Hiện tại, tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD, nhưng giá trị thật phải 22.000 hoặc 23.000 đồng/USD. Thực tế này có cả tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế.
Theo Báo cáo, do mức chênh lệch lớn về lạm phát giữa Mỹ và Việt Nam tiếp tục gia tăng trong năm 2011 khiến tỷ giá danh nghĩa song phương (NER) tiếp tục xu hướng tăng cao và khoảng cách giữa NER và tỷ giá thực song phương (RER) ngày càng giãn rộng. Theo tính toán của cơ quan này, tính đến tháng 9/2011, chỉ số RER giữa VND và USD đạt 78,8, tức là VND đang được định giá cao hơn 21,2% so với USD.

Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế, đồng USD trong những năm gần đây bị mất giá so với hầu hết các đồng tiền lớn trên thế giới. Trong năm 2011, đồng yên tăng 5,2% so với USD, đồng NDT tăng 4,7% nên nếu tính tỷ giá thực đa phương (REER), khoảng cách định giá cao của VND đã được thu hẹp. Nếu tính NEER có hiệu chỉnh theo chênh lệch lạm phát (REER), tính đến hết tháng 9/2011, REER đạt xấp xỉ 95, tức là VND được định giá cao hơn giá trị thực là 5%.
Trong khi đó, từ tháng 9/2011 đến nay, tỷ giá khá ổn định, chỉ tăng khoảng 0,9%. Điều đó có nghĩa VND vẫn đang được định giá cao hơn so với giá trị thực. Sở dĩ như vậy một phần là do chính sách tiền tệ thời gian qua được điều hành theo hướng gia tăng vị thế tương đối của VND so với USD bằng cách duy trì một mức chênh lệch lãi suất khá cao giữa hai đồng tiền.
Việc VND được định giá cao hơn sẽ giảm bớt áp lực lạm phát từ bên ngoài khi giá hàng hóa nhập khẩu tính theo VND sẽ rẻ hơn. Nhờ đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội cũng như gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng này nếu kéo dài, nhà xuất khẩu phải chịu thiệt thòi, không đẩy mạnh xuất khẩu.
Về nguyên tắc, tỷ giá sẽ do quy luật cung - cầu quyết định. Việc để tỷ giá không tuân theo quy luật này đều phải trả giá, đôi khi cái giá phải trả là rất lớn. Chẳng hạn, việc VND được định giá cao gián tiếp do lãi suất VND ở mức cao. Việc duy trì lãi suất cao trong một thời gian dài cộng với tỷ giá ổn định đã kéo theo một dòng vốn nóng chảy vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất. Vì lẽ đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cảnh báo, vốn đầu tư gián tiếp sẽ đảo chiều rất nhanh một khi chênh lệch lãi suất USD và VND giảm xuống.
Mặc dù vậy, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối nguồn vốn và ngoại hối Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho rằng, sự tín nhiệm với VND mới được khôi phục. Nếu tiếp tục phá giá, VND sẽ khiến niềm tin mất đi, đồng thời gây nên hiệu ứng nhập khẩu lạm phát. “Giữ vững tỷ giá như hiện nay là phương pháp hữu hiệu. Đặc biệt, nếu theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 17 tỷ USD, tôi dự đoán tỷ giá khá ổn trong năm 2012 với tốc độ điều chỉnh khoảng 3 - 5% theo bối cảnh kinh tế vĩ mô”, ông Trung nhấn mạnh.
Giám đốc khối nguồn vốn một NHTM phân tích, tình trạng thặng dư cán cân thương mại sẽ tiếp tục trong năm nay và giảm áp lực trên giá đôla. Nếu tình trạng này được duy trì đến cuối năm, NHNN không cần can thiệp nhiều lên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, vị này cho rằng, xu hướng giảm lãi suất huy động VND đã làm giảm mức độ chênh lệch giữa lãi suất VND và USD, người dân sẽ không mặn mà trong việc giữ tiền đồng, bởi niềm tin vào VND chưa thực sự vững chắc, mà có xu hướng chuyển sang nắm giữ ngoại tệ hoặc vàng.
“Trong năm 2012, cung - cầu sẽ không biến động nhiều, nhưng trong trung hạn, tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ chịu nhiều sức ép. Theo đó, cần có những chính sách hợp lý, kịp thời nhằm giảm bớt tác động của sức ép lên tỷ giá”, vị giám đốc trên nói.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo, tỷ giá trong năm 2012 tiếp tục theo hướng linh hoạt có kiểm soát. Tuy nhiên, trong trung hạn, tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ chịu nhiều sức ép, trong đó, chịu ảnh hưởng đáng kể của việc sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng. Do vậy, để kiểm soát tốt tỷ giá, phải có giải pháp để quản lý có hiệu quả thị trường vàng. Bên cạnh đó, do lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài nên nếu chỉ điều chỉnh giảm giá VND ở mức thấp sẽ tiếp tục duy trì tình trạng VND được định giá cao, từ đó, tạo sức ép lên tỷ giá trong dài hạn.