Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được kéo dài thêm 90 km

0:00 / 0:00
0:00
Nếu được cấp có thẩm quyền cho phép điều chỉnh, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, chiều dài khoảng 2.153 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe.

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong dự thảo điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ GTVT xin ý kiến các đơn vị trực thuộc.

Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, chiều dài khoảng 2.153 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe.

Trước đó, tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam đã được quy hoạch từ cửa khẩu Hữu Nghị đến TP. Cà Mau kéo dài từ Bắc đến Nam.

Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn lập báo cáo điều chỉnh quy hoạch (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT – TEDI), đoạn từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi chưa có quy hoạch cao tốc dù cũng đã từng được xem xét theo ý kiến của UBND tỉnh Cà Mau và một số cơ quan liên quan. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu và nguồn lực chưa đưa đoạn tuyến vào quy hoạch.

Để đảm bảo nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông huyết mạch của đất nước từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Đất Mũi là cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Dự báo lưu lượng đến năm 2030 trên đoạn từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi khoảng 18.300 - 20.100 PCU/ngày đêm do vậy cần thiết hình thành tuyến đường cao tốc 4 làn xe đảm bảo đồng bộ đoạn tuyến Cần Thơ - Cà Mau.

Theo tính toán, tổng chiều dài đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn từ TP. Cà Mau đến huyện Ngọc Hiển là 90 km, được quy hoạch theo quy mô 4 làn xe; tiến trình đầu tư trước năm 2030 hoặc sau năm 2030.

TEDI cho biết, việc quy hoạch kéo dài quy hoạch tuyến cao tốc đến Mũi Cà Mau gắn liền với Quy hoạch tỉnh Cà Mau với một số đặc điểm phát triển đặc trưng của tỉnh dọc theo tuyến như sau: gắn với nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển của tỉnh là phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn; góp phần hình thành và phát triển hành lang kinh tế theo hướng Bắc - Nam (TP. Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Đất Mũi) và cực tăng trưởng Năm Căn, Đất Mũi; phục vụ nhu cầu phát triển khu công nghiệp trong Khu kinh tế Năm Căn.

Tuyến đường còn tạo bước đột phá, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết với Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau gắn với bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đồng thời liên kết chặt chẽ với các khu, điểm du lịch khác trong vùng.

Với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, dự thảo đề xuất bổ sung vào quy hoạch tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum dài 136 km, 4 làn xe. Đây là tuyến cao tốc thứ 11 của khu vực, có điểm đầu tại huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) điểm cuối tại TP. Kon Tum. Tuyến cao tốc này được đề xuất đầu tư trước năm 2030.

Ngoài ra dự thảo điều chỉnh quy hoạch đề xuất đầu tư sớm, tăng số làn xe, điều chỉnh chiều dài 5 tuyến cao tốc phía Bắc, 3 tuyến cao tốc qua miền Trung - Tây Nguyên và 5 tuyến cao tốc phía Nam.

Với đề xuất điều chỉnh như trên, hệ thống đường cao tốc cả nước sẽ có 42 tuyến (tăng thêm 1 tuyến Quảng Ngãi - Kon Tum), tổng chiều dài 9.263 km (hiện quy hoạch 9.014 km).

Tin bài liên quan