Gánh nặng nợ là mối lo mới trong giai đoạn lạm phát cao

Gánh nặng nợ là mối lo mới trong giai đoạn lạm phát cao

Tỷ lệ nợ cao và đình lạm đã tạo tiền đề cho "mẹ của mọi cuộc khủng hoảng tài chính"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế thế giới đang chao đảo trước sự kết hợp chưa từng có của các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và nợ sau sự bùng nổ của thâm hụt, vay nợ và đòn bẩy lớn trong những thập kỷ gần đây.

Trong khu vực kinh tế tư nhân, núi nợ bao gồm nợ của các hộ gia đình (nợ thế chấp, thẻ tín dụng, khoản vay mua ô tô, khoản vay sinh viên, khoản vay cá nhân), nợ của các doanh nghiệp và tập đoàn (các khoản vay ngân hàng, nợ trái phiếu và nợ tư nhân) và nợ của khu vực tài chính (nợ của các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng).

Trong khu vực kinh tế công, núi nợ bao gồm trái phiếu trung ương, tỉnh và địa phương và các khoản nợ chính thức khác, cũng như các khoản nợ tiềm ẩn như các khoản nợ chưa được tài trợ từ các chế độ lương hưu trả theo mức sử dụng và hệ thống chăm sóc sức khỏe, và tất cả sẽ tiếp tục tăng lên khi xã hội ngày càng già đi.

Gánh nặng nợ đáng kinh ngạc

Chỉ cần nhìn vào các khoản nợ rõ ràng, chúng ta đã có những con số đáng kinh ngạc. Trên toàn cầu, tổng nợ của khu vực tư nhân và khu vực công tính theo tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội đã tăng từ 200% năm 1999 lên 350% vào năm 2021. Tỷ lệ này hiện là 420% ở các nền kinh tế tiên tiến và 330% ở Trung Quốc. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 420%, cao hơn so với thời kỳ Đại suy thoái và sau Thế chiến II.

Mặc dù nợ có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế nếu người đi vay đầu tư vào vốn mới (máy móc, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng) mang lại lợi nhuận cao hơn chi phí đi vay, nhưng nhiều khoản vay chỉ đơn giản là để tài trợ cho chi tiêu tiêu dùng cao hơn thu nhập của một người trên cơ sở liên tục thì đó là công thức dẫn đến phá sản.

Hơn nữa, đầu tư cũng đi kèm với nhiều rủi ro, cho dù người đi vay là một hộ gia đình mua nhà với giá tăng cao một cách giả tạo, một công ty đang tìm cách mở rộng quá nhanh mà không quan tâm đến lợi nhuận, hay một chính phủ đang chi tiền cho các dự án cơ sở hạ tầng xa hoa nhưng vô ích.

Vay quá mức

Việc vay quá mức đã diễn ra trong nhiều thập kỷ với nhiều lý do. Dân chủ hóa tài chính đã cho phép các hộ gia đình có thu nhập eo hẹp tài trợ cho tiêu dùng bằng nợ. Các chính phủ trung hữu đã liên tục cắt giảm thuế mà không cắt giảm chi tiêu, trong khi các chính phủ trung tả đã chi tiêu hào phóng cho các chương trình xã hội mà không được tài trợ đầy đủ với đủ mức thuế cao hơn.

Và các chính sách thuế thiên về nợ hơn vốn chủ sở hữu đã được hỗ trợ bởi các chính sách tín dụng và tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của các ngân hàng trung ương, những điều này đã thúc đẩy hoạt động vay mượn tăng đột biến ở cả khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế công.

Nhiều năm nới lỏng định lượng (QE) và nới lỏng tín dụng đã giữ cho chi phí đi vay gần bằng 0 và trong một số trường hợp thậm chí lãi suất còn âm (như ở châu Âu và Nhật Bản cho đến gần đây). Trước năm 2020, nợ công tính trên đồng đô la có lãi suất âm là 17.000 tỷ USD và ngay cả các khoản thế chấp cũng có lãi suất danh nghĩa âm ở một số quốc gia Bắc Âu.

Nhiều chủ thể vỡ nợ

Sự bùng nổ của các khoản nợ không bền vững ngụ ý rằng nhiều người đi vay - các hộ gia đình, tập đoàn, ngân hàng, ngân hàng bóng tối, chính phủ và thậm chí cả các quốc gia - là những đối tượng mất khả năng thanh toán nhưng lại nhận được hỗ trợ bởi lãi suất thấp để giúp kiểm soát được chi phí trả nợ.

