Tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do đã dần kéo sát lại với tỷ giá niêm yết trong các ngân hàng.

Tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do đã dần kéo sát lại với tỷ giá niêm yết trong các ngân hàng.

Tỷ giá trong xu hướng ổn định

(ĐTCK-online) Ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông tin khẳng định, sẽ không điều chỉnh giảm giá VND 4% so với USD như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin. Theo NHNN, đây là thông tin thất thiệt không có cơ sở, gây tâm lý hoang mang trên thị trường. NHNN cho biết, từ cuối tháng 3/2010 đến nay, thị trường ngoại hối đã đi vào hoạt động ổn định, cung ngoại tệ tương đối dồi dào, các nhu cầu hợp lệ về ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp đã được đáp ứng đầy đủ.

Cũng theo NHNN, thời gian qua các ngân hàng luôn duy trì trạng thái ngoại hối dương (tức là doanh số mua ngoại tệ cao hơn doanh số bán ngoại tệ). Đồng thời, nhà băng không những mua được ngoại tệ đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho khách hàng của mình, mà còn dư thừa để bán lại cho NHNN. Tính từ giữa tháng 4 đến nay, NHNN đã mua từ các tổ chức tín dụng hơn 1 tỷ USD để tăng dự trữ của NHNN.

Trên thực tế, trong 4 tháng đầu năm, tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do đã dần kéo sát lại với tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại và thậm chí có lúc còn thấp hơn tỷ giá chính thức, xoay quanh mức 19.000 VND/USD. Trong chiều ngày 12/5/2010, tỷ giá trên thị trên thị trường tự do có biến động nhẹ, song đã nhanh chóng dịu lại sau đó. Tỷ giá hối đoái giao dịch trên thị trường tự do trong ngày 13/5 chỉ dao động trong khoảng 19.018 - 19.075 VND/USD (mua - bán), giảm nhẹ so với trước đó.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, với diễn biến thị trường hiện nay và cung - cầu ngoại tệ dần được cân bằng, tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định. Mặt khác, một khi tăng trưởng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ liên tục được cải thiện, cung ngoại tệ của ngân hàng cũng dần tăng cường, vì doanh nghiệp sẽ bán ngoại tệ để lấy tiền đồng. Người gửi tiền cũng muốn chọn VND, do lãi suất cao hơn ngoại tệ.

PGS TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP. HCM, đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, tỷ giá biến động nhẹ trong những ngày gần đây chủ yếu do tâm lý bị tác động từ các phản ứng tin đồn, bởi thị trường rất nhạy cảm với các thông tin kiểu này. Theo ông Ngân, xét về mặt tổng thể, tỷ giá hối đoái ổn định từ đầu năm 2010 đến nay. Đồng thời, cung - cầu ngoại tệ không còn căng thẳng.

4 tháng đầu năm 2010, nhập siêu của Việt Nam khoảng 4,6 tỷ USD, song tỷ trọng nhập siêu này chủ yếu do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhập khẩu máy móc, thiết bị về Việt Nam khiến nhập siêu tăng. Trong khi đó, giải ngân đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2010 đạt 3,6 tỷ USD. Cùng với vốn ODA (khoảng 1 tỷ USD), kiều hối chuyển về Việt Nam đạt trên 2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2010, cung, cầu ngoại tệ trở nên cân bằng. Mặt khác, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong thời gian qua, do lãi suất tiền đồng lên cao hơn nhiều so với ngoại tệ nên việc doanh nghiệp "găm" USD không có lợi hơn tiền đồng. Vì thế, các doanh nghiệp đã chuyển đổi sang tiền đồng và gia tăng vay vốn bằng USD.

"Nếu không có sự can thiệp, tỷ giá trong thời gian qua còn có thể giảm thêm. Thực tế, tỷ giá trên thị trường tự do gần đây đã có nhiều thời điểm thấp hơn tỷ giá niêm yết của ngân hàng", ông Ngân nói và cho rằng, sự can thiệp của NHNN về tỷ giá là để hỗ trợ xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu, việc giữ tỷ giá ổn định thời gian qua cũng như hiện nay là cần thiết để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 8%. 

Sự tăng trưởng của tín dụng ngoại tệ trong 4 tháng đầu năm làm nhiều người liên tưởng đến việc dư nợ USD nóng sẽ tạo áp lực cho tỷ giá trong những tháng cuối năm, khi các hợp đồng tín dụng bằng USD đến thời điểm đáo hạn. Song theo ông Ngân, doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ sẽ phải tính toán kỹ trước khi có ý định sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ, đồng thời họ phải chứng minh nguồn thu bằng USD thì ngân hàng mới đáp ứng vốn. Các doanh nghiệp sẽ so sánh chi phí khi sử dụng vốn vay bằng tiền đồng hoặc ngoại tệ để cân nhắc thiệt hơn.

Hiện tại, vay USD áp lực lãi suất thấp hơn VND nên nhu cầu vay ngoại tệ tăng. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho cung ngoại tệ. Vì khi vay USD, doanh nghiệp sẽ bán lại cho ngân hàng để lấy tiền đồng. Cung ngoại tệ từ đó sẽ dần được bổ sung và USD vẫn nằm ở ngân hàng, đồng thời tác động tích cực lên tỷ giá trong thời gian tới.

Trong bối cảnh các chỉ số kinh tế vĩ mô đang tương đối ổn định và diễn biến của thị trường theo chiều hướng tích cực, NHNN cho biết, sẽ duy trì tỷ giá ổn định.