UBCK cảnh báo các ứng dụng đầu tư: Nhà đầu tư cần làm gì?

UBCK cảnh báo các ứng dụng đầu tư: Nhà đầu tư cần làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa cảnh báo nhà đầu tư về các ứng dụng đầu tư Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow... và nêu rõ nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm đối với các rủi ro. Vậy thực tế, nhà đầu tư cần xác định những rủi ro nào trước khi sử dụng app?

Ngày 5/10, UBCKNN đưa ra cảnh báo, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Chia sẻ về khuyến cáo của UBCK, TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp (Senior Lecturer) Đại học Bristol, Anh cho biết: nội dung mấu chốt của khuyến cáo là việc “huy động vốn” của nhà đầu tư và “hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán” mà không được cấp phép.

Theo đó, các ứng dụng đầu tư chỉ thực hiện chức năng trung gian, kết nối giữa nhà đầu tư và các tổ chức bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng… cần phải chứng minh mình không thực hiện hoạt động huy động vốn và quản lý quỹ. Còn nếu các ứng dụng đầu tư có hoạt động này, đồng nghĩa với việc làm dịch vụ không có giấy phép.

Về phía nhà đầu tư, UBCK nêu rõ, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình, do vậy cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Trước cảnh báo của UBCK, các khách hàng sử dụng ứng dụng đầu tư từ các công ty công nghệ tài chính (Fintech) kể trên không khỏi lo ngại. Thực tế, đã có nhiều cảnh báo về các hình thức đầu tư – tích luỹ trên các nền tảng này, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa xác định được những rủi ro chính đối với hoạt động đầu tư của mình.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, “nhà đầu tư trước khi tham gia các app đầu tư cần hiểu rõ mình đang ký hợp đồng gì, với ai? Nếu mua chứng chỉ quỹ trực tiếp từ quỹ, thì sẽ được bảo vệ theo quy định về quỹ đầu tư. Nếu không ký hợp đồng trực tiếp với quỹ, mà thông qua ứng dụng, thì đối tác chính là ứng dụng đó. Và điều này cũng tương tự với gửi tiết kiệm thông qua ứng dụng, đối tác trực tiếp của người dùng là ứng dụng hay là ngân hàng. Nhà đầu tư cần nắm được hợp đồng mà mình ký kết là với ai, bản chất như thế nào”.

Bên cạnh đó, một rủi ro lớn với nhà đầu tư là không thể giám sát hoạt động của các app. Nếu ứng dụng công bố chỉ là trung gian môi giới, nhưng thực tế không hề chuyển tiền từ nhà đầu tư tới các quỹ/ngân hàng, thì nhà đầu tư đối diện khả năng “mất trắng” nếu app “biến mất”.

“Nhà đầu tư nên lựa chọn ứng dụng có ngân hàng lưu ký (custodian bank), tức là tách biệt tiền của khách hàng với tài khoản tổng của công ty. Ngân hàng lưu ký đóng vai trò giám sát, sẽ báo cáo mỗi tháng cho khách hàng biết tài sản như thế nào, có bao nhiêu tiền. Nếu ứng dụng đầu tư làm ăn “đàng hoàng” thì mỗi tháng sẽ công bố thông tin, tương tự các quỹ công bố NAV. Ngân hàng lưu ký sẽ xác nhận con số đó ở nhà băng là đúng”, TS. Hồ Quốc Tuấn chia sẻ.

Tin bài liên quan