Trong cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng Covid-19, nhiều công ty vỡ nợ lẽ ra đã phá sản, nhưng lại được giải cứu bằng các chính sách lãi suất âm hoặc bằng 0, cũng như các gói nới lỏng định lượng và các gói cứu trợ tài chính hoàn toàn.

Nhưng giờ đây, lạm phát - được nuôi dưỡng bằng chính các chính sách tài chính, tiền tệ và tín dụng cực kỳ lỏng lẻo - đã kết thúc thời kỳ tài chính được hỗ trợ của những chủ thể này. Với việc các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất trong nỗ lực khôi phục sự ổn định về giá cả, các chủ thể này đang phải chịu sự gia tăng gánh nặng về chi phí trả nợ.

Đối với nhiều người, điều này thể hiện một cú sốc gấp ba lần, bởi vì lạm phát cũng đang làm xói mòn thu nhập thực tế của hộ gia đình và làm giảm giá trị tài sản của hộ gia đình. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các tập đoàn, tổ chức tài chính và chính phủ yếu kém và sử dụng đòn bẩy quá mức vì họ phải đối mặt với chi phí đi vay tăng mạnh, thu nhập và doanh thu giảm, đồng thời giảm giá trị tài sản.

Nền kinh tế toàn cầu bị vùi dập bởi những cú sốc liên tục

Tồi tệ hơn, những diễn biến này lại trùng khớp với sự quay trở lại của tình trạng đình lạm (lạm phát cao đi kèm với tăng trưởng suy yếu). Lần cuối cùng các nền kinh tế tiên tiến trải qua những tình trạng như vậy là vào những năm 1970. Nhưng ít nhất là vào thời điểm đó, tỷ lệ nợ rất thấp. Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với những khía cạnh tồi tệ nhất của những năm 1970 (cú sốc đình lạm) bên cạnh những khía cạnh tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và lúc này, chúng ta không thể đơn thuần cắt giảm lãi suất chỉ để kích cầu.

Xét cho cùng, nền kinh tế toàn cầu đang bị vùi dập bởi những cú sốc cung tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn kéo dài đang làm giảm tốc độ tăng trưởng, tăng giá cả và chi phí sản xuất.

Chúng bao gồm sự gián đoạn của đại dịch đối với việc cung cấp lao động và hàng hóa; tác động của xung đột Nga-Ukraine đối với giá cả hàng hóa; chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc; và hàng loạt các cú sốc trung hạn khác từ biến đổi khí hậu đến những diễn biến địa chính trị sẽ càng tạo thêm áp lực của lạm phát cao đi kèm với tăng trưởng suy yếu.

Không giống như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và những tháng đầu của đại dịch Covid-19, việc cứu trợ đã diễn ra đơn giản bằng các chính sách vĩ mô lỏng lẻo và đổ thêm dầu vào lửa của lạm phát. Điều đó có nghĩa là sẽ có một cuộc hạ cánh khó khăn (một cuộc suy thoái sâu và kéo dài) bên cạnh một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Khi bong bóng tài sản vỡ, tỷ lệ trả nợ tăng vọt và thu nhập được điều chỉnh theo lạm phát giảm ở các hộ gia đình, tập đoàn và chính phủ, cuộc khủng hoảng kinh tế và sự sụp đổ tài chính sẽ tác động lẫn nhau.

Tuy nhiên, các nền kinh tế tiên tiến vay bằng đồng tiền của mình có thể sử dụng công cụ thông qua thúc đẩy một đợt lạm phát bất ngờ để làm giảm giá trị thực của một số khoản nợ có lãi suất cố định dài hạn trên danh nghĩa. Nhưng với việc các chính phủ không muốn tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu để giảm thâm hụt, tiền tệ hóa thâm hụt ngân hàng trung ương (việc chính phủ vay tiền từ ngân hàng trung ương để tài trợ cho chi tiêu công thay vì bán trái phiếu cho các nhà đầu tư tư nhân hoặc tăng thuế) một lần nữa sẽ được xem là con đường có ít kháng cự nhất.

Nhưng một khi lạm phát rơi vào tình trạng mất kiểm soát, đó là điều sẽ xảy ra khi các ngân hàng trung ương từ bỏ cuộc chiến khi đối mặt với sự sụp đổ kinh tế và tài chính đang rình rập - chi phí đi vay thực và danh nghĩa sẽ tăng lên. Nguyên nhân của tất cả các cuộc khủng hoảng nợ do đình lạm có thể bị trì hoãn chứ không thể tránh được.

Tin bài liên quan