Tỷ lệ hàng xuất khẩu có C/O ưu đãi chưa cao

0:00 / 0:00
0:00
Số lượng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) ưu đãi cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) chưa cao do vướng về quy tắc xuất xứ.
Tỷ lệ hàng xuất khẩu có C/O ưu đãi chưa cao

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ

Lo ngại tỷ lệ hàng xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi sang các thị trường có FTA đạt thấp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa kiến nghị Bộ Công thương thành lập ngay Tổ Công tác về quy tắc xuất xứ theo các FTA, với nhiệm vụ là tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ cho các doanh nghiệp muốn tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu.

Việt Nam đã thực thi 14 FTA, nhưng theo VCCI, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sử dụng C/O ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu hiện tương đối thấp và có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây (từ 39% năm 2018 xuống còn 33% năm 2020).

Việc kịp thời giải đáp và xử lý các vướng mắc về quy tắc xuất xứ sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế quan theo các FTA, từ đó nâng cao tỷ lệ kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo FTA trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Nguồn: VCCI

Thậm chí, tỷ lệ này còn thấp hơn với các FTA gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và rất thấp (chỉ từ 1% đến 8%) với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile (VCFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).

“Nguyên nhân chủ yếu là những vấn đề liên quan tới quy tắc xuất xứ”, VCCI lý giải và cho biết, nhiều doanh nghiệp không hiểu rõ về quy tắc xuất xứ, hoặc có thắc mắc về cách thức đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, nhưng không tìm được đầu mối để có câu trả lời kịp thời, chính xác.

Cùng với đó, một số quy tắc xuất xứ được giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng, tận dụng. Ngôn ngữ trong các thông tư về quy tắc xuất xứ theo FTA không dễ hiểu, cần có giải thích của cán bộ Bộ Công thương.

Dệt may luôn được đánh giá được hưởng lợi lớn từ các FTA, nhưng để được cấp C/O ưu đãi, hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo từng FTA. Từ ngày 1/8/2020 (ngày EVFTA có hiệu lực) đến 31/12/2020, kim ngạch hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU cấp C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA đạt 216 triệu USD, trong quý I/2021 đạt 199 triệu USD.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, thỏa mãn quy tắc xuất xứ là chìa khóa để doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA. Nhưng với EVFTA, dệt may chưa tận dụng được ưu đãi do quy định phức tạp về quy tắc xuất xứ hàng hóa của FTA này, cũng như hạn chế về năng lực sản xuất nguyên liệu.

Khác với dệt may, ngành da giày có tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tốt nhất. Tỷ lệ giày dép xuất khẩu sang EU có sử dụng C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA là 98,98% trong quý I/2021. Lý do là tiêu chí xuất xứ đối với giày dép trong EVFTA tương đối linh hoạt, cho phép nhập nguyên liệu ngoài khối để sản xuất hàng hóa, trong khi dệt may thì không.

Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thừa nhận, quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới phức tạp hơn các FTA trước đó, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Vì vậy, doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp mới xuất khẩu sang EU theo EVFTA, rất bỡ ngỡ trong việc đọc và hiểu các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tại hiệp định này.

52,8 tỷ USD hàng xuất khẩu được ưu đãi

Năm 2020, cả nước xuất khẩu 282,6 tỷ USD hàng hóa sang hơn 200 thị trường toàn cầu. Trong đó, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 1 triệu bộ C/O ưu đãi cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường có FTA, trị giá 52,8 tỷ USD, tăng 6% về trị giá và 9% về số lượng bộ C/O so với năm 2019. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường có FTA, thì tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu có sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 33,1%.

Bộ Công thương khẳng định, tỷ lệ sử dụng C/O khi xuất khẩu sang một số thị trường có FTA có thể giảm, nhưng số hồ sơ đề nghị cấp C/O ưu đãi vẫn tăng đều từng năm. Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) lý giải, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi 33,1% không có nghĩa là gần 67% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao.

Thực tế, thuế nhập khẩu MFN (thực hiện Quy chế Tối huệ quốc) tại một số thị trường đã là 0%, hoặc ở mức rất thấp 1-2%, hoặc tương đương mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo FTA. Trong các trường hợp này, doanh nghiệp không đề nghị cấp C/O ưu đãi theo các FTA khi xuất khẩu, bởi việc có hay không có C/O ưu đãi không tạo sự khác biệt về thuế quan.

Liên quan đến tạo thuận lợi trong thủ tục cấp C/O cho doanh nghiệp, đại diện Bộ Công thương thông tin, Bộ đã cho phép doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị cấp C/O mẫu D điện tử hoàn toàn sang 6 nước ASEAN từ đầu năm 2020. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng chục ngàn ngày công khi không phải mất thời gian gửi hồ sơ đến các tổ chức cấp C/O và thời gian để tổ chức cấp C/O gửi trả lại mẫu C/O đã cấp.

Ngoài C/O mẫu D sang ASEAN, Bộ Công thương cũng trao đổi với một số đối tác FTA để điện tử hóa thủ tục cấp C/O đi các thị trường như Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Chile… Việc cấp C/O điện tử tạo ra một phong cách làm việc mới, không cần tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và người cung cấp dịch vụ công. Các doanh nghiệp có khối lượng hồ sơ lớn, doanh nghiệp ở xa khu vực trung tâm là những người hưởng lợi nhiều nhất khi thời gian, công sức và chi phí được cắt giảm đáng kể.

Tin bài liên quan