện của cả khó khăn và cơ hội. MBKE cũng gặp nhiều khó khăn ở các thị trường khác, nhưng đã tận dụng được cơ hội để phát triển. Với TTCK Việt Nam, MBKE nhìn thấy cơ hội phát triển, đặc biệt có tiềm năng trở thành thị trường lớn trong khu vực. Hiện TTCK Việt Nam còn non trẻ, chưa phát triển đầy đủ, vì vậy có cơ hội để phát triển các sản phẩm mới, thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều công ty lớn chưa niêm yết, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường còn hạn chế, nên triển vọng gia tăng hàng hóa chất lượng cao, gia tăng số lượng nhà đầu tư trong tương lai là rất lớn.

Trong khi đó, chúng tôi dự báo, tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết đạt 10% trong năm 2013 nhờ lãi suất giảm và nhu cầu trong nước tăng nhẹ. Mức tăng trưởng lợi nhuận này được coi là khá hấp dẫn khi chỉ số P/E bình quân của thị trường chỉ khoảng 10,3 lần.

Theo ông, những ngành nghề, lĩnh vực nào sẽ có sức hấp dẫn nhiều hơn?

Trong khi thị trường bất động sản chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét và ngành ngân hàng vẫn còn đang đau đầu với bài toán nợ xấu, thì những ngành gắn liền với nhu cầu thiết yếu sẽ duy trì được lợi nhuận, ổn định được lợi thế khi nền kinh tế phục hồi và thu hút được luồng tiền đầu tư.

Những ngành mà sức cầu ít bị ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế không thuận lợi sẽ duy trì được đà tăng trưởng tốt như thực phẩm, y tế, hàng tiêu dùng thiết yếu...

Rất nhiều CTCK phát triển mảng tự doanh song song với cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Với nhận định TTCK có nhiều triển vọng như trên, liệu MBKE có ý định triển khai thêm mảng tự doanh?

Chúng tôi kiên định với chủ trương không thực hiện tự doanh, mà tập trung chuẩn hóa quy trình dịch vụ, phát triển các sản phẩm về công nghệ, hoàn thiện cơ chế quản ý rủi ro để tạo nền tảng khi thị trường tốt trở lại, MBKE có thể phục vụ tốt nhất cho khách hàng và gia tăng thị phần. 

Với kinh nghiệm của mình ở các thị trường nước ngoài, theo MBKE, Việt Nam cần làm gì để thu hút vốn ngoại vào TTCK?

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào việc Chính phủ cho phép nới “room”. Tôi tin rằng, khi giới hạn sở hữu trên TTCK được nâng lên, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia đầu tư vào thị trường nhiều hơn và có thể có làn sóng đầu tư gián tiếp vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% vốn tại CTCK thể hiện cam kết của Chính phủ đối với tiến trình hội nhập, thực hiện các cam kết WTO. Điều này cũng gửi đi một thông điệp tích cực đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư có ý định đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Một minh chứng rất cụ thể là MBKE đã tổ chức thành công nhiều đoàn khách nước ngoài, trong đó có đoàn nhà đầu tư Thái Lan qua tìm hiểu về TTCK Việt Nam trong tháng 9/2013. Các nhà đầu tư Thái Lan cho rằng, P/E của TTCK Việt Nam thấp hơn thị trường nước họ, đồng thời thông tin về nới “room” khiến họ muốn sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Tin bài liên quan